Giải Báo chí Quốc gia: Cần bổ sung các loại hình mới

VOV.VN - Việc ưu tiên cho những loại hình báo chí mới, báo chí sáng tạo, báo chí số cũng là sự ghi nhận những sáng tạo, cũng như dẫn dắt sự phát triển, trưởng thành của báo chí cách mạng…

Giải Báo chí Quốc gia hàng năm là sự kiện lớn thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo giới cả nước, là giải thưởng cao quý nhất dành tặng cho các tác phẩm báo chí xuất sắc, đóng góp tích cực cho sự nghiệp báo chí nước nhà; là dịp tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất hằng năm, theo Quyết định 369 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Giải Báo chí quốc gia và Quyết định 1694 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Nâng cao chất lượng Giải Báo chí Quốc gia.

Tiến tới mốc 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam

Theo Hội Nhà báo Việt Nam, qua 18 năm tổ chức, đến nay, Giải tiếp tục nhận được sự tham gia chủ động, tích cực, hào hứng của 18/21 Liên chi hội, 30/223 Chi hội trực thuộc, đặc biệt là 63/63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố... Số tác phẩm của tác giả không phải hội viên Hội Nhà báo Việt Nam là 127 tác phẩm. Điều này cho thấy sức hút mạnh mẽ của Giải, sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các hội viên và các cấp Hội Nhà báo trong cả nước.

Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân dân cho rằng, báo chí cách mạng Việt Nam đã bước vào dấu mốc 99 và chỉ còn 1 năm nữa sẽ bước vào một dấu mốc rất quan trọng - 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam. Trải qua thời gian với rất nhiều biến động, khó khăn, thách thức, nhưng sứ mệnh của báo chí cách mạng Việt Nam chưa bao giờ thay đổi. Đó là sứ mệnh phụng sự Tổ quốc, nhân dân, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, cung cấp những thông tin, tri thức cho người dân để phục vụ cuộc sống cũng như công việc của họ.

Song hành cùng xã hội với những biến động không ngừng, báo chí hiện đại đòi hỏi những sự đổi mới và sáng tạo liên tục, trong bối cảnh đó cũng đặt ra những yêu cầu mới với Giải Báo chí quốc gia. Theo Nhà báo Lê Quốc Minh, Hội Nhà báo đã có nhiều cuộc trao đổi, thảo luận về nội dung đổi mới thể lệ giải, về việc những thể loại đã được đề ra từ nhiều năm trước nay có còn phù hợp hay không. Tuy nhiên, việc thay đổi các hạng mục của giải báo chí quốc gia đòi hỏi Hội đồng Giải sẽ phải họp và thông qua những thể lệ mới trước 1 năm.

“Thực tế là với sự phát triển hiện nay của báo chí hiện đại, việc phân tách thể loại, lĩnh vực như trước đây cũng cho thấy một số bất cập. Tuy nhiên, để thay đổi một cách triệt để cũng có khá nhiều rủi ro. Như vậy, thay vì bỏ một số thể loại cũ, chúng tôi dự kiến vẫn sẽ giữ nguyên và bổ sung thêm một số hình thức báo chí mới, nhằm tạo điều kiện cho những sản phẩm báo chí mới có thể tham gia và có cơ hội đoạt giải. Tuy nhiên, tất cả những thay đổi về thể lệ giải sẽ cần được xem xét kỹ lưỡng”, nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Nói về vấn đề đổi mới Giải Báo chí quốc gia, nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Ủy viên Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam, cũng đồng quan điểm cho rằng đã đến lúc cần thay đổi Giải Báo chí quốc gia từ cách lựa chọn, tôn vinh các tác phẩm.

“Giải Báo chí quốc gia từ trước tới nay có những loại hình như truyền hình, phát thanh, báo ảnh, báo điện tử… Song trong bối cảnh mới đã có sự thay đổi rất lớn đến từ báo chí số, báo chí dữ liệu. Thời gian qua Hội Nhà báo đã xin ý kiến về việc đổi mới Giải Báo chí quốc gia. Tôi cho rằng, ngoài những giải truyền thống, giờ đây cũng cần thêm những giải thưởng riêng dành cho báo chí sáng tạo, báo chí số, đa phương tiện.

Thực tế báo chí số đã bao gồm cả báo điện tử, đa phương tiện, song cần có giải riêng cho loại hình đa phương tiện (multimedia) bởi hiện nay cơ quan báo chí nào cũng chuyển dần sang hướng làm này, ngay cả báo in cũng chuyển sang môi trường điện tử hoặc làm những sản phẩm multimedia.

