“Già làng” hai lần anh hùng

25 năm gắn bó với  Tây Nguyên, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang được bà con trong buôn làng gọi bằng cái tên “già làng” Sang đầy yêu mến. Cùng với Binh đoàn 15, “già làng” đã đem đến cho mảnh đất này sự đổi thay kỳ diệu

Dưới tán rừng cao su bạt ngàn, có một người đàn ông đang lặng ngắm những hàng cây đã đến kỳ thu hoạch trải dài tít tắp. Ít ai ngờ rằng, dưới tán cây ấy, trước đây là chằng chịt những hố bom và một vùng đất khô cằn bởi chất độc hóa học của giặc tàn phá. Bước ra từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, người đàn ông ấy lại bước vào một “cuộc chiến” mới, không kém phần ác liệt để gây dựng màu xanh bạt ngàn trên dải đất Tây Nguyên hôm nay. Đó là Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang, Tư lệnh Binh đoàn 15 - một trong hai người vinh dự được Nhà nước trao tặng hai danh hiệu cao quý: Anh hùng LLVT Nhân dân và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

“Phòng tuyến xanh”

25 năm gắn bó với dải đất Tây Nguyên nhiều nắng gió, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang được bà con trong buôn làng gọi bằng cái tên “già làng” Sang đầy yêu mến. Bởi người “già làng” mang quân hàm Thiếu tướng ấy cùng với Binh đoàn 15 anh hùng đã đem đến cho mảnh đất này sự đổi thay kỳ diệu. Người dân trong làng trước đây chỉ quen với việc phát nương làm rẫy, vào rừng lấy củi, ra suối bắt cá. Cuộc sống cứ thế lần hồi theo từng vệt nương, con suối.

Vậy mà, giờ đây, trên khắp các bản làng, ngày ngày, người ta náo nức gọi nhau đi làm “công nhân cao su” ở các nông trường. Không còn cảnh mẹ phải địu con lên nương mà thay vào đó là những nhà trẻ ngói mới đỏ tươi. Nhiều khu định canh, định cư mới mọc lên với các công trình điện, đường, trường, trạm. Nhưng bao trùm lên tất cả vẫn là những cánh rừng cao su, cà phê xanh bạt ngàn và những con suối nước tung trắng xóa. Để đến hôm nay, hình ảnh ấy đã trở thành một nét đẹp riêng, thật khó trộn lẫn trên cao nguyên đất đỏ.

Nói về những đổi thay đó, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang còn tự hào cho biết thêm, hiện trong số trên 16.000 lao động, có hơn 15.000 hộ dân đều có đài nghe để tiếp thu đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Trên khắp các bản làng, nông trường, lúc nào cũng vang lên tiếng đài như reo vui, như giục dã mọi người cùng nhau phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Chân dung Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang

Tất cả bắt đầu từ khi có bộ đội về làng, hướng dẫn bà con cách trồng, khai thác và chế biến nguồn lợi từ cây cao su, cà phê. Vậy là bà con gọi Thiếu tướng Sang và những người lính của Binh đoàn 15 với cái tên “bộ đội cao su”. Nhưng đấy là trước kia. Bây giờ, những người lính ấy đã gắn bó máu thịt với từng cánh rừng, con suối, bà con đã cảm nhận được họ là một phần trong cuộc sống của mình. Khi thì người ta bắt gặp Thiếu tướng Sang ở khắp các nông trường, giữa những cánh rừng cao su, cà phê bạt ngàn. Khi gặp ông ngồi cùng với bà con bên ché rượu cần trong niềm vui ngày thu hoạch… Ông đã trở thành người của buôn làng, mang trong mình tâm hồn và hơi thở của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ.

Sinh ra trên vùng đất nghèo thuộc huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình, mồ côi mẹ từ năm 3 tuổi, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang đã trải qua một tuổi thơ đầy nhọc nhằn. Mảnh đất miền Trung nghèo với những bữa cơm độn khoai sắn đã hun đúc trong ông ý chí và nghị lực của một người sinh ra từ gian khó. Người Anh hùng trong ông cũng sinh ra từ đó. Để đến tận bây giờ, trong phong thái Tư lệnh Binh đoàn 15 đầy hào khí, vẫn toát lên một vẻ rất gần gũi, đời thường. Vị tướng ấy bồi hồi kể lại, những năm tháng chiến đấu ở Mặt trận Quảng Trị, có khi ông chỉ cách nhà hơn 30km nhưng cũng không thể ghé qua. Và cũng khi ấy, trong ngôi nhà tranh vách đất, người cha già vẫn hằng ngày lặng lẽ thắp nhang cầu mong cho con và đồng đội được bình yên mỗi khi nghe thấy tiếng súng đạn nổ ầm ào…

