Giải pháp gỡ “nút thắt” về cơ chế đầu tư đỗ xe
VOV.VN - Từ lâu chuyện thiếu chỗ đỗ xe ở các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội đã trở nên bức thiết. Nhiều giải pháp đã được chính quyền Thành phố triển khai nhưng đến nay vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Theo Quyết định 165 ban hành ngày 2/12/2003, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe và bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn đến năm 2020 với quy mô 1.620 bãi đỗ xe công cộng với tổng diện tích 797 ha, trong đó có 72 bãi đỗ xe ngầm.
Tuy nhiên, sau 20 năm phê duyệt, bản quy hoạch gần như “phá sản” khi thành phố mới triển khai đầu tư 96 dự án, tương đương 5,9% và hiện mới chỉ khoảng 50 bãi đỗ xe đang khai thác. Tuy nhiên, bản Quy hoạch này mới chỉ mang tính định hướng và chưa có quy hoạch chi tiết, chưa xác định cụ thể vị trí điểm đỗ xe, bãi đỗ xe, một số vị trí chưa được cập nhật trong quy hoạch 1/2.000 của quận, huyện.
Tính đến tháng 6 năm 2023, thành phố Hà Nội có khoảng 8 triệu phương tiện, tốc độ tăng trưởng xe máy đạt từ 4-5% và ô tô là từ 7-10%. Với tốc độ tăng dân số và phương tiện như hiện nay, thành phố Hà Nội cần có những giải pháp quyết liệt để giải quyết bài toán đỗ xe cho thành phố.
Thời gian tới, Sở Quy hoạch và kiến trúc thành phố, cùng với các địa phương cần tiến hành rà soát những bãi đỗ xe hiện có và điều chỉnh quy hoạch điểm đỗ cho phù hợp với tình hình thực tế.
Những bãi đỗ xe nổi cần được quy hoạch ở những vị trí sát các khu dân cư hoặc gần các khu vực trường học, bệnh viện, các khu nhà cao tầng. Đối với những bãi đỗ xe ngầm cần phải được quy hoạch đồng bộ, đảm bảo có tính liên kết đối với những công trình ngầm và các nhà ga đường sắt đô thị.
Trên cơ sở đó, chính quyền các quận, huyện cụ thể hóa vào các bản quy hoạch chi tiết, xây dựng lộ trình, bố trí ngân sách và kế hoạch thực hiện.
Đối với những dự án đang trong quá trình triển khai, thành phố cũng sớm tháo gỡ những khó khăn trong việc bàn giao đất cho các chủ đầu tư và những vướng mắc trong thủ tục đấu thầu, tránh tình trạng “quân xanh quân đỏ”, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận của những chủ đầu tư có nhu cầu thực.
Song song với đó, thành phố cũng cần có những chính sách ưu đãi cho các dự án đầu tư bãi đỗ xe, đặc biệt là bãi đỗ xe ngầm; ngoài ưu đãi về vốn, lãi vay, tiền thuê đất, cũng cần cụ thể hóa những chính sách thu hút nguồn vốn xã hội hóa vào lĩnh vực này. Việc cải cách về thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian triển khai xây dựng các bãi đỗ xe cũng cần được tính đến.
Bên cạnh đó, “cởi trói” cho các nhà đầu tư qua việc xem xét bỏ quy định khống chế mức giá, trong đầu tư, xây dựng và khai thác bãi đỗ xe đô thị nhằm tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp và phù hợp với cơ chế thị trường.
Tại thành phố Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc), bên cạnh những bãi đỗ xe ngầm có quy mô lớn, thành phố này còn tận dụng những mảnh đất xen kẹt để làm bãi trông giữ xe, các bãi đỗ xe máy được quy hoạch ngay trên đường giao thông. Tuy nhiên, công tác quản lý các bãi đỗ xe khá tốt, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và cái bãi đỗ xe máy, ô tô đều rất ngăn nắp, trật tự, không ảnh hưởng đến giao thông.
Trong khi nhu cầu bãi đỗ xe tại đô thị lớn như Hà Nội tăng cao, vấn nạn ùn tắc giao thông khiến thành phố tiêu tốn hàng tỷ đô la mỗi năm, bên cạnh đẩy nhanh những dự án bãi đỗ xe đã được cấp phép, thành phố cũng cần nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị, hoàn thiện mạng lưới giao thông công cộng khuyến khích người dân chuyển đổi sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng
Tăng nguồn cung các bãi đỗ xe theo quy hoạch, nhưng cũng cần có những giải pháp hạn chế người dân sử dụng phương tiện cá nhân để cân bằng cung- cầu điểm đỗ xe cho cư dân đô thị, sẽ giúp cho thành phố phát triển bền vững trong tương lai.