Trung Quốc giành lợi thế từ RCEP
VOV.VN - Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã chính thức được ký kết sau 8 năm đàm phán và nhận được sự đánh giá tích cực từ phía Trung Quốc.
Phát biểu ngay sau lễ ký kết, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh: "Là khu mậu dịch tự do có số dân tham gia đông nhất, kết cấu thành viên đa dạng nhất, tiềm năng phát triển lớn nhất trên thế giới, RCEP không chỉ là thành quả mang ý nghĩa biểu tượng trong hợp tác khu vực Đông Á, mà còn là thắng lợi của chủ nghĩa đa phương và tự do thương mại. Trong bối cảnh hiện nay, với nhiều ý nghĩa và lợi ích mà hiệp định đem lại, đây không chỉ "là thắng lợi của chủ nghĩa đa phương và tự do thương mại", mà còn là chiến thắng của chính Trung Quốc.
Về kinh tế
Với vai trò là một Hiệp định về tự do thương mại, RCEP trước tiên đem lại lợi ích kinh tế cho các quốc gia thành viên, trong đó có Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhất toàn khối.
Trả lời phỏng vấn báo chí Trung Quốc sau khi ký kết RCEP, đề cập những tác động của hiệp định đối với nền kinh tế trong nước, ông Vương Thụ Văn, Thứ trưởng Bộ Thương mại nước này khẳng định, hiệp định này sẽ giúp Bắc Kinh mở rộng không gian thị trường xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu nhập khẩu tiêu dùng trong nước, có lợi cho việc duy trì ổn định thương mại đối ngoại và đầu tư nước ngoài, hỗ trợ đắc lực cho "cục diện phát triển mới" lấy đại tuần hoàn trong nước làm chủ thể, tuần hoàn kép trong nước và quốc tế thúc đẩy lẫn nhau của nước này.
Ông Vương Thụ Văn cho biết, thành viên của RCEP đều là các đối tác quan trọng của Trung Quốc. 9 tháng năm 2020, kim ngạch mậu dịch giữa nước này và các nước thành viên lên tới 1.055 tỷ USD, chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch thương mại đối ngoại của Trung Quốc.
Nếu tính cả RCEP, Trung Quốc đã ký kết tất cả 19 hiệp định thương mại tự do với 26 đối tác. Nhờ có RCEP, Trung Quốc đã thiết lập được quan hệ thương mại tự do với Nhật Bản. Tỷ lệ thương mại với các đối tác thương mại tự do trong toàn bộ nền thương mại nước này sẽ tăng từ 27% lên 35%.
Ông Vương Thụ Văn nhấn mạnh: "Một thị trường lớn như vậy mở ra sẽ có lợi cho xuất khẩu của chúng ta, doanh nghiệp sẽ bán được hàng. Còn với nhập khẩu, hàng hóa chúng ta nhập có hàng tiêu dùng, sản phẩm trung gian, tư liệu sản xuất. Đối với hàng tiêu dùng, chẳng hạn như các loại hoa quả đến từ thị trường ASEAN thuế sẽ giảm sâu hơn, các mặt hàng giày dép, quần áo giá cả đều sẽ thấp đi".
"Về nhập khẩu, doanh nghiệp Trung Quốc cần mua nguyên vật liệu, linh phụ kiện, máy móc thiết bị từ 14 quốc gia còn lại, thuế cũng sẽ giảm đi. Với chúng ta, đầu tư sẽ tăng trưởng và đem lại những lợi ích rõ rệt trong tạo việc làm" - ông Vương Thụ Văn cho biết.
Những cơ hội mới mà RCEP đem lại cho Trung Quốc không chỉ dừng lại tại đây. Theo tính toán của ông Lương Nhất Tân, trợ lý nghiên cứu viên của một viện nghiên cứu thuộc Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc, trong thời kỳ "5 năm lần thứ 14" (2021-2025), RCEP sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư và GDP nước này thêm 1,95; 1,63; 0,09; 0,04 điểm phần trăm, trong đó riêng ngành dệt may là 0,86 điểm phần trăm.