“Đồng đội, dân làng đã giúp tôi lớn lên”

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu cũng như trong hòa bình, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang vinh dự là một trong hai người được Nhà nước trao tặng hai danh hiệu cao quý: Anh hùng LLVT Nhân dân và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (người đầu tiên là Anh hùng phi công, Trung tướng Phạm Tuân). Trong bản vinh danh thành tích, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang được Đảng và Nhà nước ghi nhận nhiều công lao to lớn: “Trong suốt quá trình chiến đấu từ tháng 9/1971 đến tháng 3/1974, trên cương vị tiểu đội trưởng và trung đội trưởng (thuộc C2, C3, D7,  E271 - Quân khu Trị Thiên), đồng chí Nguyễn Xuân Sang đã không ngại gian khổ, hy sinh, bám trụ dài ngày, cắm cờ và bám giữ từng tấc đất ở thành cổ Quảng Trị; trực tiếp chỉ huy đơn vị đánh hơn 20 trận, tiêu diệt 117 tên địch, thu nhiều vũ khí. Riêng đồng chí đã trực tiếp cầm súng tiêu diệt hàng chục tên địch và bắn cháy một xe tăng. Sau ngày Tổ quốc thống nhất, trưởng thành qua các cương vị lãnh đạo chỉ huy, đồng chí Nguyễn Xuân Sang luôn phát huy phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, phẩm chất của người Đảng viên cộng sản và truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam, góp phần cùng Binh đoàn 15 và đồng bào các dân tộc xây dựng Tây Nguyên phát triển về kinh tế - xã hội, mạnh về quốc phòng - an ninh”.

Ôn lại những năm tháng gian khổ, vị Tư lệnh lặng đi một hồi. Rồi ông bảo: “Chính sự hy sinh của các đồng đội, sự đùm bọc của buôn làng đã giúp tôi lớn lên”. Biết bao đồng đội đã ngã xuống để có được ngày hôm nay, biết bao giọt mồ hôi thấm đất để có được những nông trường bạt ngàn xanh. Không ai đong đếm được. Cũng không gì có thể so sánh được. Nhưng đó chính là sức mạnh để tiếp thêm nghị lực cho ông và những người đi sau.

Những cánh rừng cao su bạt ngàn của Binh đoàn 15

Chiến tranh ác liệt và gian khổ, song thời bình cũng không yên ả. Những người lính bước ra từ chiến tranh như ông lại càng đau đáu hơn một điều rằng phải làm gì để đem lại bình yên, no ấm cho đồng bào. Một trong những cách làm đúng đắn, hiệu quả được Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang và Binh đoàn 15 thực hiện trong nhiều năm qua chính là việc phát huy “thế trận lòng dân” với phương châm: “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với bản làng; hộ gia đình công nhân người Kinh gắn bó, kết nghĩa với hộ gia đình người dân tộc thiểu số”.

Hiện nay, ở khu vực binh đoàn đóng quân đã có trên 130 bản làng và đội sản xuất. Binh đoàn cũng tổ chức kết nghĩa với các làng, bản thuộc các xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như IaTôr, IaPúch (huyện ChưPrông); làng Gà (xã IaKriêng), làng Ba (xã IaPnôn) huyện Đức Cơ... Đặc biệt, với việc xây dựng “phòng tuyến xanh”, Binh đoàn 15 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vùng biên giới quan trọng được đánh giá là “phên dậu của đất nước”.  

Mô hình xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng, từ cố gắng của Binh đoàn 15, đã trở thành mô hình mẫu để phát triển thêm những phiên hiệu kinh tế - quốc phòng khác trên các vùng biên giới của đất nước. Trong một lần tới thăm Binh đoàn 15, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định: “Binh đoàn 15 đã góp phần quan trọng cùng với cấp ủy, chính quyền và cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng Tây Nguyên giàu mạnh… Binh đoàn 15 mãi mãi xứng đáng là “Bộ đội Cụ Hồ” trên mặt trận kinh tế”. 

Và, trải qua bao thăng trầm của thời gian, trong vị Tư lệnh Binh đoàn 15, dường như có một nguồn mạch vẫn không ngừng chảy, như những dòng cao su trắng vẫn âm thầm đem lại sức sống cho vùng đất Tây Nguyên. Đó chính là nghĩa tình thủy chung, gắn bó của đồng đội, đồng bào trên cao nguyên đất đỏ…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên