Bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT: Nên hay đừng?
VOV.VN -Đằng sau từ “bỏ” thì ngành giáo dục-đào tạo còn phải gồng gánh rất nhiều vấn đề tồn tại của ngành trong nhiều năm qua.
“Chấn hưng giáo dục”, đổi mới dạy và học… là những cụm từ liên tục được nhắc đến trong nhiều năm nay. Dư luận thực sự “nóng” sau khi Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng: nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, với lý do “Kỳ thi nào cũng đỗ 99%, 100% thì cần gì phải thi nữa”.
Thi tốt nghiệp THPT chỉ là một lần đánh giá |
Trong một phát biểu sau đó, ông Nguyễn Vinh Hiển-Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo cho biết: Nguyên tắc của giáo dục thì thi tốt nghiệp THPT chỉ là một lần đánh giá chứ không phải tất cả, phải kết hợp được với những lần đánh giá kiểm tra khác. Điều này không chỉ phát huy hiệu quả của kỳ thi sau khi học sinh đã tốt nghiệp mà có thể sử dụng kết quả tốt nghiệp để phục vụ cho công tác tuyển sinh, phân luồng học sinh sau khi học xong trung học.
Mục đích của kỳ thi là rất đáng hoan nghênh nếu được tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Thế nhưng, vị lãnh đạo của ngành giáo dục cũng thừa nhận thực tế là “một số yêu cầu trên chưa đạt được. Đây là vấn đề khó và không thể giải quyết một sớm một chiều. Bộ đã rất cố gắng nhưng nếu không thay đổi được cơ bản chương trình giáo dục thì không thể cải tiến được việc thi cử, kiểm tra đánh giá”.
Nghĩa là, đằng sau từ “bỏ” thì ngành giáo dục-đào tạo còn phải gồng gánh rất nhiều vấn đề tồn tại của ngành trong nhiều năm qua. Muốn bỏ kỳ thi này thì, giáo dục cấp cơ sở phải nghiêm túc từ việc chấm điểm kiểm tra đến thi cuối năm. Điểm của học sinh đạt được là do thực lực của các em. Thế nhưng thử hỏi, hiện tượng nâng điểm, xin điểm ở các trường đã chấm dứt? Hay trong các giờ kiểm tra không còn chuyện các em nhìn bài, chép bài, trao đổi bài với nhau…
Rồi nữa, chất lượng đội ngũ giáo viên cấp cơ sở có đủ năng lực để đảm đương nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục. Trong nhiều năm, ngành sư phạm khó thu hút được người tài thì lấy đâu ra nhân lực có chất lượng cho ngành?
Một điểm nữa cũng đã được nhắc đến nhiều là “bệnh thành tích”. Trường nào, địa phương nào nếu năm sau tỷ lệ tốt nghiệp không cao hơn năm trước là một sự thụt lùi báo động. Học sinh đỗ tốt nghiệp, nếu không vì thành tích của mỗi trường, mỗi địa phương thì đâu có chuyện học sinh đỗ tốt nghiệp THPT, khi đi thi đại học lại có những bài văn ngây ngô, buồn cười. Thi đỗ 99% – 100% là thành tích của ngành giáo dục trong việc phổ cập giáo dục phổ thông. Nếu đỗ được tốt nghiệp thì tại sao trong những kỳ thi đại học, cao đẳng lại có những bài bị điểm 1, 2, 3 và thậm chí là 0 điểm?
Chúng tôi cũng có tham khảo ý kiến của một số giáo viên dạy phổ thông trung học thì được biết, nếu vẫn đặt ra chỉ tiêu đỗ tốt nghiệp thì vẫn còn chuyện học sinh học lực khá nhưng không thi nổi đại học. Thực tế, kỳ thi tốt nghiệp giống như một cuộc tập dượt để các em thi đại học. Nếu bỏ kỳ thi tốt nghiệp thì quá trình kiểm tra, thi học kỳ các trường phải tiến hành chặt chẽ, tổ chức nghiêm túc như kỳ thi tốt nghiệp và thi đại học để các em có kinh nghiệm trong các cuộc thi có tính bước ngoặt. Ngành giáo dục cũng nên cân nhắc đến việc tổ chức lại kỳ thi này.
Và lãnh đạo của ngành giáo dục cũng thừa nhận: “Nếu bỏ thi thời điểm này là chưa phù hợp vì dù sao có kỳ thi thì ý thức, trách nhiệm dạy và học sẽ tốt hơn. Có thể tỷ lệ tốt nghiệp giữa xét và thi là như nhau nhưng tôi tin rằng 98% tốt nghiệp của thi vẫn tốt hơn 98% tốt nghiệp của xét”.
Việc bỏ hay không bỏ kỳ thi này dù còn nhiều tranh cãi nhưng việc nâng cao chất lượng giáo dục là mục tiêu cuối cùng chúng ta hướng đến. Bộ GD-ĐT cần khẩn trương hoàn thành đề án “Đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT” để sớm lấy ý kiến của ngành giáo dục và của những ai quan tâm đến tương lai đất nước trước khi trình Quốc hội. Mong rằng, sẽ nhận được ý kiến tham gia tâm huyết bởi tất cả chúng ta đều là người đã hưởng thành quả của nền giáo dục nước nhà./.