Báo cáo của Công ty Tài chính Quốc tế Trung Quốc cũng cho rằng, việc ký kết RCEP sẽ làm nổi bật hơn các ưu thế về chuỗi công nghiệp của ngành may mặc Trung Quốc. Theo đó, mặc dù những năm gần đây phải chịu tác động của giá thành tăng cao và sự mở rộng thị phần nhanh chóng của các quốc gia Đông Nam Á và Trung Nam Mỹ..., nhưng nếu xét yếu tố tổng thể trong đáp ứng các yêu cầu cao về thời hạn giao hàng, chất lượng và số lượng hàng hóa của các thương hiệu quốc tế, dệt may Trung Quốc vẫn tỏ rõ ưu thế trong việc tiếp nhận các đơn hàng đòi hỏi hoàn thành trong thời gian ngắn, phức tạp và số lượng lớn.
Cùng với đó, RCEP sẽ giúp đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc thuận lợi hơn. Thống kê của Viện nghiên cứu chiến lược châu Á-Thái Bình Dương và Toàn cầu thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho thấy, năm 2018, đầu tư của nước này vào 14 quốc gia thành viên RCEP đạt 16 tỷ USD, chiếm 9% tổng đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc. Cùng với việc thực thi hiệp định, Trung Quốc có thể chuyển dịch đầu tư những ngành chế tạo có ưu thế cạnh tranh nổi trội sang các quốc gia khác trong khu vực, đồng thời tập trung nguồn lực hữu hạn trong nước vào các ngành có giá trị và hàm lượng kỹ thuật cao hơn, thúc đẩy việc chuyển đổi và nâng cấp các ngành nghề trong nước.
Ngoài ra, hỗ trợ thúc đẩy sâu hơn việc quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ cũng là một lợi thế mà việc gia nhập RCEP đem lại cho Trung Quốc. Hiện ASEAN là kênh chính để Trung Quốc thực hiện việc quốc tế hóa đồng nội tệ. Cùng với việc thực thi hiệp định, sẽ có nhiều các quốc gia của ASEAN và trong khu vực chọn Nhân dân tệ làm đồng tiền giao dịch. Nhờ đó, chức năng đầu tư và dự trữ của đồng tiền này sẽ ngày càng rõ nét hơn.
Về chính trị
Không chỉ khẳng định ý nghĩa của RCEP đối với chủ nghĩa đa phương và tự do thương mại, Thủ tướng Lý Khắc Cường trong phần phát biểu của mình còn cho rằng, hiệp định này giúp mọi người "thấy được ánh sáng và hy vọng trong mù tối". Không khó để nhận thấy, "mù tối" mà Thủ tướng Trung Quốc nhắc tới ở đây không chỉ là đại dịch Covid-19 cùng những tác động tiêu cực mà nó gây ra cho kinh tế toàn cầu, điều này còn ngầm chỉ chính sách đơn phương "Nước Mỹ trên hết" mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump thúc đẩy trong mấy năm qua.
Trung Quốc được cho là "thở phào nhẹ nhõm" trước việc RCEP chính thức ký kết, bởi trước đó nước này đã vấp phải không ít rào cản từ phía Mỹ với những cáo buộc về "tiềm ẩn rủi ro an ninh, dữ liệu cá nhân và nhân quyền". Truyền thông Trung Quốc đã dùng những "từ ngữ mạnh" như "lớn nhất thế giới", "siêu nặng ký"..., để bày tỏ sự phấn kích trước sự kiện này.
Giờ đây, góp mặt trong "siêu hiệp định" với tổng dân số, tổng lượng kinh tế và thương mại đều chiếm khoảng 30% toàn cầu, Trung Quốc như có thêm sức mạnh để đọ găng với đối thủ nặng ký là Mỹ và chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà Washington xúc tiến bấy lâu.
Ông Lý Minh Giang (Li Mingjiang), phó Giáo sư Học viện Quan hệ Quốc tế S.Rajaratnam (RSIS) thuộc Đại học công nghệ Nanyang, Singapore nhận định, RCEP sẽ đem lại lợi ích địa chính trị rõ rệt cho Trung Quốc khi gạt Mỹ sang một bên và rút ngắn khoảng cách trong quan hệ kinh tế thương mại giữa các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương với Trung Quốc, khiến Mỹ gặp khó khăn hơn trong việc sử dụng kinh tế thương mại ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngăn chặn sự mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Xét dưới một góc độ nào đó, RCEP giúp Bắc Kinh đối phó được với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Washington.
