Bỏ hay giữ thi tốt nghiệp THPT: Phải đổi mới tư duy giáo dục
VOV.VN-Cha mẹ và cả xã hội phải đổi mới tư duy giáo dục là học không phải để lấy bằng, mà học là để thành người.
Việc giữ hay bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT trong nhiều năm qua đã được dư luận nhiều lần đặt ra và thu hút sự quan tâm đặc biệt. Các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục đã đề xuất những phương án, giải pháp cho việc giữ hay bỏ kỳ thi này. Tuy nhiên, các phương án, đề xuất đưa ra dù có khả thi đến mức độ nào thì cũng khó thành công nếu không có sự thay đổi trong tư duy về giáo dục của cả xã hội.
Phải xóa bỏ tư duy trọng bằng cấp
Thói quen trọng bằng cấp dường như đã ăn sâu vào suy nghĩ của đa số các bậc phụ huynh và ngấm vào cả những đứa con của họ.
Giáo sư Ngô Bảo Châu |
Giáo sư Ngô Bảo Châu, hình thức thi cử nói chung và thi tốt nghiệp THPT ở Việt Nam cần phải có nhiều thay đổi căn bản. Đó chính là cần thay đổi căn bản về tư duy, nhận thức của người dân. Hiện nay, chúng ta quá coi trọng bằng cấp nên mới có chuyện tiêu cực trong học hành, thi cử.
Giảng viên Trần Minh Hải, cán bộ giảng dạy Viện Y học dự phòng, ĐH Y Hà Nội cũng cho rằng, ở nước ngoài, nhiều học sinh từ bé đến lớn đã được định hướng học một nghề nào đó, mà không nghĩ gì đến chuyện thi đại học. Nhưng ở nước ta thì ngược lại, hầu như nhiều gia đình ngay từ khi con còn bé đã xác định chỉ có con đường duy nhất là vào Đại học. Trong quá trình học, họ cho con đi học thêm, rồi chạy thầy, chạy điểm cho con có được bảng điểm đẹp để có cơ hội và Đại học hơn.
Giáo sư Hoàng Xuân Sính, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT trường Đại học Thăng Long cho biết, bà đã hỏi rất nhiều giáo viên phổ thông, họ cho biết là năm lớp 12, để luyện thi vào Đại học thì có đến 99% học sinh ở Hà Nội học thêm. Giá học thêm cho mỗi học sinh trung bình từ 5-10 triệu đồng/tháng. “Tôi có giúp đỡ một gia đình nghèo ở Hà Nội, tôi khẳng định gia đình nghèo nhất cũng trả đến 500.000 đồng học thêm mỗi tháng cho con. Dù chỉ bằng 1/10 so với con nhà trung lưu, nhưng vẫn phải mất tiền. Tôi chưa tìm thấy gia đình nào ở Hà Nội không cho con đi học thêm”.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, lâu nay chúng ta coi trọng về bằng cấp, nên tư duy nặng nề rằng, chỉ có con đường vào Đại học là duy nhất. Mọi người vẫn tư duy theo kiểu học để có tấm bằng, tìm mọi cách gian lận để có tấm bằng. “Họ nên phải đổi mới theo tư duy của UNESCO “Học để làm gì, học để biết, biết để làm, để chung sống với cộng đồng”, khi học sinh học gian lận thì không phải là học”.
Theo NGƯT.TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, điều đầu tiên phải cần khi nước ta hội nhập với thế giới là nguồn nhân lực chất lượng cao. Thế nhưng, nguồn nhân lực cho tương lai đang còn phụ thuộc vào những kỳ thi và bệnh thành tích.
NGƯT.TS Nguyễn Tùng Lâm |
Ngày xưa, việc giảng dạy và học tập được thầy giáo và các học trò coi trọng và ưu tiên lấy “Nhân-Đức-Lễ-Trí-Tín” làm đầu. Người thầy giảng dạy hết mình, mong trò thành tài và không có vụ lợi gì. Học trò ngày đêm đèn sách với thực lực khả năng và sự cần mẫn, chăm chỉ của mình. Còn ngày nay, giáo dục nước ta đang bị bệnh thành tích chi phối quá nhiều, khá lâu ở tất cả các ngành học, cấp học.
“Giáo dục đang đo kết quả học tập của học sinh bằng kết quả phần trăm lên lớp, xếp loại học lực và hạnh kiểm, không có tổ chức kiểm định chất lượng để đánh giá khách quan, khoa học về tất cả các quá trình giáo dục trong mỗi nhà trường. Tất cả chỉ được đánh giá bằng phong trào thi đua qua những con số do các trường tự báo cáo. Chỉ có số liệu về thi học sinh giỏi quận, huyện, tỉnh, thành, toàn quốc và quốc tế là đáng tin cậy, còn tỷ lệ thi tốt nghiệp THPT gần như các trường, các tỉnh thành sau mỗi năm học đều tiến đến con số tuyệt đối gần 100%”- NGƯT.TS Nguyễn Tùng Lâm nói.
