Bộ Giáo dục và Đào tạo tập huấn "bàn tay nặn bột"
VOV.VN-Đây là phương pháp giáo dục tích cực do Giáo sư người Pháp Georges Charpak sáng tạo và được áp dụng rộng rãi tại Pháp.
Hôm nay (25/9), Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Hội gặp gỡ Việt Nam và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức hội thảo - tập huấn về phương pháp “bàn tay nặn bột” khu vực Đông Nam Á lần thứ 4. Tham dự hội thảo có các nhà khoa học của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia và một số giảng viên Pháp.
"Bàn tay nặn bột" được đánh giá là phương pháp đáp ứng rất tốt việc đào tạo công dân của thế kỷ XXI (Ảnh: Dongthap.gov.vn). |
“Bàn tay nặn bột” là một phương pháp giáo dục tích cực do Giáo sư người Pháp Georges Charpak (giải Nobel Vật lý năm 1992) sáng tạo được áp dụng rộng rãi tại nhiều cấp học ở Pháp. Đây là phương pháp tạo cho học sinh tích cực, chủ động trong học tập. Học sinh phải tự làm các thực nghiệm để tiếp thu các kiến thức khoa học. Các em tiếp cận tri thức khoa học như một quá trình nghiên cứu của chính bản thân. Giáo viên không phải là người truyền thụ kiến thức mà là giúp xây dựng kiến thức bằng cách cùng hành động với học sinh. Ở Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai phương pháp này từ năm 2002 và có kế hoạch triển khai rộng rãi ở cấp tiểu học trên cả nước vào năm 2015.
Tại hội thảo hôm nay, với sự giúp đỡ của các giảng viên người Pháp, lớp tập huấn góp phần nâng cao năng lực thiết kế phân tích và tiến trình dạy học theo phương pháp “bàn tay nặn bột” cho giáo viên cũng như năng lực thiết kế các khóa đào tạo của các nước Đông Nam Á.
Phó Giáo sư, Đỗ Hương Trà, Giảng viên Khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: “Đây là một trong những phương pháp đáp ứng rất tốt việc đào tạo các công dân của thế kỷ XXI. Tức là năng lực giải quyết các vấn đề của thực tiễn, các vấn đề của xã hội. Đối với đào tạo giáo viên theo phương pháp Bàn tay nặn bột phải là một sự đào tạo đạt được mục đích kép, tức là giáo viên cũng phải thực hiện phương pháp đó trong quá trình đào tạo và người học thông qua quá trình đó thì họ có thể nhận thức biết được các bước, các giai đoạn của tiến trình dạy hoc”./.