Đường ở TP.HCM ngập nửa năm nước chưa rút, dân kêu trời
VOV.VN - Từ đầu mùa mưa đến nay, mọi hoạt động sinh hoạt, đi lại, kinh doanh của hàng chục hộ dân sống hai bên đường An Phú Đông 35 (tên cũ An Phú Đông 25) thuộc phường An Phú Đông, Quận 12, TP.HCM bị đảo lộn, khi tuyến đường nay bị ngập nặng, nước đọng nửa năm chưa rút. Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên UBND phường An Phú Đông và Quận 12, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Gian nan vượt đường ngập
Bì bõm lội nước, phiền toái vì nước, bùn đất cuốn theo xe tải tràn vào nhà hay xe cộ chết máy, té ngã... là những gì mà người dân sống hai bên đường An Phú Đông 35 phải nếm trải suốt nhiều tháng qua.
Theo nhiều người dân, đoạn đường bị ngập dài khoảng 400m, nước đã ứ đọng từ đầu mùa mưa đến nay, không rút. Nguyên nhân gây ngập được cho là do tuyến đường không có hệ thống thoát nước, mặt đường lún, thấp, trũng do có nhiều xe tải lưu thông.
Ông Đỗ Doãn Sự, người dân sống tại đây cho biết tình trạng ngập ngày càng nặng, có chỗ ngập sâu cả nửa mét, nước lênh láng chiếm trọn mặt đường người đi đường không còn chỗ né tránh.
“Đường này ngập từ đầu mùa mưa đến bây giờ. Do không có cống thoát nên nước đọng mãi không rút được.Thỉnh thoảng có vài doanh nghiệp bơm hút nước nhưng khi trời mưa thì lại bị ngập như sông. Có đoạn ngập đến lốc máy, ống pô khiến nhiều xe đi qua chết máy, người dân phải dắt bộ. Người lạ mới đến không thạo đường là té lên té xuống. Một số nhà ngập nặng họ bơm hút nước từ trong nhà ra ngoài, khiến mùi hôi khắp cả khu”, ông Sự nói.
Những “ao nước” đục ngầu án ngữ ngay trước cửa không chỉ gây xáo trộn sinh hoạt mà nhiều cửa hàng của người dân cũng không thể buôn bán. Để ngăn nước tràn vào trong nhà, hàng loạt hộ dân hai bên đường phải tốn kém không ít công của để nâng nền hay “be bờ, đắp đập”. Cũng có hộ bất lực đành bỏ nhà đi vì ngán cảnh bì bõm lội nước.
“Hiện tại tình hình kinh doanh, buôn bán rất khó khăn. Tội nhất là các em học sinh, mặc áo dài đến trường nhưng nhiều trường hợp không may bị té dơ, ướt hết quần áo. Ngập thế này nước trong nhà cũng không thể thoát được phải múc tát nước ra ngoài. Như khu nhà trọ kế bên nhà tôi hiện tại không thể cho thuê được vì ngập. Chưa kể nước đọng lâu ngày còn nỗi lo dịch bệnh, mất vệ sinh”, ông Phúc than thở.
Con đường có bị lãng quên?
Qua tìm hiểu, đường An Phú Đông 35 song song với Quốc lộ 1A, đi qua các khu dân cư đông đúc trên địa bàn phường An Phú Đông, Quận 12 và có lưu lượng xe cộ khá lớn.
Một người dân (giấu tên) bức xúc cho biết đã nhiều lần kiến nghị lên UBND phường An Phú Đông và Quận 12, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết vì nhập nhằng không phân định được tuyến đường trên thuộc đường dân sinh hay đường địa phương quản lý.
“Tuyến đường này liên quan đến tuyến song hành với Quốc lộ 1A đi qua địa phương nên phải thuộc quản lý của quận hoặc Thành phố. Người dân chúng tôi đã ý kiến rất nhiều rồi nhưng không được giải quyết. Chứ bây giờ người dân không biết kêu ai và làm thế nào. Chúng tôi rất mong sớm có biện pháp hỗ trợ xử lý thoát nước để đi lại dễ dàng hơn. Chứ thế này cứ mỗi lần mưa người dân cứ mất ăn mất ngủ vì lo cảnh nhà ngập”, ông Khiêm cho biết.
Ông Võ Thành Đằng (62 tuổi) sống lâu năm trên tuyến đường An Phú Đông 35 cho rằng, tuyến đường này dài khoảng 4km được hình thành nhằm kết nối, chia tải, giải quyết tình trạng kẹt xe cho Quốc lộ 1A. Theo ông Đằng, con đường này thuộc quy hoạch Nhà nước nên nhiều người bất bình với phương án khắc phục theo hình thức Nhà nước và người dân cùng làm.
“Qua 5 lần họp rồi, mỗi lần họp đều có lãnh đạo UBND phường nhưng vẫn không giải quyết được gì. Rồi hứa hẹn trong tháng 10 sẽ làm cống thoát nước nhưng nay đã gần cuối tháng vẫn chưa thấy gì. Tuyến đường này rất nhiều xe tải, xe container đi qua chứ không riêng xe máy. Nhưng để sửa chữa đường thì chỉ có 84 hộ ở đoạn ngập đóng góp thì nhiều người họ bức xúc. Vì dân đóng tiền nhưng các doanh nghiệp xe tải lại được hưởng lợi", ông Đằng nói.
Càng ngày con đường An Phú Đông 35 càng ngập sâu như sông. Hàng chục hộ dân địa phương cũng như người đi đường rất mong cơ quan chức năng Quận 12 sớm có biện pháp khắc phục để người dân đi lại dễ dàng, an toàn, không còn nỗi lo nước tràn vào nhà mỗi khi mưa lớn.