Bộ GD-ĐT tiếp tục xác minh nguyên nhân 58 bài thi điểm 0 tại Tây Ninh
VOV.VN - Sau khi khôi phục điểm số thực để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục kiểm tra để tìm ra nguyên nhân 58 bài thi bị 0 điểm tại Tây Ninh.
Trao đổi với báo chí, ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết, hiện Bộ GD-ĐT vẫn đang trong quá trình điều tra nguyên nhân dẫn đến việc 58 bài thi trắc nghiệm tại Tây Ninh bị điểm 0.
Thông tin những bài thi này bị điểm 0 do lỗi của thí sinh tô sai mã đề, nhầm số báo danh, tô mờ đáp án khiến máy không thể nhận diện được mới là báo cáo ban đầu từ đơn vị chấm thi trắc nghiệm, chưa phải kết luận cuối cùng của Bộ GD-ĐT.
Ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT (Ảnh: Tiền phong) |
“Bộ vẫn đang tìm hiểu nguyên nhân, xem trong quá trình chấm thi có sơ suất hay không. Ví dụ như khi phát hiện ra bài có những lỗi sai, nếu sơ xuất ấn vào nút đồng ý bỏ qua khi máy khuyến cáo, thì bài đó bị điểm 0. Bài thi trắc nghiệm thường có 2 lỗi sai là sai số báo danh hoặc sai mã đề thi. Nếu như không sửa những lỗi sai này, thì máy cũng không thể chấm được bài. Còn đối với lỗi tô mờ, hoặc không tô, nếu như không xem chi tiết để sửa thì cũng bị điểm 0, ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh.
Đến nay Bộ vẫn đang tìm hiểu, chưa kết luận chính xác là do lỗi gì. Trước hết phải thực hiện tốt công tác chấm phúc khảo để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh trong quá trình xét tuyển ĐH”, ông Sái Công Hồng cho biết.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD-ĐT khẳng định, với sự việc ở Tây Ninh, phầm mềm chấm thi trắc nghiệm không bị lỗi. Nếu do phần mềm, lỗi sẽ xuất hiện ở bài thi của cả 63 tỉnh thành.
Trước đó, Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh công bố kết quả chấm phúc khảo bài thi THPT quốc gia 2019, toàn tỉnh có đến 95 bài thi thay đổi điểm sau khi phúc khảo và đều tăng.
Đáng chú ý, có đến 58 bài thi trắc nghiệm bị điểm 0 đều tăng sau khi phúc khảo. Trong đó có bài tăng cao nhất lên tới 8,75 điểm.
Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo Sở GD-ĐT Tây Ninh tổ chức gặp gỡ 34 thí sinh và gia đình các em ngay sau khi công bố kết quả thi để trao đổi, động viên các em. Để đảm bảo quyền lợi của thí sinh và thực hiện đúng quy chế thi, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu đưa những bài thi này vào diện chấm phúc khảo và yêu cầu cập nhật, công bố kết quả phúc khảo để thí sinh kịp thời sử dụng trong xét tuyển sinh ĐH, CĐ./.
Chấm thi trắc nghiệm: Những yếu tố có thể biến thí sinh đỗ thành trượt
Vì sao 58 bài thi tại Tây Ninh được nâng điểm “khủng” sau phúc khảo?
Hàng chục thí sinh được nâng từ 0 lên gần 9 điểm sau khi phúc khảo