GS Nguyễn Lân Dũng bàn về bỏ hay không thi tốt nghiệp THPT

VOV.VN - GS Nguyễn Lân Dũng: “Cả xã hội phải đổi mới tư duy giáo dục là học không phải để lấy bằng, mà học là để thành người…”

Là người có trên 50 năm gắn bó với nghề giáo, GS Nguyễn Lân Dũng có nhiều chia sẻ về thực trạng giáo dục hiện nay. Ông cho rằng, giáo dục hiện nay còn nhiều bất cập, cần phải khắc phục nay nếu không sẽ chậm trễ. PV VOV online phỏng vấn GS Nguyễn Lân Dũng, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Khoa học Giáo dục- Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về những vấn đề mà nhiều người đang quan tâm hiện nay.

PV: Theo thông báo điểm thi Đại học của các trường, điểm thi của thí sinh năm nay khá cao và dự kiến điểm sàn của nhiều trường cũng tăng. Ông có cho rằng đây là một tín hiệu đáng mừng về chất lượng giáo dục, thưa ông?

GS Nguyễn Lân Dũng: Tôi không cho là như vậy. Điểm cao là vì năm nay đề thi không khó. Và khi xét điểm chuẩn, tất nhiên các trường phải lấy từ trên xuống thì điểm sàn sẽ cao. Chất lượng giáo dục như thế nào không đánh giá được qua kỳ thi Đại học, không phụ thuộc vào thí sinh điểm cao hay thấp.

Tuy vậy, việc đông đảo học sinh thi vào Đại học là điều đáng mừng của đất nước mà nhiều nước không có. Nhưng chúng ta nên xem xét lại việc đào tạo, có khả năng về lĩnh vực gì thì đào tạo chứ không tràn lan như hiện nay.


GS Nguyễn Lân Dũng

Nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp PTTH

PV: Hiện nay nhiều người cũng quan tâm đến phương thức, chất lượng các kỳ thi tốt nghiệp THPT, Đại học và có nhiều ý kiến khác nhau. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

GS Nguyễn Lân Dũng: Chúng ta đều thấy rằng con em trải qua 2 kỳ thi gần nhau hết sức khổ. Việc chọn môn thi tốt nghiệp PTTH trong thời gian rất ngắn và thí sinh phải “chúi mũi” vào để ôn những môn đó. Thi xong chỉ trong một thời gian ngắn, thí sinh lại phải lao vào ôn thi mấy môn thi Đại học, cho nên việc học tập hết sức vất vả. Cha mẹ học sinh cũng vất vả. Vì thế trong một thời gian ngắn như thế, không nên tổ chức liên tiếp hai kỳ thi mà nên bỏ bớt 1 kỳ.

Nhưng không thể bỏ được kỳ thi Đại học, bởi đây là kỳ thi cạnh tranh, mỗi trường Đại học có một yêu cầu riêng. Nếu chúng ta không có điều kiện như ở các nước khác thì sẽ không bao giờ bỏ được kỳ thi Đại học. Ở nước ngoài, điều kiện tốt, bao nhiêu người vào Đại học họ cũng chấp nhận và họ lần lượt lấy các chứng chỉ, không đủ điều kiện thì không được lên lớp. Vì thế, sinh viên nào học giỏi có thể 3 năm là tốt nghiệp, học kém thì 5 năm, còn ai vừa đi học vừa đi làm thì có thể 7 năm. Còn ở Việt Nam không có điều kiện, nếu tất cả vào Đại học thì sẽ không có chỗ, không có phòng thí nghiệm.

Do vậy nên bỏ kỳ thi phổ thông trung học. Nếu không học sinh sẽ không học các môn khác ngoài các môn định thi vào Đại học. Khi học sinh không học, thầy cũng không muốn dạy. Vì thế, khi bỏ kỳ thi tốt nghiệp PTTH, phải đánh giá đúng, em nào đạt tiêu chuẩn mới được tốt nghiệp phổ thông.

