Áp dụng thưởng phạt thế nào trong giáo dục con trẻ?
VOV.VN - Chuyên gia cho rằng việc giáo dục con theo xu hướng hà khắc hay nuông chiều đều mang tính thiên lệch, không tốt cho sự phát triển của trẻ.
Giáo dục con cái chưa bao giờ là điều dễ dàng, trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, trẻ không thể đến trường, gần như toàn bộ thời gian đều diễn ra tại nhà, điều này cũng khiến không ít phụ huynh phải đối mặt với sự căng thẳng trong việc chăm sóc và dạy con. Mỗi gia đình có những cách giáo dục con khác nhau. Thời gian gần đây, trên một số diễn đàn nuôi dạy con, các bậc phụ huynh đưa ra nhiều ý kiến khác nhau về việc giáo dục con bằng phương pháp khuyên nhủ hay kỷ luật.
Thực tế có thể nhận thấy không ít gia đình duy trì việc giáo dục con cái theo hình thức “yêu cho roi cho vọt”, quát mắng, thậm chí sử dụng các hình phạt để răn đe, giáo dục con. Ngược lại, nhiều gia đình lại áp dụng phương thức chiều theo mọi sở thích, yêu cầu của con để con lắng nghe và làm theo yêu cầu của bố mẹ.
Nói về phương pháp giáo dục trẻ, PGS.TS Lê Văn Hảo, chuyên gia tâm lý cho rằng, trong giáo dục con cũng có những “trường phái” riêng, một số người có thể khắc nghiệt, kiểm soát thậm chí độc đoán, đáp ứng rất ít các nhu cầu của trẻ, bố mẹ là người ra quyết định và con cái tuân theo. Một số khác lại có xu hướng nuông chiều, không đặt ra những quy tắc hay giới hạn, trẻ có thể làm tất cả những gì mà mình muốn. Tuy nhiên, PGS.TS Lê Văn Hảo cho rằng, cả 2 thái cực này đều quá thiên lệch, không phù hợp, thậm chí bất lợi cho sự phát triển của trẻ nhỏ.
Theo chuyên gia này, nếu áp dụng quy tắc hà khắc, thậm chí dùng đòn roi để giáo dục con, về mặt pháp lý, hay quyền của trẻ em đều không phù hợp. Việc giáo dục trẻ phải hướng tới lợi ích dài hạn của trẻ, không chỉ nhằm giải quyết những vấn đề trước mắt.
Cha mẹ cũng cần phân biệt rõ ranh giới giữa nghiêm khắc và bạo lực, trừng phạt. Hiểu một cách đơn giản, nghiêm khắc là làm sáng rõ các vấn đề, bố mẹ cùng con thiết lập các giới hạn mang tính nhất quán và kiên định. Tránh việc khi đưa ra các quy định trong gia đình, nhưng khi con đòi, khóc lóc, bố mẹ hay ông bà lại đáp ứng, chiều theo. Trong các gia đình cũng thường có tình huống như bố mẹ nghiêm khắc, nhưng ông bà lại nuông chiều, các quy tắc yêu cầu trẻ thực hiện cũng bởi vậy mà không có sự nhất quán. Trẻ thừa sự thông minh để nhận ra ai có thể giúp mình đạt được những mong muốn của bản thân. Do đó, bố mẹ nghiêm khắc cũng cần thống nhất các quy tắc, giới hạn với các thành viên trong gia đình, sau một thời gian duy trì, trẻ sẽ đi vào nề nếp.
“Nghiêm khắc không phải là khắc nghiệt, đòn roi và chắc chắn là phi bạo lực. Bố mẹ có thể đặt ra các giới hạn. Các nghiên cứu cũng cho thấy, những tổn thương do cha mẹ đánh đập, trì thiết trẻ, thậm chí thực hiện những hành động đó ngay trước mặt những người khác, trước đám đông gây ra những tổn thương sâu sắc cả về mặt thể chất và tinh thần. Một số nghiên cứu cho thấy nỗi đau đớn mà trẻ phải chịu đựng trong những trường hợp đó có thể tương đương khi bị bỏng ở cấp độ 3. Cha mẹ khi đánh mắng con thường nói, ai làm gì mà khóc, tại sao phải khóc… Nhưng bố mẹ không biết rằng nếu trẻ phải trải qua những biện pháp giáo dục bất lợi từ thời thơ ấu sẽ có thể thay đổi cả cách bộ não hoạt động, thay đổi cách trẻ nhìn nhận thế giới, khó thiết lập các mối quan hệ với mọi người xung quanh. Thậm chí bộ não trẻ thường xuyên trong tình trạng căng thẳng, lo sợ, có những báo động giả…”, PGS.TS Lê Văn Hảo nói.
Ths. Lê Thị Khánh Vân – Chuyên gia bảo vệ trẻ em, Giảng viên quốc gia của Chương trình PDEP – “Làm cha mẹ tích cực trong cuộc sống hàng ngày” cho rằng, để các con phát triển lành mạnh, trước tiên cần đảm bảo quyền của các con. Bạo lực có thể là đòn roi, lời mắng, xỉ nhục của cha mẹ cũng mang lại những nỗi đau cho con cái. Bạo lực không thể giúp trẻ sửa chữa hành vi. Khi trẻ bị đánh, trẻ sẽ hiểu rằng nếu lần sau tiếp tục lặp lại những hành động này sẽ bị bố mẹ đánh mắng mà không biết được lý do thực sự vì sao bản thân không nên làm những điều đó. Như vậy, về mặt tâm lý, ở những lần sau, nếu lặp lại những hành động này, trẻ sẽ có xu hướng giấu giếm bố mẹ hoặc sẽ không làm nữa để tránh những sai sót. Việc này có thể làm hạn chế sự sáng tạo của trẻ, hoặc gián tiếp khiến trẻ có những hành vi dối trá.
“Các bậc phụ huynh phải xem mục tiêu muốn giáo dục con thành những người như thế nào, trong từng giai đoạn sẽ có những phương pháp giáo dục phù hợp với sự phát triển của con. Cha mẹ muốn con trở thành những người ra sao thì cần hành xử tương thích với những gì mà mình mong muốn. Cha mẹ cũng cần nhất quán trong hành vi thái độ, tránh nói một đằng làm một lẻo, khiến con cảm thấy bối rối, không thể phân biệt đúng sai”, Ths Lê Thị Khánh Vân nói.
Chuyên gia này cũng cho rằng, giáo dục con trẻ là cả quá trình, việc mang thưởng hay phạt ra để áp dụng đều sẽ không đạt được những tác dụng như mong muốn, thậm chí có thể bị phản tác dụng. Khi thưởng, bố mẹ cũng cần lưu ý thưởng thế nào để con có động lực thực sự. Những phần thưởng cũng cần mang tính giáo dục, ví dụ, bố mẹ có thể thưởng con 1 cuốn sách khi con làm tốt một việc gì đó. Việc thưởng tiền, hay một chuyến đi chơi… cho con cần được bố mẹ lưu ý khi áp dụng, tránh việc để con cố gắng, nỗ lực chỉ vì những phần thưởng./.