Gắn chặt giáo dục y đức với nâng cao tính chuyên nghiệp của thầy thuốc
VOV.VN -Tính chuyên nghiệp của người thầy thuốc bao gồm cả kiến thức, tác phong thao tác thực hành, cách ứng xử với các vấn đề xảy ra trong khi hành nghề...
Thời gian qua, việc đào tạo ồ ạt ngành Y, Dược ở nhiều trường Đại học, Cao đẳng không chuyên đã dẫn đến tình trạng thừa nhân lực ngành y tế, chất lượng đầu ra không đảm bảo, gây bức xúc cho người dân. Xuất phát từ thực tế đó, vừa qua, Bộ GD-ĐT có công văn về việc tạm dừng việc xem xét mở ngành đào tạo trình độ Đại học các ngành Y đa khoa, Răng hàm mặt, Y học cổ truyền và trình độ Cao đẳng, Đại học đối với ngành Dược học tại các trường đa ngành không thuộc khối chuyên ngành Y Dược. Đánh giá về việc này, PGS.TS Nguyễn Đức Hinh-Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội cho rằng việc tạm dừng là phù hợp bởi Y, Dược là ngành đặc thù, cần những tiêu chuẩn cao hơn để đảm bảo đào tạo nên nguồn nhân lực đạt chất lượng.
PV: Thời gian qua, dư luận rất băn khăn đến vấn đề đầu ra của các sinh viên tại một số trường đào tạo y dược. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Đức Hinh: Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với nhận xét đó của nhân dân trong việc một số khoa y tại một số trường mở trong thời gian qua. Chúng ta đều biết các trường Y đào tạo ra các thầy thuốc, các thầy thuốc có nhiệm vụ chữa bệnh, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho người dân. Điều đó cũng không khó hiểu khi sinh viên đỗ vào các trường Y bao giờ điểm cũng rất cao và cũng không khó hiểu khi sinh viên trường Y phải mất 6 năm học tập thì mới có tấm bằng bác sĩ.
Tại Việt Nam, sau khi học xong 6 năm và có trong tay tấm bằng Đại học thì có thể hành nghề được. Tuy nhiên, tại các nước khác, thời gian đào tạo cho một người có thể khám chữa bệnh cho người dân là không dưới 9 năm, thậm chí có nước 13-14 năm. Điều đó có thể thấy một người thầy thuốc có thể khám chữa bệnh cho con người khó khăn như thế nào, và để mở được một cơ sở đào tạo phải tuân thủ rất nhiều điều kiện khắt khe. Đứng về phương diện pháp lý, phương diện điều chỉnh, hiện nay chúng ta có đầy đủ các quy phạm quy định từng nơi muốn mở một khoa Y phải có đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, cơ sở thực hành, đội ngũ giảng viên như thế nào.
Thời gian qua chúng ta cũng thấy một số cơ sở mở ra chưa đáp ứng được các điều kiện đó. Tôi cũng rất đồng tình khi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế đã có văn bản tạm dừng việc xem xét mở ngành đào tạo trình độ Đại học các ngành Y đa khoa, Răng Hàm Mặt, Y học cổ truyền và trình độ ĐH, CĐ đối với ngành Dược học tại các trường đa ngành không thuộc khối chuyên ngành Y, Dược.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn mở thêm trường Đại học Y vì nước ta có hơn 90 triệu dân mà hiện nay mới có hơn 10 trường đào tạo bác sĩ. Trong khi đó ở hầu hết các nước trên thế giới trung bình từ 2-3 triệu dân thì có một trường Y.
Song việc mở trường Y có đáp ứng được các tiêu chuẩn cơ bản không thì buộc chúng ta phải tuân thủ, có trách nhiệm với xã hội cũng như với người dân. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ ban hành chuẩn đầu ra đối với bác sĩ, nếu đạt được chuẩn đó thì sẽ đáp ứng được nhu cầu xã hội. Chính vì vậy việc mở thêm trường là nhu cầu nhưng phải đảm bảo điều kiện đào tạo. Đó không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà còn là trách nhiệm với xã hội.
