“Ép” học sinh không thi vào 10: Cân nhắc thấu đáo để con trẻ khỏi thiệt thòi
VOV.VN - Câu chuyện “ép không thi vào lớp 10” sẽ không có hồi kết nếu chúng ta vẫn cứ mộng mị với những thành tích, những điểm số “ảo” mà không nhìn thẳng vào sự thật để thay đổi từ tư duy của cha mẹ đến những người làm công tác giáo dục…
Mỗi năm cứ vào dịp này, câu chuyện “ép” học sinh không thi vào 10 lại nóng lên. Vì sao năm nào chuyện này cũng được đem ra bàn thảo, ngành giáo dục cũng đã có những giải pháp và chấn chỉnh nhưng cứ “đến hẹn lại lên”?.
Trước hết, nhiều cha mẹ và học sinh chưa đánh giá được thực lực của con em mình. Những kết quả học tập hàng năm mà con đưa về với những điểm số đẹp, học lực khá, giỏi đang ru ngủ học sinh và nhiều bậc phụ huynh, khiến họ “ảo tưởng” về khả năng của con mình.
Kể cả, nhiều phụ huynh còn so sánh những con điểm 7-8 của thời điểm hiện tại với thời mình đi học và cho rằng như thế là con đã khá, giỏi. Nhưng trên thực tế, điểm số này lại không là gì và ở “top cuối” nếu so sánh với các bạn trong lớp, trong trường. Vì thế, trong các cuộc thi phải có sự phân loại, phân định tỷ lệ “đỗ-trượt” thì với những học sinh có năng lực như vậy, khả năng trượt sẽ cao hơn.
Chưa kể, với nhiều học sinh hiện nay, việc lên lớp học là cực hình, các em đến trường là theo nguyện vọng của gia đình, của nhà trường, còn thực tế thì kiến thức những em này thu nạp được ở trường, lớp là rất ít, thậm chí bằng không.
Cùng với đó, trong nhiều gia đình, thành tích của con là “bộ mặt” của cha mẹ, con càng có thành tích tốt, học càng lên cao thì cha mẹ càng nở mày nở mặt. Việc con không thi vào cấp 3, đi học nghề là chuyện khó có thể chấp nhận. Bằng bất cứ giá nào, con em họ cũng phải đỗ vào cấp 3, không trường công thì trường tư, rồi học lên đại học. Trong khi đó, với cách thi như hiện nay và nhan nhản trường đại học được mở ra, kiểu tuyển sinh “thượng vàng hạ cám” thì thi vào lớp 10 còn khó hơn cả đỗ đại học. Nên khi đã đỗ vào cấp 3, thì tấm “vé” vào đại học không mấy khó khăn, mặc cho việc không biết học đại học để làm gì và sau khi ra trường sẽ làm gì.
Quay trở lại việc vì sao toàn thành tích khá, giỏi nhưng khả năng thực tế của nhiều học sinh lại không tương xứng, các em khó có thể thi đỗ vào lớp 10? Nguyên do ai cũng thấy rõ là bệnh thành tích hiện diện ở nhiều nơi, ở nhiều trường học, lớp học. Trường nào, lớp nào cũng dặt học sinh giỏi, học sinh khá chỉ đếm trên đầu ngón tay, học sinh yếu hầu như rất hiếm. Những con điểm đẹp của các em chính là thành tích để cô báo cáo lên trường, trường báo cáo lên phòng giáo dục, phòng giáo dục báo cáo lên Sở... Cũng chính những thành tích đó là tiêu xếp loại, xét tăng lương, khen thưởng đối với giáo viên và phân loại lớp học, trường học. Dù nhiều thầy cô đã từng trăn trở, nhưng rồi cũng “lực bất tòng tâm”. Thành tích của mỗi địa phương còn là tiêu chí để lãnh đạo đem ra so sánh với nhau trong các hội nghị và cuộc họp.
Việc học sinh, cha mẹ hốt hoảng khi con được tư vấn vào trường nghề, một phần vì họ đang “ảo tưởng” năng lực của con em mình. Phần nữa, ranh giới giữa việc tư vấn, định hướng với ép buộc học sinh không tham gia kỳ thi rất mong manh, nếu người tư vấn nếu không có phương pháp dễ khiến phụ huynh và học sinh hiểu chưa đúng, thậm chí là hiểu sai. Thêm nữa, nhiều thầy cô trong khi tư vấn, định hướng nghề nghiệp đã áp đặt cả ý chí chủ quan, khiến nhiều phụ huynh và gia đình bức xúc, cảm thấy con em mình đang bị “ép không thi vào lớp 10”.
Nhưng nguyên nhân chính vẫn là hệ thống trường nghề, chất lượng đào tạo, định hướng còn nhiều hạn chế, thiếu đội ngũ giáo viên có năng lực và kinh nghiệm như đã chỉ ra trong nhiều cuộc họp. Cùng với đó sự liên kết giữa trường đào tạo nghề và doanh nghiệp chưa hiệu quả, khó có đầu ra cho học viên.
Tình trạng này cũng đang diễn ra ở nhiều trường đại học hiện nay. Rất nhiều các trường đại học được mở ra, có trường tuyển đầu vào chỉ trên dưới 10 điểm (3 môn) để cho đủ chỉ tiêu, doanh số của trường, trong khi chất lượng đào tạo kém. Và thực tế phổ biến là tỷ lệ cử nhân ra trường không có việc làm khá cao, hoặc có việc thì làm trái ngành trái nghề chỉ mong duy trì cuộc sống.
Vậy nên, câu chuyện “ép không thi vào lớp 10” sẽ không có hồi kết chúng ta vẫn cứ mộng mị với những thành tích, điểm số “ảo” mà không nhìn thẳng vào sự thật để thay đổi từ tư duy của cha mẹ đến những người làm công tác giáo dục.
Nếu không thay đổi thực sự, mong muốn có một nền giáo dục đổi mới toàn diện, thực chất vẫn mãi chỉ là mong muốn./.