Hay như báo điện tử trước đây vốn không làm những sản phẩm của phát thanh, thì giờ đây họ cũng có thể sản xuất podcast. Có thể thấy những sản phẩm báo chí số đang dần chiếm vai trò chi phối dư luận xã hội, được công chúng tìm tới nhiều hơn. Việc ưu tiên cho những loại hình báo chí mới, báo chí sáng tạo cũng là sự ghi nhận những sáng tạo, cũng như dẫn dắt sự phát triển, trưởng thành của báo chí cách mạng”, nhà báo Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Mở rộng “sân chơi” cho báo chí?

Ngoài việc đổi mới về thể loại, nhà báo Phạm Mạnh Hùng cũng cho rằng, trong bối cảnh báo chí có nhiều thay đổi, cách tiếp cận thông tin nhanh, tức thời, cũng nên xem xét lại các tiêu chí khi đánh giá tác phẩm.

Giải báo chí đánh giá chất lượng, tính chuyên nghiệp, nhưng cũng cần đánh giá được tác động xã hội, nếu các tiêu chí chấm giải cụ thể hóa hơn sẽ giúp chọn được những tác phẩm báo chí tốt hơn để tôn vinh.

“Cũng cần xem những tác phẩm nào đáng để làm nhiều kỳ hay chỉ cần những tác phẩm báo chí 1 kỳ nhưng tạo ra tác động rất lớn cho xã hội, chất lượng rất tốt thì hoàn toàn có thể tôn vinh. Chúng ta không cần tổ chức các tuyến bài rất nhiều kỳ nhưng lượng người đọc lại không nhiều, không có tác động xã hội mạnh mẽ, đây cũng là vấn đề hội đồng chấm giải Báo chí quốc gia rất trăn trở. Chúng ta cần làm sao để không chỉ tôn vinh các tác giả, tác phẩm xuất sắc, mà qua giải báo chí phát hiện ra những xu hướng mới, cách làm mới hay các vấn đề thực sự có tính dẫn dắt công chúng, phát triển tương lai báo chí.

Cách nhìn nhận đánh giá sản phẩm cũng phải có đổi mới. Bên cạnh những giám khảo uy tín, có bản lĩnh chính trị, tuổi nghề dày, cũng cần mạnh dạn mời những giám khảo trẻ thường xuyên được giải để có thêm những góc nhìn tìm ra những sản phẩm tốt nhất”, nhà báo Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, nhà báo Nguyễn Xuân Hồng, Tổng Thư ký tòa soạn Báo Điện tử Chính phủ cũng ủng hộ quan điểm cần bổ sung thêm các loại hình mới khi chấm Giải Báo chí quốc gia: “Đầu năm 2024, Hội Nhà báo đã công bố dự thảo về điều lệ Giải Báo chí quốc gia sửa đổi để lấy ý kiến góp ý từ các nhà báo, cơ quan báo chí. Trong đó, cơ cấu giải thưởng hàng năm có bổ sung thêm giải báo chí đa phương tiện dành cho các loại hình mới như inforgraphic, emgazine, podcast, các gói tin tức đa phương tiện... Hay giải báo chí sáng tạo dành cho những tác phẩm, sản phẩm mang tính sáng tạo. Tôi cho rằng việc đề xuất để bổ sung thêm các thể loại mới là rất cần thiết, phù hợp trong bối cảnh báo chí có rất nhiều sự đổi mới như hiện nay, giúp bao quát được các loại hình báo chí mới.

Nếu những điều lệ mới về Giải Báo chí quốc gia được thông qua, sẽ tạo ra thêm nhiều sân chơi, sự khích lệ cho các nhà báo tham gia giải thưởng hàng năm”.

Có hay chăng quá nhiều giải báo chí?

Nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam: Hiện nay cả nước có rất nhiều giải báo chí, có thể nhắc tới các giải báo chí rất nổi tiếng, được các cơ quan báo chí đầu tư. Có những giải như: Giải Búa Liềm Vàng, Giải Báo chí Đối ngoại, hay một số giải về đại đoàn kết dân tộc, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Việc xuất hiện rất nhiều giải báo chí từ giải báo chí quốc gia đến các giải báo chí toàn quốc một mặt thể hiện sự quan quan tâm của xã hội với báo chí cũng như thấy được vai trò, vị trí của báo chí trong sự nghiệp đổi mới, phát triển của đất nước trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên hiện nay có rất nhiều giải báo chí, và phần nào đó ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan báo chí vì tập trung vào thi quá nhiều giải, làm cho dư luận có sự nhầm lẫn, tâm lý về sự bão hòa các giải báo chí.

