Gian nan đưa ngư dân hồ Dầu Tiếng lên bờ

VOV.VN - Hiện, tỉnh Bình Dương đang tìm các giải pháp hỗ trợ để người dân bỏ cuộc sống lênh đênh, rời làng bè, tìm việc làm ổn định và an cư.

Hàng chục năm nay, trên lòng hồ Dầu Tiếng, thuộc xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương có hàng chục hộ dân sinh sống trên bè và làm nghề đánh bắt cá, nuôi cá bè. Trước nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, nhiều năm nay huyện Dầu Tiếng vận động người dân lên bờ, ngưng nuôi cá bè nhưng tình trạng này vẫn tái diễn.

Trông chờ chính sách

Hơn 20 năm qua, gia đình ông Nguyễn Văn Hợi, 76 tuổi, coi chiếc bè là mái nhà để con cháu có chỗ chui ra chui vào. Mới đây, gia đình ông tích cóp được ít tiền cất căn nhà tạm, nho nhỏ trên vùng bán ngập của hồ Dầu Tiếng nhưng vẫn duy trì việc nuôi cá bè. Việc nuôi cá bè cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình ông. Thế nhưng, hiện nay, trước nguy cơ ô nhiễm nguồn nước tại hồ Dầu Tiếng, UBND xã Minh Hòa liên tục vận động, nhắc nhở gia đình ông ngưng việc nuôi cá bè và di chuyển lên bờ sinh sống.

Ông Hợi than thở, mấy chục năm nay cả gia đình gắn bó với nghề này, giờ không được nuôi nữa nên không biết mưu sinh bằng nghề gì khi không có đất, không có kiến thức, tay nghề.

“Bây giờ tôi cũng không biết tính sao nữa, giả thử lên bờ cũng đâu có đất để canh tác. Mong muốn bây giờ nhà nước cho nuôi 1,2 năm nữa để trả nợ rồi lên bờ từ từ kiếm việc mưu sinh”, ông Hợi chia sẻ.

Góp vào câu chuyện mưu sinh trên hồ Dầu Tiếng còn có bà Võ Thị Tha, 54 tuổi. Bà Tha nhớ lại, từ nhỏ bà theo ba mẹ sinh sống lại Campuchia. Năm 2003, sau khi li dị, bà đưa 2 con về Việt Nam sống ở hồ Dầu Tiếng nhưng ở địa bàn Tây Ninh. Năm 2016, bà đưa “căn nhà di động” của mình sang khu vực Bình Dương để nuôi cá bè. Việc nuôi cá bè giúp bà có thêm thu nhập để lo cho 2 con. Giờ đây, 2 con đã lớn và đi làm công nhân nên chỉ còn mình bà sống trên bè.

Bà Tha tâm sự, bà có một mình nên đi đâu sống cũng được, thế nhưng ở đây có hàng chục hộ chung cảnh không có đất, không giấy tờ tùy thân thì biết đi đâu, về đâu.

“Xin chính quyền địa phương cho dân được giấy tờ để lên bờ. Bây giờ không có giấy có tờ thì đi đâu ai xác nhận là người quốc tịch Việt Nam, trong khi ở đây lâu rồi mà chính quyền không giải quyết được giấy gì”, bà Tha cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết người dân sống trên lòng hồ Dầu Tiếng là người dân ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Thời chiến tranh, họ ly tán sang Campuchia, sống bằng việc thả lưới, quăng chài trên sông Tonle Sap (Biển Hồ Campuchia). Sau này họ lần lượt vượt biên, trở về nước với mong muốn có cuộc sống ổn định, an bình. Thế nhưng do không có đất, không giấy tờ tùy thân và không có kiến thức để kiếm công việc ổn định nên họ đành sống bằng việc đánh bắt thủy sản, nuôi cá bè ở hồ Dầu Tiếng.

