Giải phóng mặt bằng QL1A: Chủ động đối thoại với dân thì việc "chạy"
VOV.VN -Thực tế giải phóng mặt bằng cho thấy, lãnh đạo địa phương nào chủ động đối thoại với người dân trong diện giải tỏa thì nơi ấy sẽ về đích sớm nhất.
Dự án cải tạo,mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên khởi động hơn 1 năm nay, thực hiện được một khối lượng công việc khổng lồ. Thực tế cho thấy, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân đã tạo sức mạnh vượt mọi khó khăn.
Dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 1A từ Thanh Hóa đến Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (Quốc lộ 14) là 2 dự án có quy mô lớn nhất và phức tạp nhất từ trước đến nay của nước ta. Trong đó, Dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 1A có tổng chiều dài 1.500 km, đi qua 22 tỉnh, thành phố, đan xen giữa hình thức đầu tư BOT và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ với tổng mức đầu tư 110.000 tỷ đồng, tương đương 6 tỷ USD.
Sau hơn 1 năm triển khai, đến nay, các địa phương đã bàn giao 1.505/1.510 km đường với khối lượng xây lắp đạt trên 35%. Dự án này ảnh hưởng tới đời sống của 84.000 hộ dân, trong đó, gần 5.300 hộ cần phải bố trí vào các khu tái định cư tập trung, hàng nghìn km công trình điện, nước, cáp quang, viễn thông... phải di dời trong thời gian ngắn là chuyện không dễ dàng.
Thực tế giải phóng mặt bằng cho thấy, lãnh đạo địa phương nào chủ động đối thoại với người dân trong diện giải tỏa thì nơi ấy sẽ về đích sớm nhất. Tại tỉnh Hà Tĩnh, đến nay, ngoài việc bàn giao mặt bằng cho chủ thầu, nhà đầu tư còn cơ bản thảm xong phần nhựa Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, việc xác định diện tích đất của người dân trên “phố Đường 1” trải dài hơn 110km đi qua 38 xã, phường, thị trấn của 6 huyện, thị xã với 6.300 hộ dân ảnh hưởng và bị thu hồi đất, đồng thời với triển khai dự án Khu kinh tế Vũng Áng khiến hệ thống chính trị và các Sở ban, ngành bị quá tải công việc. Thế nhưng, địa phương vẫn nỗ lực về đích sớm.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh: “Được sự chỉ đạo hết sức quyết liệt của Chính phủ và các Bộ, ngành, trực tiếp là Bộ Giao thông Vận tải, tỉnh Hà Tĩnh tập trung nâng cao nhận thức cán bộ và cả hệ thống chính trị. Dự án Quốc gia thì địa phương được hưởng lợi đầu tiên. Từ nhận thức này, hệ thống chính trị của tỉnh vào cuộc đồng bộ hơn, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu”.
Ở nhiều nơi, dù đã thành lập đủ các ban bệ trong công tác giải giải phóng mặt bằng nhưng đích thân Bí thư, Chủ tịch từ tỉnh đến xã, hằng tuần đều có mặt tại các “điểm nóng” để nghe người dân phản ánh. Chỗ nào vướng mắc có thể xử lý được thì giải quyết luôn tại chỗ, không “khoán trắng” cho các ban giải tỏa đền bù. Thông qua các lần đối thoại với dân mà tỉnh Khánh Hòa đã kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, đến nay đã cơ bản hoàn thành công việc giải phóng mặt bằng.
Ông Lê Đức Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, việc xác định nguồn gốc đất đai của người dân là một trong những khâu then chốt, quyết định tiến độ và thời gian hoàn thành.
Trong quá trình triển khai, vướng mắc đối với hộ dân khi thực hiện phương án có thể chưa tính toán chính xác diện tích đền bù hoặc thiếu sót trong quá trình kiểm kê xác minh nguồn gốc thì tỉnh chỉ đạo nhanh cho các ngành, các cấp tiến hành kiểm tra rà soát lại giải quyết kiến nghị, đảm bảo chính sách đền bù giải tỏa hợp tình, hợp lý và thống nhất cho bà cho nhân dân.
Hiện có 2 địa phương thực hiện chậm hơn so với các nơi khác là tỉnh Bình Định và Phú Yên. Hai địa phương này vẫn chưa xong khâu giải phóng mặt bằng dù chỉ còn... 5 km trên toàn tuyến. Lãnh đạo tỉnh Phú Yên vừa hứa trước Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải quyết tâm hoàn thành trong tháng 9 này, thì ngược lại lãnh đạo tỉnh Bình Định vẫn nói do lý do khách quan.
Ông Ngô Đông Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giải thích: Địa bàn Bình Định rất khó khăn phức tạp, đặc thù là khối lượng thực tế phải giải phóng mặt bằng, đền bù thường vượt cao so với dự toán ban đầu về số hộ và số tiền, thường là vượt gấp 3 lần. Hiện nay, ở 2 điểm là ngã ba Quốc lộ 19 và phía Bắc tỉnh, một số hộ dân chưa nhận tiền chi trả do dự toán vượt cao.
Rõ ràng, công tác giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa và tái định cư hơn 1 năm qua chưa được tỉnh Bình Đình vào cuộc quyết liệt. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn chỉ rõ, việc quan trọng của quốc gia gắn với lợi ích của tỉnh, của huyện và của xã mà người dân hầu như không thấy các vị Bí thư, Chủ tịch xuống hiện trường, cũng rất ít khi đối thoại với dân. Đây là điều không thể chấp nhận được.
Hiện tại, trên toàn tuyến chỉ còn 5 km thuộc địa phận của 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên nhưng đã làm chậm tiến độ chung của dự án. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các tỉnh, thành phố cần tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các Bộ, ngành liên quan, rà soát lại những điểm “da beo” trên tuyến, bảo đảm trong tháng 10 phải bàn giao xong mặt bằng cho đơn vị thi công.
"Còn lại những “da beo” nào thì phải được kiểm tra đôn đốc bằng những giải pháp cụ thể hơn. Hiện tại, tỉnh phải khảo sát từng tuyến một, đối thoại trực tiếp và tìm ra nguyên nhân để giải quyết. Ví dụ, các đơn vị làm BOT phải giải quyết kịp thời tiền cho Bình Định, Nhà nước sẽ tạm ứng làm những khu tái định cư đang là bức thiết hiện nay. Mặt khác, những khu tái định cư đó đảm bảo thiết yếu như điện, nước, vệ sinh môi trường; phải vận động tốt hơn nữa tái định cư xen ghép để tiết kiệm chi phí và gần gũi với khu vực người dân đang ở", Phó Thủ tướng nói.
Bài học từ công tác giải phóng mặt bằng của dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên cho thấy, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị đã tạo đồng thuận cao của nhân dân vùng bị ảnh hưởng. Một khi các địa phương thực hiện chính sách thấu tình- đạt lý, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân dự án cải tạo, mở rộng tuyến giao thông huyết mạch của đất nước chắc chắn hoàn thành đúng tiến độ./.