Gạch “Thị” khi bầu cử: Rào cản phụ nữ tham gia chính trường
VOV.VN - Xã hội vẫn còn nhiều định kiến về năng lực lãnh đạo của phụ nữ khi tham gia “chính trường”, vì thế có người khi đi bầu cử cứ thấy chữ “Thị” là gạch.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII cho thấy sự sụt giảm đáng kể và thấp nhất trong 4 nhiệm kỳ gần đây và trong vòng 20 năm (từ năm 1987 đến năm 2007), đại biểu Quốc hội là nữ chỉ tăng được gần 4%; phụ nữ còn gặp nhiều định kiến và rào cản khi tham gia “chính trường”.
Đi bầu cử, thấy chữ “Thị” là gạch
Phát biểu tại “Hội thảo Định hướng truyền thông nhằm tăng cường cường sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp”, được tổ chức ngày 11-12/4 vừa qua, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, các thông điệp truyền thông liên quan đến bình đẳng giới nói chung và phụ nữ tham gia chính trị nói riêng hiện nay còn tập trung vào mô tả những khía cạnh tiêu cực như bạo lực gia đình; phụ nữ là lãnh đạo phải gánh thêm trách nhiệm do vừa phải cố gắng làm người lãnh đạo giỏi, vừa phải là người phụ nữ theo đúng chuẩn mực và truyền thống; hoặc đưa ra các lời kêu gọi mang tính khẩu hiệu chỉ định.
Các nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII trong giờ giải lao (Ảnh: KT) |
“Mặc dù những thông tin như vậy cũng có đóng góp cho việc nâng cao nhận thức, tuy nhiên, sự lặp đi lặp lại những thông điệp như trên sẽ gây hiệu ứng ngược lại là "trơ" thông tin và trong nhiều trường hợp có thể tạo phản ứng ngược lại, khiến cho các nỗ lực truyền thông không đạt kết quả như mong đợi” – ông Nguyễn Sĩ Dũng nói.
Công bố của Viện Nghiên cứu phát triển gần đây cũng cho thấy, nam giữ vị trí lãnh đạo nhiều hơn phụ nữ. Xã hội vẫn còn nhiều định kiến về năng lực lãnh đạo của phụ nữ, khi đa số cho rằng phụ nữ dễ bị phân tâm bởi công việc gia đình, không có khả năng làm việc dưới áp lực cao, dễ thoả hiệp; phụ nữ không có thời gian và không được tin tưởng.
Bên cạnh đó, khi phụ nữ trẻ, họ đang trong độ tuổi có thai và sinh con do đó họ không có thời gian cho sự nghiệp. Những người được khảo sát không tin rằng phụ nữ có thể đối phó với cả hai nhiệm vụ “việc nước” và “việc nhà”. Ngoài ra, mọi người không tin tưởng người phụ nữ trẻ sẽ có khả năng làm lãnh đạo. Thậm chí có một người phụ nữ trẻ tài năng, thì cũng phải thử thách trong nhiều năm mới được thăng chức.
Một phụ nữ khi trả lời khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển nói: “Theo tôi, dư luận còn định kiến. Người ta cho rằng nam thì có khả năng làm tốt hơn nữ. Bây giờ đưa ra bầu cử thì cứ thấy chữ Thị là người ta gạch hết. Tôi ở tổ kiểm phiếu nên thấy vậy, người ta chỉ gạch nữ thôi”.
Muốn được lắng nghe, hãy bầu cho phụ nữ
Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam khẳng định: Tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp là một chỉ tiêu đặc biệt quan trọng trong mục tiêu “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo,nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị” của Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết, Hiến pháp nước ta quy định về quyền bình đẳng nam, nữ trong tham gia các lĩnh vực của nhà nước và xã hội. Xét về khía cạnh đại diện, tham gia cơ quan dân cử là tham gia đại diện cho dân cư thuộc mọi tầng lớp xã hội, nghề nghiệp và giới tính. Phụ nữ chiếm tới hơn một nửa dân số thế giới và tỷ lệ này cũng đúng với nước ta.
Vì vậy, phụ nữ càng phải tham gia vào cơ quan dân cử để có tỷ lệ đại diện bình đẳng với nam giới. Mặt khác,phụ nữ không thua kém nam giới về năng lực, nhất là năng lực trong công tác cộng đồng, tiếp xúc và thuyết phục các tầng lớp dân cư.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nữ giới muốn có được tiếng nói quyết định thì cần có ít nhất 30% đại diện trong cơ cấu bộ máy nhà nước.
Cũng chính vì vậy, chỉ tiêu Luật Bầu cử Quốc hội và HĐND năm 2015 cũng quy định: Bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND là phụ nữ. Đây cũng là thước đo quan trọng và cần có để đánh giá sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Đàm, chính trị là một lĩnh vực mà nam giới vốn chiếm ưu thế. Chuẩn mực xã hội, hình ảnh rập khuôn về phụ nữ và vai trò của họ, nhận thức về năng lực và sự kiên trì của họ. Tất cả đã cùng tạo thành những áp lực, những thách thức rất lớn và các rào cản đối với những phụ nữ mong muốn được tham gia vào chính trị nói chung và cơ quan dân cử nói riêng.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm khẳng định: “Cần phá vỡ định kiến cho rằng về mặt bản chất thì nam giới phù hợp với vị trí lãnh đạo hơn so với nữ giới”.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng cũng nhấn mạnh, với cử tri, cần nâng cao hiểu biết về vai trò, vị trí của phụ nữ trong bộ máy lãnh đạo, quản lý; giảm thiểu định kiến giới và tích cực ủng hộ phụ nữ tham chính. Đặc biệt, cần xây dựng hình ảnh nam giới cùng gánh vác công việc gia đình, vợ chồng chia sẻ quyền ra quyết định đối với những việc quan trọng trong cuộc sống, nam giới và phụ nữ chia sẻ quyền ra quyết định tại cộng đồng và tại nơi làm việc.
Bên cạnh đó, trách nhiệm của nữ cử tri phải tham gia bầu cử trực tiếp, không được “nhờ người đi bầu hộ”, đánh mất quyền, nghĩa vụ công dân của mình./.
Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử, từ con số 3% nữ đại biểu Quốc hội khóa I đến tỷ lệ 24,42% của Quốc hội khóa XIII. Mặc dù tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội ở từng nhiệm kỳ có tăng lên nhưng chưa thật bền vững. Cụ thể: số nữ đại biểu Quốc hội chiếm: 21,77% ở khóa VII; 18% ở khóa VIII; 18,84% ở khóa IX; 26,20% ở khóa X; 27,31% ở khóa XI và 25,76% ở khoá XII; 24,4% ở khóa XIII.
Như vậy, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII cho thấy sự sụt giảm đáng kể và thấp nhất trong 4 nhiệm kỳ gần đây và trong vòng 20 năm (từ năm 1987 đến năm 2007), đại biểu Quốc hội là nữ chỉ tăng được gần 4%.