Vậy ai sẽ là người đánh giá? Thầy cô giáo là người hiểu rất rõ ai đáng tốt nghiệp và ai không đáng tốt nghiệp. Vì thế, Hội đồng giáo dục của các trường sẽ là người đánh giá học sinh đỗ hay không đỗ tốt nghiệp PTTH, còn người ký là Giám đốc Sở GD-ĐT.

PV: Thưa ông, nếu bỏ kỳ thi tốt nghiệp PTTH như ông đề xuất, e rằng sẽ xảy ra tình trạng tiêu cực chạy điểm, chạy thành tích để đủ điều kiện được chứng nhận tốt nghiệp?

GS Nguyễn Lân Dũng: Tất nhiên khi bỏ kỳ thi tốt nghiệp, người ta lo ngại sẽ xảy ra tình trạng móc ngoặc, tình trạng mua điểm. Nhưng trước đây, thế hệ chúng tôi, đi học đều có học bạ, thường xuyên có điểm kiểm tra. Vậy thì một em nếu có nhiều điểm 1-2 thì làm sao thầy giáo có thể cho đỗ tốt nghiệp PTTH được. Và khi không đỗ thì chắc chắn phải ở lại lớp. Nhưng nếu lưu ban nhiều, lại dẫn đến việc không có chỗ để học. Chính vì vậy, thầy cô phải dạy cho tốt để không phải lưu ban nhiều.

Đây là cả một cuộc cách mạng, làm thế nào để học sinh học tốt, học đồng đều các môn và thầy dạy tốt. Em nào không đủ điều kiện thì phải học lại, không thể nào coi việc tốt nghiệp phổ thông quá dễ dãi. Tôi cũng biết nhiều em ở các trường bổ túc văn hóa, các trường không phải công lập, học hành rất kém nhưng các thầy giáo đều “bày cách” để các em thi đỗ.

Hiện nay, một số tỉnh không tuyển người học không chính quy, không chỉ ở cấp Đại học mà kể cả phổ thông, như vậy cũng không đúng vì ngành nào cũng có người giỏi, người kém. Vấn đề đặt ra là mọi tấm bằng đều phải có chất lượng. Muốn có chất lượng thì không ai khác ngoài thầy cô phải là người dạy tốt. Và họ phải trong sáng, khi đó mới đánh giá đúng điểm kiểm tra thường xuyên là chứng chỉ năng lực học của các em.

Chấp nhận cho con em mình học lại khi không đạt yêu cầu

PV: Như ông vừa nói làm thế nào để đánh giá được độ trong sáng của thầy cô, khi mà xảy ra ngày càng nhiều các tiêu cực liên quan đến việc chạy điểm, chạy trường, chạy lớp như thời gian vừa qua?

GS Nguyễn Lân Dũng: Điểm kiểm tra thì không thể nào gian dối được. Bài được làm công khai, em không làm được bài thì không thể cho điểm cao được, vì các em học sinh trong lớp sẽ tự kiểm soát, phụ huynh học sinh kiểm soát lẫn nhau.

Vấn đề nâng cao đạo đức của thầy giáo là nên làm. Những thầy cô có lương tâm thì họ không bao giờ làm những việc tiêu cực liên quan đến việc nâng điểm nếu học sinh không đạt yêu cầu.

Và phụ huynh học sinh phải là người ủng hộ điều đó, chấp nhận cho con em mình học lại khi không đạt yêu cầu. Cha mẹ phải quán triệt một điều là học để lấy kiến thức, học cho mình, học để vào đời, để làm việc; cả xã hội phải đổi mới tư duy giáo dục là học không phải để lấy bằng, mà học là để thành người.

PV: Là người có gần 50 năm gắn bó, tâm huyết với ngành giáo dục, ông có nhận xét gì về nền giáo dục hiện nay?

GS Nguyễn Lân Dũng: Không chỉ riêng tôi mà nhiều người có nửa thế kỷ gắn bó, tâm huyết với giáo dục phải nói thật về những sự thật đáng buồn, những bức xúc hiện nay quá lớn liên quan đến toàn dân. Vì vậy cần phải khắc phục những bức xúc, tồn tại này.

