Cần khắc phục tình trạng thiếu biên chế giáo viên tại các cơ sở giáo dục thường xuyên
VOV.VN - Số lượng giáo viên biên chế của các cơ sở GDTX vẫn ít (chiếm gần 64%), chưa đủ về số lượng và cơ cấu các môn học nên khó khăn trong bố trí giáo viên và ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.
Ngày 19/8, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với Giáo dục thường xuyên (GDTX).
Báo cáo tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GD-ĐT) Hoàng Đức Minh cho biết, năm học 2020-2021 quy mô và mạng lưới cơ sở GDTX tại các địa phương về cơ bản được duy trì ổn định. Cả nước hiện có 18.239 cơ sở GDTX, tăng 782 cơ sở so với năm học trước. Trong đó, số lượng trung tâm ngoại ngữ - tin học, trung tâm giáo dục kỹ năng sống tăng cao 99,53% xã/phường/thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng.
Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tại các trung tâm GDTX cơ bản ổn định về số lượng so với năm học trước, với 18.705 cán bộ, nhà giáo. Trong đó, giáo viên biên chế, giáo viên dạy văn hoá đều tăng lên với 8.743 thầy cô thuộc biên chế, 9.769 giáo viên dạy văn hóa. Dù vậy, số lượng giáo viên biên chế của các cơ sở GDTX vẫn ít (chiếm gần 64%), chưa đủ về số lượng và cơ cấu các môn học nên khó khăn trong bố trí giáo viên và ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Luật Giáo dục 2019 đã quy định GDTX là một trong hai thành phần của hệ thống giáo dục quốc dân. Mục tiêu của GDTX là đáp ứng nhu cầu học tập của mọi người dân, để nâng cao trình độ, chất lượng cuộc sống và hướng tới xã hội học tập suốt đời. Nếu giáo dục chính quy chỉ gói gọn trong vài năm của bậc phổ thông, đại học, sau đại học, thì GDTX là lâu dài, mãi mãi và đa dạng các nhiệm vụ cần triển khai để đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân.
GDTX cũng không phải như trước đây là bổ túc văn hoá với bằng cấp cho người học khác với bằng tốt nghiệp THPT chính quy. Hiện nay, chương trình GDTX tuy có giảm một phần khối lượng kiến thức so với THPT nhưng chuẩn đầu ra khi tốt nghiệp là như nhau và được cấp cùng một bằng tốt nghiệp THPT. Nhiệm vụ của GDTX là vô cùng lớn, đa dạng và khó làm. Do đó, từng thành viên trong ngành học này cũng như cộng đồng và chính quyền cần nhận thức đầy đủ, quan tâm mạnh mẽ hơn nữa, để giải quyết các hạn chế, phát huy điểm tích cực, cùng đưa chất lượng GDTX nâng lên.
Trong công tác xây dựng đội ngũ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, để đảm bảo đủ cả về số lượng và cơ cấu theo môn học. Theo đó, trung tâm GDTX cần xây dựng đội ngũ nòng cốt dạy các môn văn hoá, để sau đó liên kết, phối hợp với các cơ sở GDPT khác thực hiện nhiệm vụ dạy học cho học viên. Mô hình của các trung tâm ở Hà Nội là đảm bảo mỗi môn văn hoá có ít nhất 1 giáo viên, riêng Toán, Ngữ văn có nhiều hơn, được Thứ trưởng nêu ra để các tỉnh xem xét, học hỏi.
Việc xây dựng đội ngũ cần chú trọng bồi dưỡng để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên; đặc biệt là bồi dưỡng để triển khai Chương trình GDPT 2018. Đội ngũ này cùng với các điều kiện về cơ sở vật chất cần được chuẩn bị thật tốt để đảm bảo thực hiện có hiệu quả chương trình GDTX cấp THCS và cấp THPT (mới) theo Chương trình GDPT 2018. Hiện công tác hoàn thiện để ban hành chương trình GDTX mới đang được Bộ GD-ĐT tích cực triển khai với tinh thần phấn đấu thực hiện đồng tốc Chương trình GDPT 2018 ở cả hệ Giáo dục phổ thông và GDTX.
“Năm học 2021-2022 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp trên các tỉnh thành. Vì vậy, cơ sở GDTX cần chủ động xây dựng kịch bản tổ chức thực hiện chương trình. Ở cấp THCS, THPT, chúng ta dạy kiến thức cho học sinh nhưng đồng thời cũng giáo dục để hình thành nhân cách cho các em, nên cần phối hợp hài hoà giữa dạy trực tiếp và trực tuyến”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chỉ đạo.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trung tâm GDTX căn cứ thực tế diễn biến dịch ở địa phương để xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp, đảm bảo an toàn và chất lượng./.