Formosa chuyển trước 250 triệu USD bồi thường
VOV.VN - Ông Trần Hồng Hà cho biết, ngày 28/7, phía Formosa thực hiện cam kết chuyển trước 250 triệu USD trong số 500 triệu USD tiền hồi thường.
Lần đầu tiên đăng đàn trên Quốc hội khoá XIV, chiều 29/7, ông Trần Hồng Hà – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm bầu ông tiếp tục giữ vị trí người đứng đàu ngành Tài nguyên – môi trường nhiệm kỳ mới.
Về các ý kiến đại biểu Quốc hội liên quan đến ngành, Bộ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ cầu thị, lắng nghe và đánh giá đó là những ý kiến tâm huyết, sâu sắc, góp phần định hướng trong thời gian tới với ngành.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu trên Hội trường ngày 29/7 |
Liên quan đến sự cố môi trường biển mà thủ phạm là Formosa, Bộ trưởng cảm ơn đại biểu, nhân dân đã dành sự quan tâm, chia sẻ giúp cơ quan chức năng làm tốt công việc ban đầu. Ông Trần Hồng Hà cũng cho biết, ngày 28/7, Formosa đã thực hiện cam kết và đã chuyển trước 250 triệu USD trong số 500 triệu USD tiền hồi thường. Công việc liên quan hỗ trợ, bồi thường cho người dân được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt.
Hiện Bộ TN-MT đang thực hiện các bước tiến hành xử phạt hành vi vi phạm hành chính với Formosa (53 hành vi vi phạm); có kế hoạch toàn diện khắc phục từ chuyển đổi công nghệ, hoàn thiện hệ thống xử lý thải, có hệ thống quan trắc trực tuyến...
“Ngay khi có sự cố, Bộ đã tiến hành điều tra đánh giá nguyên nhân. Việc đánh giá mức độ ô nhiễm và suy thoái môi trường biển đang triển khai bài bản, hệ thống, khoa học, bước đầu có thông tin đưa ra. Dự kiến 15/8, hội đồng với sự tham gia của các nhà khoa học sẽ đánh giá mức độ và giải pháp cụ thể để khắc phục nếu còn tồn lưu ô nhiễm, hệ sinh thái môi trường” – Bộ trưởng cho biết.
Bộ cũng xây dựng đề án giám sát và quan trắc chất lượng môi trường biển từ Thanh Hoá đến Đà Nẵng để cung cấp thông tin cho người dân và đánh giá doanh nghiệp một cách minh bạch. Trong thời gian tới sẽ có dự án liên quan sử dụng kinh phí bồi thường để phục hồi sinh thái biển
Các giải pháp cấp bách
Nhấn mạnh lĩnh vực tài nguyên – môi trường là rất rộng, vừa là không gian vừa là điều kiện và nguồn lực phát triển và gắn với hội nhập, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, chúng ta đã từng bước kiên trì xác lập từ chủ trương đến chính sách, trong đó có chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, chiến lược, quy hoạch, quản lý các lĩnh vực tài nguyên môi trường.
“Việc thực thi pháp luật có tiến bộ nhưng chưa đạt như mong muốn, các báo cáo và ý kiến đại biểu Quốc hội nêu rõ vấn đề này, như: ô nhiễm môi trường, có nơi nghiêm trọng” – ông Trần Hồng Hà nói và lưu ý: Tình hình này cũng xảy ra ở nhiều quốc gia và họ đi trước để lại cho chúng ta bài học, vấn đề Việt Nam phải làm gì?
Bộ trưởng Bộ TN-MT nhấn mạnh cần triển khai các nghị quyết, chính sách cũng như rà soát từ chủ trương, pháp luật đến tổ chức một cách minh bạch, công khai. Tăng cường hiệu lực hiệu qủa hoạt động bộ máy về tài nguyên – môi trường để thực hiện hiệu quả chủ trương chính sách.
Về giải pháp cấp bách, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng Việt Nam khá đồng bộ các chủ trương chính sách, các quan điểm xác lập trước mắt và lâu dài. Trên cơ sở đó, Chính phủ xác lập tiêu chí ưu tiên an toàn môi trường và hiệu quả tài nguyên.
“Bộ TN-MT sẽ khẩn trương làm ngay, rà soát để đề nghị nâng cao tiêu chuẩn môi trường lên ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực. Rà soát cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm nặng”, Bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết đang tiến hành thanh tra chuyên đề các cơ sở và đến tháng 9 này sẽ hoàn thành.
Cùng với đó là cải cách hành chính, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả để được doanh nghiệp và người dân tin cậy. Áp dụng công nghệ tiên tiến, hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường tự động, tiên tiến.
Ngoài ra, Việt Nam sẽ hội nhập sâu rộng với thế giới để tiếp tục học hỏi kinh nghiệm và cùng tham gia xây dựng các thiết chế quản lý tài nguyên, môi trường xuyên quốc gia.
Đề cập đến các ý kiến khiến đại biểu lo lắng về việc biến đổi khí hậu tác động nhiều nơi, nhất là ĐBSCL, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, chúng ta đã có chủ trương khá đồng bộ từ Nghị quyết của Trung ương đến kịch bản chống biến đổi khí hậu lần 3. Chính phủ qua nhiều kênh huy động sự đóng góp, hỗ trợ của quốc tế để thực hiện các dự án thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo sinh kế. Trong đó, vấn đề ở ĐBSCL đã được nhìn nhận trong giải pháp cấp bách cũng như dài hạn../.
Sự cố Formosa: Đại biểu Quốc hội bức xúc đề nghị xử lý trách nhiệm