Theo quan điểm của tôi, khắc phục không khó. Nếu có quyền, tôi có thể giải quyết được ngay, không cần phải đợi đến 2015 mới bắt đầu. Đó là việc sửa lại chương trình. Chúng ta đã có cả nền giáo dục bao nhiêu năm, học sinh không kém so với các nước. Thứ nữa là số năm học của chúng ta không kém các nước khác, cũng 12 năm, nhưng vì sao lại xảy ra tình trạng như hiện nay?.

Đừng trách học sinh, đừng trách thầy giáo. Khoảng 1 triệu thầy cô giáo là những người tận tụy, yêu nghề, mặc dù lương rất thấp, điều kiện khó khăn. Vậy lỗi cho đâu? Do chương trình hoàn toàn không phù hợp. Khi đã có chương trình chuẩn cấp Nhà nước thì các chuyện liên quan đến sách giáo khoa rất dễ giải quyết. Nó là công việc, là trách nhiệm của các nhà xuất bản. Ai viết không đúng với chương trình thì không được in, ai viết kém thì người ta không mua và sách giáo khoa là hàng hóa. Đã là hàng hóa thì phải có cạnh tranh. Nếu giải quyết được vấn đề này thì những bức xúc cơ bản trong ngành giáo dục sẽ được khắc phục.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Độc giả chia sẻ trăn trở về giáo dục của Phó Chủ tịch nước
Độc giả chia sẻ trăn trở về giáo dục của Phó Chủ tịch nước

VOV.VN-Nhiều độc giả đồng tình với trăn trở của Phó Chủ tịch nước và cho rằng, chính nhân cách con người sẽ chi phối toàn bộ quá trình sống…

Độc giả chia sẻ trăn trở về giáo dục của Phó Chủ tịch nước

Độc giả chia sẻ trăn trở về giáo dục của Phó Chủ tịch nước

VOV.VN-Nhiều độc giả đồng tình với trăn trở của Phó Chủ tịch nước và cho rằng, chính nhân cách con người sẽ chi phối toàn bộ quá trình sống…

Phó Chủ tịch nước trăn trở về tồn tại trong giáo dục
Phó Chủ tịch nước trăn trở về tồn tại trong giáo dục

VOV.VN - Phó Chủ tịch nước chỉ ra nhiều vấn đề còn tồn tại trong giáo dục đào tạo và gợi mở những giải pháp để tháo gỡ...

Phó Chủ tịch nước trăn trở về tồn tại trong giáo dục

Phó Chủ tịch nước trăn trở về tồn tại trong giáo dục

VOV.VN - Phó Chủ tịch nước chỉ ra nhiều vấn đề còn tồn tại trong giáo dục đào tạo và gợi mở những giải pháp để tháo gỡ...

Điểm chuẩn Đại học, Cao đẳng cao hơn năm trước từ 1-2 điểm
Điểm chuẩn Đại học, Cao đẳng cao hơn năm trước từ 1-2 điểm

VOV.VN - Dự kiến ngày 8/8 tới Hội đồng điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ họp và đưa ra điểm sàn cho từng khối thi.

Điểm chuẩn Đại học, Cao đẳng cao hơn năm trước từ 1-2 điểm

Điểm chuẩn Đại học, Cao đẳng cao hơn năm trước từ 1-2 điểm

VOV.VN - Dự kiến ngày 8/8 tới Hội đồng điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ họp và đưa ra điểm sàn cho từng khối thi.

Năm 2014 vẫn tiếp tục tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT
Năm 2014 vẫn tiếp tục tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT

VOV.VN - “Bộ GD-ĐT đã và đang tổ chức nghiên cứu và đưa định hướng đổi mới các kì thi - công nhận tốt nghiệp THPT”.

Năm 2014 vẫn tiếp tục tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT

Năm 2014 vẫn tiếp tục tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT

VOV.VN - “Bộ GD-ĐT đã và đang tổ chức nghiên cứu và đưa định hướng đổi mới các kì thi - công nhận tốt nghiệp THPT”.