Bắt tay với doanh nghiệp là chìa khóa nâng cao chất lượng đào tạo đại học?
VOV.VN -Theo các chuyên gia, để giải bài toán nâng cao chất lượng đào tạo, gắn với nhu cầu thị trường lao động, các trường cần đẩy mạnh quá trình liên kết hợp tác với các doanh nghiệp.
Trong đào tạo đại học, nhiệm vụ của các trường là đào tạo nguồn lao động phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội. Nhưng thực tế, nhiều sản phẩm đầu ra của các trường đại học khi vào doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại.
Giải pháp đang được nhiều trường áp dụng hiện nay là liên kết với các doanh nghiệp trong đào tạo để bắt kịp những xu hướng, yêu cầu của thị trường lao động.
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc đẩy mạnh hợp tác liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục và doanh nghiệp là nhu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Xu hướng này sẽ là một sự cộng hưởng về nguồn lực, huy động được nguồn lực xã hội cũng như phát huy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Bên cạnh đó, việc kết hợp này cũng sẽ giúp cho các trường đại học tiếp cận gần hơn và chất lượng đào tạo, hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực ở các trường đại học sẽ được phát huy tốt hơn.
Bà Hoa cũng cho biết, hiện Luật Giáo dục đại học đã quy định rất rõ về đẩy mạnh kết hợp giáo dục đại học với các doanh nghiệp, các tổ chức khoa học công nghệ và khuyến khích cơ quan, doanh nghiệp tiếp nhận, tạo điều kiện để người học thực tập nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, Luật Giáo dục đại học trao quyền tự chủ cho các trường đại học. Như vậy, việc liên kết đào tạo giữa trường đại học với các doanh nghiệp là việc các trường hoàn toàn có thể làm.
“Trao quyền tự chủ đồng nghĩa là phải khai thác nguồn lực cho đào tạo. Một vấn đề hơi ngược của đào tạo giáo dục Việt Nam là chúng ta có chi phí đào tạo rất thấp nhưng lại mong muốn nâng cao chất lượng đào tạo ngày càng cao. Đây là một bài toán rất khó để tìm được lời giải. Một vấn đề nữa là khi trao quyền tự chủ cho trường đại học, các trường sẽ phải huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp. Đây là bài toán cần giải, sao cho nguồn lực từ các doanh nghiệp đổ vào sẽ ngày càng cao hơn”, bà Hoa nói.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa cũng cho rằng, để làm tốt hơn nữa công tác phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp, trước hết về trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước, hiện nay bộ Giáo dục – Đào tạo đã có những văn bản để quy định như khi các trường đại học mở thêm mã ngành hay xây dựng các chương trình đào tạo mới thì phải khảo sát và lấy ý kiến, nhu cầu của các doanh nghiệp. Bộ Giáo dục – Đào tạo cũng cần có những động thái tích cực hơn nữa về vấn đề này.
“Về phía Uỷ ban Văn hoá Giáo dục, chúng tôi cũng sẽ có trách nhiệm giám sát quá trình thực hiện Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học sao cho luật đi vào thực tiễn. Khi có sự phối hợp đồng bộ của các bên liên quan thì chắc chắn bài toán liên quan tới việc chất lượng đào tạo gắn với thực tiễn, nâng cao chất lượng nhân lực ngày càng tốt hơn”, bà Hoa nói.
Các trường phải chú ý đến chất lượng thật
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ Trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho rằng, xu hướng hợp tác và liên kết quốc tế ngày càng mạnh. Việc hợp tác không chỉ dừng lại ở trọn vẹn một chương trình đào tạo mà xuất hiện nhiều phương thức linh hoạt với mục đích tạo thuận lợi nhất cho nhu cầu của người học. Nhu cầu nâng cao chất lượng các chương trình giáo dục quốc tế và chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài là rất lớn.
“Tuy nhiên, xã hội yêu cầu ngày càng cao, vì vậy các trường đại học phải chú ý chất lượng thật. Thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã cho rà soát các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài và cho dừng lại gần 200 chương trình liên kết. Đây là những chương trình liên kết có chất lượng chưa cao hoặc đào tạo những ngành không còn phù hợp với thị trường lao động, với yêu cầu của xã hội. Vì vậy phải đóng cửa những chương trình đó và mở ra ngành đào tạo mới là vô cùng phù hợp với xu thế và nó sẽ phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”, bà Thủy cho biết.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, ngay trong các quy định về mở các ngành đào tạo của Bộ GD - ĐT cũng yêu cầu rất rõ về việc khảo sát nhu cầu của xã hội, đánh giá sinh viên có việc làm sau khi ra trường. Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh phải căn cứ vào nhu cầu và năng lực của các trường. Nếu không đáp ứng được yêu cầu xã hội, không theo nhu cầu xã hội thì dần dần trường đó sẽ không thể tuyển sinh. Như vậy, không có cách nào khác là gắn kết với doanh nghiệp.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có chính sách đối với những ngành nghề, lĩnh vực được Chính phủ, Đảng và Nhà nước ưu tiên trong phát triển như công nghệ thông tin, du lịch, có những cơ chế, đặc thù riêng để các trường xác định chỉ tiêu phù hợp hơn.
"Theo đó, giảng viên có thể đến từ doanh nghiệp, có thể không cần trình độ cao siêu, nhưng lại có kinh nghiệm làm việc ở doanh nghiệp thì sẽ được tham gia và đạo tạo đại học. Các trường cũng đang chuyển mình rất tốt và có cơ chế hỗ trợ từ nhà nước.
Nếu không có cơ chế đặt hàng thì không thể nào hỗ trợ các trường đại học nâng cao chất lượng của mình. Các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội có thể tham gia đặt hàng nguồn nhân lực, tham gia sửa đổi, cải tiến quá trình đào tạo, tham gia vào quá trình kiểm định chất lượng giáo dục. Ngoài ra, cả 3 bên là trường đại học, chính phủ, doanh nghiệp là 3 “chân kiềng” không thể tách rời. Với định hướng của Chính phủ thông qua Nghị định 32/2019/NĐ-CP, Nghị định 116/2020/NĐ-CP đã mở hướng cho việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các trường để đào tạo ra một lực lượng giảng viên, giáo viên, hệ sinh viên tiếp theo có trình độ tốt hơn”, bà Thủy cho biết.
Đại diện Vụ Giáo dục Đại học nhấn mạnh, đầu tư cho giáo dục, đặc biệt cho giáo dục đại học ở Việt Nam còn ở mức rất thấp so với khu vực và thế giới. Nếu không đầu tư mà muốn có chất lượng giáo dục đại học cao, phải xếp hạng ngang tầm quốc tế… là rất khó khả thi.
Do đó nhà nước cần có thêm ngân sách đầu tư cho những chương trình đào tạo quốc tế, những chương trình mũi nhọn trong các trường đại học để có những đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của giáo dục đào tạo và của nền kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh đầu tư từ xã hội hóa, tham gia của các doanh nghiệp, hiệp hội, các tổ chức trong nước, quốc tế và các địa phương, khi đó, tương lai của ngành giáo dục sẽ có nhiều khởi sắc./.