Tuy nhiên, ông Trữ Ân, nghiên cứu viên của Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa (CCG) lại cho rằng, mặc dù RCEP giúp Trung Quốc tiến xa hơn Mỹ trong việc kết nối khu vực châu Á-Thái Bình Dương, những điều này không đồng nghĩa với việc khu vực này sẽ nằm trong "phạm vi ảnh hưởng" của Trung Quốc. RCEP chỉ giới hạn trong hội nhập kinh tế thương mại, trong khi hội nhập khu vực liên quan tới an ninh công cộng, ý thức hệ, chế độ xã hội và sự tin cậy giữa các quốc gia... Trung Quốc còn "yếu" rõ rệt trong các mặt này, trong khi ưu thế, sức mạnh cứng và sức mạnh mềm của Mỹ trên trường quốc tế đều rất lớn.
Ông Viên Thiết Thành, chuyên gia về các vấn đề an ninh quốc tế của Bắc Kinh cũng nhận định, RCEP có tiêu chuẩn cao hơn Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhưng lại thấp hơn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), do vậy xét về cả mặt tích cực và tiêu cực tác động của hiệp định này đối với Trung Quốc đều là hữu hạn. Trên thực tế, với Bắc Kinh, RCEP mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn ý nghĩa về kinh tế. Và điều này có liên quan đến Đài Loan.
Ông còn cho rằng, nếu Trung Quốc có thể gia nhập hiệp định thương mại tự do có trình độ cao hơn là CPTPP, thì đây sẽ là viễn cảnh mới đối với kinh tế xã hội nước này và Đài Loan dù thế nào cũng không thể tách khỏi Trung Quốc đại lục.
Sau RCEP, mục tiêu tiếp theo của Trung Quốc sẽ là CPTPP?
Hồi tháng 5 năm nay, trong một cuộc họp báo sau kỳ họp "Lưỡng Hội" (tức hai kỳ họp của Nhân đại và Chính hiệp), Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường từng khẳng định, Trung Quốc giữ thái độ "tích cực cởi mở" với CPTPP.
Ông Vương Huy Diệu, Giám đốc Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa (CCG) cho rằng, Bắc Kinh nên gia nhập CPTPP. Bởi theo ông sau khi RCEP được ký kết, Mỹ rất có thể sẽ quay lại CPTPP. Trong khi đó, nếu cả Mỹ và Trung Quốc đều tham gia đàm phán, sẽ đem lại cơ hội mới lớn hơn cho cơ chế thương mại và tương lai toàn cầu.
Theo phân tích của chuyên gia này, việc đạt được tiến triển trong thực hiện Thỏa thuận thương mại giai đoạn I với Mỹ đã tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc gia nhập CPTPP. Những năm qua, Trung Quốc cũng đã có những thay đổi lớn trong việc giải quyết các vấn đề trở ngại trong CPTPP, như sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường, chuyển tải dữ liệu, cải cách doanh nghiệp nhà nước...
Ông dự báo, sau khi ông Biden lên nắm quyền tại Mỹ, Trung Quốc có thể sẽ tham gia vào hiệp định này. Như vậy, hai bên sẽ có thêm một kênh trao đổi "lý trí". Không những vậy, CPTPP còn có thể giúp Mỹ và Trung Quốc tìm ra một nền tảng giải quyết các tranh chấp thương mại về lâu về dài.
Với ông Vương Huy Diệu, việc Trung Quốc gia nhập CPTPP giống như gia nhập một "tiểu WTO", tương tự như tham gia WTO lần hai, là vận hội mới cho sự phát triển trong tương lai của Trung Quốc và như vậy nước này có thể sẽ không cần phải tiến hành chiến tranh thương mại.
Tuy nhiên, theo ông, mặc dù ký kết RCEP giúp Trung Quốc bớt đi một rào cản để gia nhập CPTPP, song đây vẫn là một quá trình không hề đơn giản. Nếu Trung Quốc tham gia được vào hiệp định này sau nhiệm kỳ 4 năm của ông Biden đã là "quá tốt", bởi riêng RCEP cũng phải mất 8 năm mới có thể kết thúc đàm phán.
Mặc dù chưa thể đoán định liệu sau RCEP Trung Quốc có gia nhập hay khởi xướng một thể chế đa phương nào khác hay không, nhưng trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây đang không mấy xuôi chèo mát mái như hiện nay, việc ký kết thành công RCEP mang ý nghĩa biểu tượng rất lớn đối với Bắc Kinh. Nước này sẽ còn tiếp tục thể hiện thái độ tích cực với nhiều khuôn khổ hợp tác đa phương khác, chẳng hạn như Hiệp định đầu tư với châu Âu, bởi đây chính là nơi có thể giúp Trung Quốc "thêm bạn bớt thù"./.