Giải bài toán nhân lực điều dưỡng và hộ sinh
(VOV) - Tỷ lệ điều dưỡng viên, hộ sinh viên/ bác sỹ ở Việt Nam xếp hàng thấp nhất trong khu vực.
Ngày 29/5, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai chương trình hành động quốc gia về điều dưỡng và hộ sinh 2013-2020. Đến dự có Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường, đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cùng các đại biểu từ các cơ quan ban ngành.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ cán bộ y tế/10.000 dân cao, nhưng cơ cấu lại không đồng đều. Mặc dù số lượng điều dưỡng, hộ sinh tăng lên qua từng năm nhưng tỷ lệ điều dưỡng viên, hộ sinh viên/10.000 dân lại xếp vào nhóm các nước có tỷ lệ thấp do chính sách tuyển dụng tại các cơ sở y tế.
Khi các điều dưỡng và hộ sinh được đào tạo bài bản, trao quyền và hỗ trợ họ sẽ góp phần đáng kể vào việc cứu sống tính mạng con người (Ảnh minh họa) |
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2008, tỷ lệ điều dưỡng viên, hộ sinh viên/ bác sỹ ở Việt Nam là 1,6, xếp hàng thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Philippine là 5,1, ở Indonesia là 8,0, Thái Lan là 7,0.
Bên cạnh đó, nhân lực điều dưỡng viên, hộ sinh viên thiếu cả chất lượng và cơ cấu chưa phù hợp; chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được chuẩn năng lực nghề nghiệp đặc biệt là năng lực thực hành, kỹ năng giao tiếp với người bệnh, người nhà người bệnh và cộng đồng; hệ thống chính sách, tiêu chuẩn về điều dưỡng, hộ sinh còn thiếu, chưa đáp ứng với yêu cầu hội nhập quốc tế.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường đánh giá cao những thành tựu đạt được của công tác điều dưỡng, hộ sinh trong thời gian qua, những tiến bộ ấn tượng trong việc đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ liên quan đến y tế. Tuy nhiên, công tác điều dưỡng, hộ sinh còn bộc lộ nhiều thách thức cần giải quyết, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiếu số, và vùng núi.
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường nhấn mạnh: “Chương trình hành động quốc gia về điều dưỡng và hộ sinh công nhận tầm quan trọng của điều dưỡng và hộ sinh trong hệ thống y tế và khuyến khích họ cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao một cách nhất quán trong suốt sự nghiệp của họ. Điều này sẽ góp một phần có ý nghĩa vào việc cứu sống tính mạng nhiều người hơn nữa, đặc biệt những vùng xa xôi, vùng dân tộc miền núi”.
Đầu tư cho nhân lực y tế, đặc biệt cho điều dưỡng và hộ sinh là một trong những sự đầu tư đúng đắn nhất. Việc củng cố vị thế của điều dưỡng và hộ sinh là rất quan trọng. Điều này đã được bà Mandeep K. O’Brien, Quyền trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam khẳng định: “Khi các điều dưỡng và hộ sinh được đào tạo bài bản, trao quyền và hỗ trợ họ sẽ góp phần đáng kể vào việc cứu sống tính mạng con người, các bà mẹ, trẻ sơ sinh, cũng như cải thiện được kinh tế và xã hội của cả quốc gia. Đây là một chiến lược chí phí hiệu quả về y tế”.
Tại hội nghi, Bộ Y tế và Liên Hợp Quốc ở Việt Nam cam kết giảm sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế đến năm 2015, đặc biệt là đối tượng dễ bị tổn thương./.