Được bắn pháo hoa: Xin hãy cẩn trọng!
VOV.VN - Các tổ chức, cá nhân và người dân cũng cần chủ động tìm hiểu nhận thức rõ trước khi sử dụng pháo hoa, tránh xảy ra tình trạng “tiền mất, tật mang”.
Nghị định 137 về quản lý và sử dụng pháo ra đời và sẽ có hiệu lực từ ngày 11/1/2020, tức là ngay khi dịp tết Nguyên đán cận kề. Vấn đề này đã và đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, việc sử dụng pháo hoa phải tuân thủ những điều kiện, quy định nào, các loại pháo nào được phép sử dụng để tránh vi phạm pháp luật là điều không phải ai cũng biết. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng của người dân kéo theo nguồn cung các loại pháo ngoài thị trường trở nên phức tạp hơn.
Nghị định 137/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo (pháo nổ, pháo hoa) thay thế Nghị định số 36 có quy định mới, đó là cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa vào dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Người thì ủng hộ, nhưng cũng có người lo ngại về an ninh trật tự và phòng chống cháy nổ khi người dân được phép sử dụng pháo hoa. Gia đình chị Bùi Thị Trang tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh phấn khởi với ý định được tự mình bắn pháo vào đêm giao thừa để có cái tết khác với mọi năm, tuy nhiên chị Trang vẫn còn khá nhiều băn khoăn.
“Bản thân tôi và hàng xóm xung quanh rất vui khi biết Nghị định mới của Nhà nước là cho phép bắn pháo hoa bởi vì trong ký ức của tôi thì pháo là thứ gì đó gắn với tuổi thơ, thứ không thể thiếu trong dịp lễ tết. Tuy nhiên tôi khá lo lắng theo quy định mới này chỉ bắn được loại pháo hoa nào, bản thân tôi cũng như nhiều người không biết được bắn loại pháo hoa nào, cũng như dịp nào. Nếu mình không nắm rõ rất có thể vi phạm pháp luật", chị Trang chia sẻ.
Thực tế rất nhiều người dân, cơ quan tổ chức chưa hiểu rõ khái niệm “pháo hoa” (theo Nghị định 137) khi cho rằng đó cũng là pháo hoa nổ ngày trước hoặc pháo hoa do Bộ Quốc phòng bắn vào các ngày lễ lớn của đất nước, dịp Tết Nguyên đán. Loại pháo hoa quy định tại Điều 3, Khoản 1b, Nghị định 137 là sản phẩm được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian, không gây ra tiếng nổ. Như vậy người dân, tổ chức, doanh nghiệp... chỉ được sử dụng loại pháo hoa không có thuốc nổ, không gây ra tiếng nổ.
Luật sư Đặng Thế Phương, Đoàn Luật sư thành phố Hải Phòng, khuyến cáo: “Trong Nghị định và các quy định của pháp luật quy định rất rõ. Người dân cần mua pháo hoa để sử dụng trong dịp lễ Tết vui chơi thì phải mua ở các cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh được Nhà nước cấp phép. Bên cạnh đó cần phân biệt rõ pháo hoa chỉ tạo hiệu ứng âm thanh và ánh sáng chứ không gây tiếng nổ. Phải hoàn toàn phân biệt hai vấn đề này để tránh việc mua nhầm phải những loại pháo nổ nếu không sẽ bị xử phạt theo quy định. Liên quan đến pháo thì quy định mức xử phạt về trách nhiệm hình sự cũng như hành chính hiện nay của nước ta cũng đã đang xử lý rất nghiêm minh do hậu quả của pháo gây ra có thể là cực kỳ lớn".
Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang cận kề, khi nhu cầu sử dụng pháo hoa của người dân tăng lên thì đây cũng là thời điểm các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để tàng trữ, vận chuyển, sử dụng pháo nổ trái phép. Theo quy định của nghị định 137, chỉ có các cơ sở của Bộ quốc phòng mới được kinh doanh pháo hoa, chính vì nguồn cung hạn chế sẽ tạo cơ hội để các đối tượng nhập lậu vận chuyển trái phép pháo nổ gia tăng hoạt động.
Đơn cử ngay trong đầu tháng 12 vừa qua, lực lượng đồn biên phòng Hải Hòa, tỉnh Quảng Ninh hay Công an tỉnh Bắc Giang đã liên tục phát hiện, bắt giữ lượng lớn pháo được vận chuyển trái phép từ Trung Quốc vào nội địa Việt Nam tiêu thụ. Trung tá Nguyễn Mạnh Thắng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Bắc Sơn (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh) cho biết: “Lợi dụng vấn đề này một số đối tượng trên địa bàn đã manh nha việc vận chuyển pháo qua biên giới. Chúng tôi đã tổ chức cho cán bộ chiến sĩ thường xuyên tuần tra, mật phục tìm ra những thủ đoạn của các đối tượng để kịp thời ngăn chặn hành vi buôn lậu pháo qua biên giới. Đồng thời chúng tôi cũng tuyên truyền cho bà con nhân dân trên địa bàn những loại pháo nào được sử dụng".
Để Nghị định số 137 được thực hiện hiệu quả, các cơ quan chức năng cần có giải pháp siết chặt thị trường, kiên quyết xử lý các cá nhân, tổ chức không được cấp phép kinh doanh nhưng cố tình vi phạm, tránh lợi dụng việc cho phép sử dụng pháo hoa để buôn bán các loại pháo nổ khác, kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm pháo hoa bán ra thị trường. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân và người dân cũng cần chủ động tìm hiểu nhận thức rõ trước khi sử dụng pháo hoa... tránh xảy ra tình trạng “tiền mất, tật mang”./.