Gánh nặng điều trị lao khi người bệnh không có thẻ BHYT
VOV.VN - Từ ngày 1/7/2022, các cơ sở điều trị lao trên toàn quốc triển khai cấp thuốc lao bằng nguồn Quỹ BHYT cho bệnh nhân mắc lao. Đây là một khó khăn đối với bệnh nhân nghèo, đặc biệt là những bệnh nhân lao không có thẻ BHYT.
Việt Nam là một trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao kháng thuốc cao nhất trên thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính năm 2020 có trên 172.000 người mắc và 10.400 người chết vì bệnh lao tại Việt Nam. Trước đây, thuốc chống lao hàng 1 được mua bằng nguồn ngân sách nhà nước thông qua Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số của Bộ Y tế để cung cấp điều trị miễn phí cho người bệnh lao. Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2025 không còn nguồn kinh phí để chi trả cho việc mua sắm thuốc chống lao hàng 1 và hàng 2 cấp miễn phí cho người bệnh. Thay vào đó, từ ngày 1/7/2022, các cơ sở điều trị lao trên toàn quốc triển khai cấp thuốc lao bằng nguồn Quỹ BHYT cho bệnh nhân mắc lao. Đây là một khó khăn đối với bệnh nhân nghèo, đặc biệt là những bệnh nhân lao không có thẻ BHYT.
Sau đợt ho kéo dài cả tháng, anh Nguyễn Hồng Dũng, ở xã EA H’Leo, huyện EA H’Leo, tỉnh Đắc Lắc đi khám và phát hiện bị bệnh lao. Vốn là trụ cột chính về kinh tế trong gia đình, sau khi mắc bệnh lao do sức khỏe không đảm bảo nên anh Dũng phải nghỉ việc để điều trị và hồi phục sức khỏe. May mắn trong suốt gần một tháng nằm viện điều trị, nhờ có thẻ bảo hiểm y tế chi trả 80% nên đã giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình anh.
Chị Nguyễn Thị Hoan, vợ anh Nguyễn Hồng Dũng chia sẻ, do cả 2 vợ chồng đều mắc bệnh lao nên tấm thẻ BHYT là cứu cánh của gia đình chị: “Mua cho 1 người thì chi phí đắt hơn, nhưng nếu mua cho cả 2 vợ chồng thì rẻ hơn hết 1.376.000 đồng. Mua bảo hiểm đỡ tiền thuốc, tiền viện".
Đó là đối với những người bệnh có thẻ BHYT, còn với người không có thẻ BHYT, gánh nặng chi phí khám chữa bệnh đè nặng lên kinh tế gia đình. Trong căn phòng chật trội rộng 14 mét vuông với 6 người ở, ông Nguyễn Văn Thêm, 65 tuổi, ở phường Bạch Đằng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội bị bệnh lao xương mấy năm nay, sức khỏe suy giảm, trong khi hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn. Do mất giấy tờ tùy thân nên ông Thêm không được mua BHYT, tiền thuốc mỗi tháng hơn 1 triệu đồng, mọi thứ đều trông chờ vào con cháu.
Cùng hoàn cảnh với ông Thêm, ông Trần Văn Liên cùng ở phường Bạch Đằng, quận Hoàn Kiếm cũng mất chứng minh thư nhân dân nhiều năm nay nên ông Liên không được mua thẻ BHYT. Kể từ khi không còn được cấp phát thuốc miễn phí từ nguồn ngân sách nhà nước mà chuyển sang nguồn Quỹ BHYT chi trả, mỗi tháng ông Liên điều trị hết 4-5 triệu tiền thuốc, ông Liên không biết trông chờ vào đâu để có đủ tiền mua thuốc điều trị tại nhà, chưa nói đến những lúc phải vào viện: “Muốn mua BHYT thì phải có căn cước công dân trong khi tôi đã mất mấy chục năm nay. Tôi chỉ mong sớm làm được thẻ CCCD để có thẻ BHYT thì đi khám chữa bệnh cũng đỡ hơn".
Trước những khó khăn của không ít bệnh nhân lao chưa mua được thẻ BHYT do hoàn cảnh khó khăn hoặc vì lý do không có giấy tờ tùy thân, tổ mái ấm Hoàng Mai, quận Hoàng Mai đã có nhiều sáng kiến giúp đỡ người yếu thế như: tư vấn, tuyên truyền để bệnh nhân thấy được tầm quan trọng của tấm thẻ BHYT trong điều trị bệnh. Đối với những người nghèo, các thành viên trong tổ quyên góp tiền mua thẻ BHYT, hoặc vận động các mạnh thường quân hỗ trợ trực tiếp cho người bệnh.
Bà Nguyễn Thị Chắn, Tổ trưởng Mái ấm Hoàng Mai cho biết, dù đã cố gắng nhưng còn rất nhiều bệnh nhân lao chưa tiếp cận được tấm thẻ BHYT: “Bệnh nhân không có tiền có thể mua BHYT trong vòng 3 tháng, sau đó mua tiếp 6 tháng hoặc 9 tháng, một năm. Chính sách có rồi nhưng về đến tuyến cơ sở vẫn bán theo một năm một. Đó cũng là một rào cản rất lớn đối với bệnh nhân gặp khó khăn trong vấn đề mua BHYT".
Với khoảng 70% bệnh nhân mắc lao là người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nên việc thanh toán tiền thuốc cũng như các chi phí khám, chữa bệnh lao qua BHYT đã giúp người bệnh giảm thiểu chi phí điều trị.
Bác sĩ Trần Văn Hiệu, Trạm trưởng Trạm Y tế xã EA’ Hleo, huyện EA H’Leo cho biết, để đạt được mục tiêu là xóa bệnh lao trong cộng đồng thì rất cần nhiều giải pháp hỗ trợ người bệnh lao, trong đó, vận động các tổ chức đoàn thể cùng tham gia.
Cùng với nỗ lực của Chương trình phòng chống lao quốc gia, thời gian vừa qua, Trung tâm sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) đã có nhiều hỗ trợ cho bệnh nhân lao trong việc sàng lọc, phát hiện và điều trị bệnh nhân lao. Trong năm 2023, Chương trình chống lao Quốc gia sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan, đặc biệt là Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; đồng thời hướng dẫn các cơ sở điều trị lao đáp ứng các điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, quản lý sử dụng, cung ứng, điều phối thuốc lao qua bảo hiểm y tế, nhằm duy trì quyền lợi tiếp cận thuốc cho người bệnh. Với những nỗ lực của Nhà nước và sự hỗ trợ từ các tổ chức xã hội, việc xóa bỏ bệnh lao sẽ đạt được mục tiêu vào năm 2030./.