Để xóa bỏ được tư duy “trọng bằng cấp”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, trước hết phải giáo dục cho các bậc cha mẹ, cộng đồng, học sinh hiểu được ý nghĩa của việc học. Ông cha ta đã nói “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, không phải dứt khoát phải vào Đại học là vinh dự, người ta phải làm một nghề gì đó có ích cho xã hội.
Theo GS Nguyễn Lân Dũng, để “học thực, lấy kiến thức thực”, phụ huynh học sinh phải là người ủng hộ, chấp nhận cho con em mình học lại khi không đạt yêu cầu. “Cha mẹ phải quán triệt một điều là học để lấy kiến thức, học cho mình, học để vào đời, để làm việc; cả xã hội phải đổi mới tư duy giáo dục là học không phải để lấy bằng, mà học là để thành người”.
GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu thì cho rằng, phải làm thế nào để người học có động cơ đúng đắn, không phải chỉ để có tấm bằng thật nhưng không có trình độ tương xứng. Vì thế cần có các quy định chặt chẽ để xã hội, trong đó có các bộ máy công quyền và mọi cơ sở sử dụng nhân lực chỉ chấp nhận những người có trình độ tương xứng với bằng cấp mà người đó sở hữu chứ không đơn thuần chỉ đòi hỏi bằng cấp. “Cách mà một số đơn vị tuyển dụng cán bộ chỉ quan tâm hay chú trọng đòi hỏi bằng cấp sẽ không thật phù hợp, không khuyến khích người học thật”.
Cần có đủ điều kiện để đảm bảo chất lượng giáo dục
GS Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước trăn trở, “tại sao đất nước chúng ta chậm đổi mới, lại có vẻ tụt hậu xa hơn so với các nước trong khu vực hiện nay. Số học sinh ra trường ngày một đông, số Thạc sĩ, Tiến sĩ ngày càng nhiều, nhưng tại sao lại có tình trạng trên. Tác động của giáo dục và đào tạo đối với vấn đề này như thế nào và chúng ta phải chăng đang lãng phí rất lớn một nguồn lực đối với giáo dục vào đào tạo?”.
Phó Chủ tịch nước cho rằng, nên tiếp cận vấn đề này ở góc độ tư duy về giáo dục và đào tạo. Hiện nay, tư duy về giáo dục và đào tạo tuy đã có đầy đủ chủ trương, Nghị quyết để phát triển về giáo dục trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng thực chất chúng ta chưa định hướng được vai trò của nó.
PGS.TS Trần Thị Tâm Đan |
Theo PGS.TS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, giáo dục phổ thông là giáo dục nền tảng của hệ thống giáo dục quốc dân với mục tiêu hình thành và phát triển nhân cách của thế hệ trẻ.
Bà cho rằng, để đạt được hiệu quả trong phát triển giáo dục, về nguyên tắc phát triển quy mô gắn liền với đảm bảo chất lượng. Cần phải có đủ điều kiện để đảm bảo chất lượng và một trong những điều kiện đó là có chính sách chăm lo đời sống cho giáo viên và gia đình họ, để họ có điều kiện tự học, phát triển nghề nghiệp thực hiện được chức năng của một chuyên gia giáo dục thông qua “dạy chữ” và “dạy người” và bằng chính phẩm chất nhân cách của mình.
Trong Đề án “Đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT Việt Nam”, một nội dung được coi giải pháp then chốt bảo đảm sự thành công của công cuộc đổi mới giáo dục là xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, gương mẫu về trách nhiệm nghề nghiệp, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ. Cùng với đó, đổi mới mạnh mẽ mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện trong đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, trách nhiệm, đạo đức nhà giáo và năng lực nghề nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu mới của giáo dục các cấp học và trình độ đào tạo. Đề án cũng nhấn mạnh việc tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải trên cơ sở đánh giá thực tế năng lực và hiệu quả công tác.
Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, hướng đến mục tiêu chất lượng là nhiệm vụ cấp bách của hệ thống giáo dục nước ta hiện nay. Đây cũng là yêu cầu khách quan của sự phát triển kinh tế-xã hội và không thể không quan tâm đến đổi mới tư duy của xã hội đối với việc học. Điều này có ý nghĩa thiết thực góp phần tích cực với ngành giáo dục trong việc xây dựng một nền giáo dục học thực, đào tạo ra những con người có nhân cách và năng lực nghề nghiệp, có uy tín trong xã hội cũng như trên thị trường lao động quốc tế./.