Ngoài ra chúng tôi mong sớm có chương trình, hệ thống và kinh phí đào tạo sinh viên trở thành thầy thuốc trong 9 năm như một số nước trên thế giới. Như trường ĐH Y Hà Nội, sinh viên học xong 6 năm Đại học, sau đó được học thêm 3 năm nội trú thì người dân có thể yên tâm về bàn tay của những người thầy thuốc này.
PV: Quan điểm của ông về mối tương quan giữa chất lượng đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm như thế nào để chúng ta có được chất lượng đầu ra tốt nhất trong việc đào tạo Y khoa?
PGS.TS Nguyễn Đức Hinh: Nhiều năm qua, Đại học Y Hà Nội rất kiên quyết trong việc giữa số lượng và chất lượng không bao giờ đi song hành với nhau. Nếu chúng ta muốn bảo đảm chất lượng thì phải giữ số lượng ở mức độ vừa đủ, thậm chí khắt khe; còn nếu chỉ tính đến lợi nhuận, doanh số thì cứ tăng số lượng học viên thì chắc chắn chất lượng sẽ khó đảm bảo. Chính vì vậy, từ nhiều năm nay, Đại học Y Hà Nội không tăng số lượng sinh viên theo học tại trường vì chúng tôi muốn tập trung nâng cao chất lượng.
PV: Là người đào tạo nên rất nhiều thế hệ bác sĩ sau khi ra trường sẽ là những người trực tiếp chăm sóc khám chữa bệnh cho người dân, theo ông, giáo dục y đức hiện nay có cần phải đổi mới, nâng cao?
PGS.TS Nguyễn Đức Hinh: Đối tượng mà người thầy thuốc phải can thiệp hay tiếp cận hàng ngày là con người. Con người khi khỏe mạnh đến với nhau đôi khi đã khó chiều huống chi khi đau ốm, bệnh tật. Vì vậy đòi hỏi người thầy thuốc cần có những kỹ năng hết sức đặc biệt.
Những kỹ năng đó một số được học trong nhà trường, một số bắt buộc phải trải nghiệm bằng thực tiễn. Khi tiếp xúc với người đau ốm bệnh tật rất khó, để làm cho bệnh nhân hài lòng lại càng khó hơn. Nhưng khi người thầy thuốc có những trải nghiệm thực tế, thì chỉ cần một câu hỏi, một động tác hay ánh mắt nhìn đã làm cho người bệnh cảm thấy hài lòng.
Vấn đề đào tạo y đức luôn luôn được tất cả các trường, đặc biệt là ĐH Y Hà Nội nhấn mạnh. Trong thời gian gần đây bên cạnh việc đề cao y đức, nghĩa là người học phải cố gắng, thể hiện được tình thương đối với người bệnh, chúng tôi đã đưa vào chương trình đào tạo và ngày càng được phổ biến là tính chuyên nghiệp của người thầy thuốc.
Ví dụ khi gia đình không may có vấn đề gì khiến bác sĩ không hài lòng nhưng khi đến tiếp xúc với bệnh nhân thì bác sĩ phải vui vẻ, phải coi quyền lợi của bệnh nhân là số một vì đó là điều bắt buộc. Đó chính là tính chuyên nghiệp của thầy thuốc- coi bệnh nhân là số một.
Khái niệm về tính chuyên nghiệp của thầy thuốc đang được mở rộng và áp dụng rộng rãi. Khái niệm này đã xuất hiện trên thế giới trong 10 năm trở lại đây.
Cũng phải nói rằng, chúng tôi rất biết ơn người dân chính là những người thầy đào tạo người thầy thuốc đóng góp vào việc chăm sóc sức khỏe cho người dân.
PV: Xin cảm ơn ông!./.