Yêu cầu đặt ra là phải làm cho công chúng và các nhà báo hiểu được là Giải Báo chí Quốc gia là giải danh giá nhất, giải thưởng được Ban Bí thư thừa nhận. Hiện nay có duy nhất Giải Báo chí Quốc gia được coi là giải quốc gia, các giải khác là giải báo chí toàn quốc.

Nhà báo Nguyễn Xuân Hồng, Tổng Thư ký tòa soạn Báo Điện tử Chính phủ: Các giải báo chí được tổ chức đa dạng cũng là điều tốt, tạo điều kiện cho các phóng viên, biên tập viên được tham gia vào nhiều sân chơi khác nhau.

Thực tế giải báo chí quốc gia cũng chưa thể bao quát được hết các vấn đề. Ngay trong điều lệ của Giải Báo chí Quốc gia hiện hành quỹ định rất rõ: “lựa chọn để trao giải cho các tác phẩm báo chí chất lượng cao về tư tưởng, chính trị, văn hóa”. Như vậy vẫn còn rất nhiều lĩnh vực mà Giải Báo chí quốc gia nhường “sân chơi” cho các giải chuyên biệt đó. Ví dụ như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể tổ chức Giải Nông nghiệp, Đảng có Giải Búa Liềm Vàng, Quốc hội có Giải báo chí Diên Hồng... Đây đều là những “sân chơi” tốt, khích lệ các nhà báo bởi việc được giải có lợi ích thiết thực về giá trị tinh thần và cả giá trị vật chất là phần thưởng hay đáp ứng tiêu chí khi các nhà báo thi nâng ngạch…

Thường các nhà báo được phân công theo dõi một mảng nhất định, nếu chỉ có giải cho mảng đó thì sẽ rất thiệt thòi cho các nhà báo không theo dõi lĩnh vực ấy. Điều quan trọng là ban tổ chức giải phải đảm bảo chất lượng, sự công tâm trong lựa chọn được tác phẩm có giá trị.

Nếu các giải tổ chức không hiệu quả, không chất lượng thì các nhà báo chắc chắn sẽ tự nhận ra và giải đó sẽ dần bị mai một…

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Báo chí phải trả lời cho các vấn đề trên mạng xã hội
Báo chí phải trả lời cho các vấn đề trên mạng xã hội

VOV.VN - Báo chí phải là câu trả lời cho các vấn đề trên mạng xã hội. Trả lời bằng tính chuyên nghiệp, bản lĩnh và đạo đức người làm báo.

Báo chí phải trả lời cho các vấn đề trên mạng xã hội

Báo chí phải trả lời cho các vấn đề trên mạng xã hội

VOV.VN - Báo chí phải là câu trả lời cho các vấn đề trên mạng xã hội. Trả lời bằng tính chuyên nghiệp, bản lĩnh và đạo đức người làm báo.

Các cơ quan thường trú VOV đoạt nhiều giải báo chí các tỉnh trong khu vực
Các cơ quan thường trú VOV đoạt nhiều giải báo chí các tỉnh trong khu vực

VOV.VN - Nhân kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, các địa phương trong khu vực Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Cửu Long tổ chức trao giải báo chí năm 2023. Cơ quan thường trú của VOV ở 2 khu vực này đã gửi các tác phẩm dự thi và đều đoạt giải cao.

Các cơ quan thường trú VOV đoạt nhiều giải báo chí các tỉnh trong khu vực

Các cơ quan thường trú VOV đoạt nhiều giải báo chí các tỉnh trong khu vực

VOV.VN - Nhân kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, các địa phương trong khu vực Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Cửu Long tổ chức trao giải báo chí năm 2023. Cơ quan thường trú của VOV ở 2 khu vực này đã gửi các tác phẩm dự thi và đều đoạt giải cao.

Cơ chế “lưỡng tính” là cải cách có tính đột phá cho báo chí
Cơ chế “lưỡng tính” là cải cách có tính đột phá cho báo chí

VOV.VN - Cải cách có tính đột phá về cơ chế cho báo chí là chấp nhận cho các cơ quan báo chí có 2 cơ chế hoạt động song song: vừa như đơn vị sự nghiệp, vừa như doanh nghiệp.

Cơ chế “lưỡng tính” là cải cách có tính đột phá cho báo chí

Cơ chế “lưỡng tính” là cải cách có tính đột phá cho báo chí

VOV.VN - Cải cách có tính đột phá về cơ chế cho báo chí là chấp nhận cho các cơ quan báo chí có 2 cơ chế hoạt động song song: vừa như đơn vị sự nghiệp, vừa như doanh nghiệp.