Du Xuân an toàn, mỗi người phải có trách nhiệm với cộng đồng
VOV.VN -Bằng việc không sử dụng rượu bia khi lái xe, tuân thủ các quy định của pháp luật, mỗi người sẽ góp phần đảm bảo an toàn giao thông.
Trong buổi làm việc với Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu vừa mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết, năm 2014, số người chết vì tai nạn giao thông đã giảm, còn 9000 người chết. Con số này so với năm 2010 đã giảm được 4000 người, nhưng vẫn là quá lớn. Làm gì để tai nạn giao thông không còn ám ảnh người dân mỗi khi ra đường, nhất là dịp Tết này, là câu hỏi đặt ra đối với các cơ quan chức năng.
Chỉ cần làm một phép tính đơn giản, cũng có thể tính ra mỗi ngày trong năm 2014 có bình quân 24,6 người chết vì tai nạn giao thông, nghĩa là mỗi giờ lại có ít nhất một người gặp tai nạn trên đường, không bao giờ quay về nhà nữa. Và không chỉ tham gia giao thông trên đường mới gặp nạn, đứng mua bán hoa quả trên hè phố, đứng chờ xe đón ở sân bay… cũng có thể bị tai nạn. Trong đó, trách nhiệm trước hết thuộc về chính những người tham gia giao thông, đặc biệt là những người điều khiển xe khách, xe tải gây tai nạn nghiêm trọng.
Vụ tai nạn mới đây tại Bình Thuận, khi hai xe khách đấu đầu vào nhau khiến 10 người chết, 9 người bị thương, một bức tường rào nhà dân ven đường bị ủi sập, cho thấy việc người dân gọi xe khách đường dài là “quan tài bay” không phải không có lý do. Những ai đã từng ngồi lên xe khách đường dài đều không ít lần đứng tim với cảnh tăng tốc, giảm tốc đột ngột, lạng lách đánh võng, tạt té đón khách của những chiếc xe này.
Nguy hiểm hơn nữa là những người lái xe khách đều làm việc quá tải. Năm 2013, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành văn bản số 12098, trong đó quy định: “xe giường nằm, xe chạy đêm có hành trình chạy liên tục từ 4 tiếng trở lên, đơn vị kinh doanh vận tải phải bố trí đảm bảo mỗi lái xe chỉ lái liên tục tối đa 4 tiếng sau đó phải thay ca cho lái xe khác (thời điểm chạy đêm tính từ 8h tối hôm trước đến 8h sáng hôm sau)”. Thế nhưng trên thực tế, rất ít nhà xe và người lái tuân thủ quy định này. Trong khi đó, theo tính toán, với một chiếc xe tải hay khách nặng tới 30 tấn lao với tốc độ đến 80km/h, khi tài xế nhắm mắt vài giây để ngáp thì xe đã trôi thêm 50 mét. Còn với xe chặng ngắn, do vừa phải lòng vòng đón bắt khách mất nhiều thời gian, lại vừa phải về bến đúng giờ để xếp lốt cho chuyến sau, nên lái xe thường tranh thủ những đoạn đường không có biển báo hạn chế tốc độ để tranh thủ, nên chạy tốc độ cao, gây nguy hiểm cho các phương tiện khác.
Đối với các phương tiện cá nhân, tình trạng người điều khiển xe máy phóng nhanh, vượt ẩu, đi sai phần đường, làn đường, chở quá số người quy định, thậm chí đi lên những tuyến đường cấm xe máy…đang gây nguy hiểm cho chính mình và cho cộng đồng. Việc một số người đã có bằng lái xe hạng B2 nhưng vẫn đạp nhầm chân ga với chân phanh, gây nguy hiểm đến tính mạng người khác đang cho thấy những bất cập trong công tác đào tạo lái xe.
Trên thực tế, các cơ sở đào tạo lái xe cũng như sát hạch lái xe hiện nay chỉ chấp nhận cho người tham gia thi sử dụng xe ô tô số sàn, trong khi đó nhu cầu sử dụng xe ô tô số tự động hiện nay rất lớn và loại xe này càng ngày càng chiếm một tỉ lệ cao trên thị trường. Do đó, với những người mới nhận bằng lái xe, chưa có nhiều thời gian thực hành, việc đạp nhầm chân ga với chân phanh rất dễ xảy ra.
Cùng với những nguyên nhân chủ quan từ phía người lái xe và các chủ phương tiện, thì cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, vai trò và trách nhiệm của các cán bộ tham gia công tác kiểm soát giao thông ở nhiều nơi chưa cao. Vẫn còn tình trạng buông lỏng trong cấp giấy phép lái xe. Xe quá khổ quá tải vẫn lọt qua nhiều trạm kiểm soát tiếp tục phá đường, gây nguy hiểm cho các phương tiện khác.
Chỉ còn ít ngày nữa Tết Nguyên đán Ất Mùi sẽ về, đây là thời điểm lưu lượng xe trên các tuyến đường trong cả nước đều tăng mạnh. Để du xuân đều được an toàn, điều quan trọng là những người tham gia giao thông đều phải có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng bằng việc không sử dụng rượu bia khi lái xe, làm chủ tốc độ, tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông cho dù có cảnh sát giao thông giám sát hay không.
Các cơ quan chức năng cần sớm thực hiện việc đưa bộ giám sát hành trình vào gắn trên các phương tiện chạy đường dài như xe khách, xe tải, từ đó có thể phát hiện và xử phạt thật nặng những chủ xe và tài xế nào không thực hiện đúng quy định về thời gian nghỉ của lái xe. Mặt khác cần xử lý nghiêm tất cả những lỗi vi phạm giao thông dù là nhỏ nhất. Nếu như các lực lượng chức năng nâng cao tinh thần trách nhiệm của từng cá nhân, xử lý nghiêm khắc bất kỳ hành vi nào vi phạm pháp luật về giao thông, còn người tham gia giao thông nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông thì mới mong có thể xây dựng được văn hóa giao thông theo hướng: an toàn, đúng pháp luật./.