Giảm 1,2 triệu người mua BHYT do những quy định “thụt lùi”
VOV.VN -Những ràng buộc kèm theo như hộ khẩu, đăng ký tạm trú… là sự thụt lùi trong lộ trình hướng tới BHYT toàn dân.
Nhằm thực hiện được lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi đã quy định mua BHYT là bắt buộc nhằm tăng nhanh số người tham gia. Tuy nhiên, sau hơn 4 tháng thực hiện luật này, số người tham gia BHYT trong cả nước lại giảm hơn 1,2 triệu người, trong đó chủ yếu là giảm đối tượng theo hộ gia đình, khoảng 15%.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho rằng, ý nghĩa của việc tham gia BHYT theo hộ gia đình với những điều kiện kèm theo về yêu cầu hộ khẩu, xác nhận của địa phương… là để người tham gia được hưởng ưu đãi về mặt chi phí rẻ hơn so với tham gia từng người một. Tuy nhiên thực hiện “chênh” trong luật và hiểu không đúng, dẫn đến sự mâu thuẫn dẫn đến các hộ gia đình bị “làm khó” khi muốn tham gia.
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan |
PV: Thưa bà, chúng ta đang hướng tới BHYT toàn dân, song khi áp dụng luật, số người mua BHYT lại giảm. Chúng ta cần khắc phục tình trạng này như thế nào?
Bà Phạm Khánh Phong Lan: Ở đây có sự mâu thuẫn trong luật. Một mặt chúng ta muốn bao phủ, làm sao để cho số lượng người đăng ký BHYT tăng lên. Mặt khác, khi đi vào thực hiện thì lại có những quy định hạn chế, như yêu cầu đi kèm khi mua bảo hiểm theo hộ gia đình là phải toàn bộ thành viên gia đình và ràng buộc rất nhiều thứ về vấn đề hộ khẩu, xác nhận. Nhiều khi bản thân những người trong gia đình do điều kiện sinh sống, làm việc, không ở nhà nên phát sinh những thủ tục hết sức nhiêu khê về mặt giấy tờ, chưa kể có trường hợp trong gia đình không thống nhất được với nhau để cùng mua.
Khi xây dựng luật, bộ phận soạn thảo cũng đã giải thích là nếu mua theo hộ gia đình thì có sự khuyến khích, tức là từ người thứ hai, thứ ba được giảm như thế nào. Tựu trung lại là số tiền bỏ ra theo từng hộ gia đình sẽ thấp hơn để khuyến khích người dân mua.
Tôi nghĩ đây là điều tốt. Nhưng theo tôi nên khắc phục sửa đổi bằng cách, một mặt khuyến khích mua theo hộ gia đình và nếu như mua theo hộ gia đình thì từ người thứ hai, thứ ba, thứ tư… được giảm giá để khuyến khích, nhưng không bắt buộc. Tức là bất cứ ai, đã là công dân Việt Nam phải có quyền mua BHYT vì ở đây là bắt buộc. Như thế, ở đây không có chuyện là phải xác nhận gia đình đã mua hay chưa.
Người tham gia BHYT theo hộ gia đình bị ràng buộc bằng những quy định nhiêu khê |
PV: Thế nhưng, có ý kiến cho rằng, khi quy định như vậy sẽ đảm bảo chặt chẽ, tránh khai man, trục lợi BHYT?
Bà Phạm Khánh Phong Lan: Những ràng buộc kèm theo như vậy theo tôi là sự thụt lùi và chúng ta có thể thấy trước trong quá trình tranh luận làm luật, nhưng mà vẫn quyết. Thế thì bây giờ phải sửa. Ở đây, khi chúng ta bám đúng mục tiêu nâng cao chất lượng BHYT, làm sao để nhiều người dân hơn tham gia, thì không đặt ra các thủ tục nhiêu khê như vậy.
Qua tiếp xúc, tôi thấy cử tri rất bức xúc với vấn đề này. Lẽ ra luật ra đời, cùng với nỗ lực của ngành Y tế nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nỗ lực tuyên truyền cho người dân, thì phải tăng cường hơn nữa số lượng người tham gia BHYT. Đằng này sau một thời gian áp dụng luật, số người tham gia lại giảm.
Tôi cũng hiểu trong một vài trường hợp, BHYT cũng có sự lo ngại về số lượng người tham gia bảo hiểm theo diện tự nguyện. Vì tự nguyện là khi có bệnh mới bắt đầu tham gia BHYT và lúc đó số chi phí phải chi trả cho đối tượng này rất nhiều.
Nhưng theo tôi, đằng nào cũng là phủ BHYT toàn dân. Cái cần làm để cân đối quỹ (bởi ở đây họ lo sợ vỡ quỹ), chúng ta có nhiều biện pháp khác. Nhưng cũng không thể vì lý do này khác để hạn chế số người tham gia bảo hiểm được. Và trong thời gian hiện nay, khi số lượng bảo hiểm mới bao phủ 70%, chúng ta phải chấp nhận chi trả nhiều cho những người tham gia BHYT tự nguyện.
Trong tương lai, khi phủ rộng được con số này lên đến 100% theo chiến lược toàn dân tham gia BHYT, tôi nghĩ chúng ta sẽ có nguồn để cân đối quỹ. Còn hiện nay phải chấp nhận, không vì lý do đó mà đặt ra những rào cản phải thế này, thế kia mới tham gia được bảo hiểm.
Bảo hiểm phải là sự tham gia của tất cả các đối tượng, nếu người ta có nguyện vọng. Và chuyện tham gia theo hộ gia đình với những cái kèm theo về yêu cầu hộ khẩu, xác nhận của địa phương… chỉ có ý nghĩa là để người tham gia được hưởng ưu đãi về mặt chi phí rẻ hơn là tham gia từng người một.
PV: Làm sao để khuyến khích các gia đình cùng mua BHYT, thưa bà?
Bà Phạm Khánh Phong Lan: Theo tôi, điều quan trọng nhất là phải tạo động lực cho người dân mua bảo hiểm. Tức là chất lượng khám chữa bệnh BHYT phải tăng; không có sự phân biệt, chênh lệch giữa dịch vụ và bảo hiểm, cũng như giá viện phí và giá khám chữa bệnh.
Lúc đó bản thân người dân thấy để bảo vệ sức khỏe của mình, để không phải tán gia bạn sản khi đi khám chữa bệnh thì họ sẽ mua bảo hiểm. Nhưng phải tạo điều kiện thuận lợi, chứ không phải phát sinh ra thêm những thủ tục rườm rà, rắc rối.
Mua theo hộ gia đình để giảm chi phí cho người bệnh, khuyến khích tiến trình phủ sóng BHYT toàn dân nhanh hơn, chứ không phải phát sinh để ràng buộc, bớt số người tham gia mua.
PV: Xin cảm ơn bà!./.