Loay hoay tìm giải pháp an sinh

Hồ chứa nước Dầu Tiếng nằm ở thượng nguồn sông Sài Gòn thuộc phạm vi 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, là công trình quan trọng đặc biệt, liên quan đến an ninh quốc gia. Ngoài cung cấp nước tưới tiêu cho nông nghiệp, hồ Dầu Tiếng còn cung cấp nước sinh hoạt cho người dân Tây Ninh và một phần TP. Hồ Chí Minh. Những năm gần đây nguồn nước trong hồ đục, ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân nên Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa (Ban quản lý hồ Dầu Tiếng) đã yêu cầu huyện Dầu Tiếng di dời người dân lên bờ và cấm nuôi cá bè.

5 năm qua, huyện Dầu Tiếng liên tục tổ chức các đoàn đến vận động người dân làng bè lên bờ. Sau khi được vận động, nhiều hộ dân đã lên vùng đất bán ngập của lòng hồ, tự xây nhà. Tuy nhiên, diện tích đất có hạn nên địa phương không thể giải quyết chỗ ở cho tất cả các hộ nên hơn 30 hộ dân vẫn đang sinh sống dưới bè.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng cho biết, việc đưa bà con lên bờ rất khó thực hiện được ngay vì phải lo cuộc sống mưu sinh cho họ. Hiện,  địa phương đang thống kê, rà soát danh sách những hộ sống trong lòng hồ. Đối với các hộ chưa có giấy tờ tùy thân, địa phương đang thống kê xin ý kiến làm giấy tờ để có thể rời làng bè, kiếm việc làm và nơi ở ổn định. Việc giải quyết những vấn đề an sinh xã hội như nhà ở, việc làm phải chờ chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Dương.

Ông Tùng khẳng định, mặc dù khó nhưng địa phương sẽ quyết tâm làm để bảo vệ môi trường: “Trong thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp với Ban quản lý hồ, xin ý kiến cấp trên xử lí cho dứt điểm để trả lại nguồn nước xanh cho hạ nguồn phía dưới. Chúng tôi đang tìm phương pháp xử lí cho thấu tình đạt lí, bàn với tư pháp lọc ra hết bao nhiêu đối tượng chưa có giấy tờ tùy thân, không được học hành để lo cho dân”.

Sau nhiều năm lênh đênh mưu sinh đầy vất vả trên hồ Dầu Tiếng, người dân mong muốn chính quyền sớm có chính sách hỗ trợ di dời lên bờ để họ có cuộc sống ổn định hơn, an toàn hơn. Đặc biệt, điều ngư dân mong muốn nhất là có giấy tờ tùy thân cho con, cháu được đến trường, biết con chữ để có tương lai tươi sáng hơn thế hệ cha, ông họ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Từ sáng mai, hồ Dầu Tiếng xả tràn xuống sông Sài Gòn 10 ngày
Từ sáng mai, hồ Dầu Tiếng xả tràn xuống sông Sài Gòn 10 ngày

Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa sẽ xả nước qua tràn xuống sông Sài Gòn từ 7h sáng 31/8 đến ngày 10/9.

Từ sáng mai, hồ Dầu Tiếng xả tràn xuống sông Sài Gòn 10 ngày

Từ sáng mai, hồ Dầu Tiếng xả tràn xuống sông Sài Gòn 10 ngày

Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa sẽ xả nước qua tràn xuống sông Sài Gòn từ 7h sáng 31/8 đến ngày 10/9.

Hồ Dầu Tiếng có thể không đủ nước giúp Sài Gòn đẩy mặn
Hồ Dầu Tiếng có thể không đủ nước giúp Sài Gòn đẩy mặn

Trữ lượng nước tại hệ thống hồ đầu nguồn suy giảm trong khi mặn hạn kéo dài khiến nhiều chuyên gia lo ngại Dầu Tiếng không đủ nước giúp sông Sài Gòn đẩy mặn.

Hồ Dầu Tiếng có thể không đủ nước giúp Sài Gòn đẩy mặn

Hồ Dầu Tiếng có thể không đủ nước giúp Sài Gòn đẩy mặn

Trữ lượng nước tại hệ thống hồ đầu nguồn suy giảm trong khi mặn hạn kéo dài khiến nhiều chuyên gia lo ngại Dầu Tiếng không đủ nước giúp sông Sài Gòn đẩy mặn.