"Cần truy cứu trách nhiệm buông lỏng quản lý hệ tại chức”
(VOV) - GS Đào Trọng Thi: Các vấn đề liên quan đến đào tạo hệ không tập trung đều lỏng lẻo hơn rất nhiều so với đào tạo chính quy
PV: Thưa Giáo sư, hệ đào tạo không chính quy, trong đó có hệ tại chức đang mang lại những phản ứng trái chiều trong xã hội. Giáo sư nhận định như thế nào về chất lượng hệ đào tạo này trong thời gian qua?
Hai hệ chính quy và tại chức đều có vai trò quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực. (ảnh: vietnamnet) |
GS Đào Trọng Thi: Thứ nhất là về chủ trương, chúng ta đặt vấn đề là tổ chức hệ không chính quy bao gồm cả tại chức, từ xa và nhiều hình thức khác gọi chung là không chính quy để phân biệt với hệ chính quy. Hai hệ đó đều có vai trò quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực.
Đối với hệ không chính quy, nói riêng là hệ tại chức thì đối tượng là những người đã đi làm việc, hiện nay họ vẫn đang làm việc và họ có kinh nghiệm thực tiễn. Và trên cơ sở đó chúng ta có điều kiện thực hiện chương trình mà sử dụng được kinh nghiệm của họ, và vì vậy họ tiếp thu được một số kiến thức về mặt lí luận dễ dàng hơn.
Thế nhưng rất tiếc là trên thực tế lại không thực hiện nghiêm túc được theo các quy định đó. Thứ nhất là tuyển sinh đầu vào không nghiêm túc như hệ chính quy, chưa kể là trong quá trình tổ chức còn có thể có một số vấn đề tiêu cực dẫn đến đầu vào của hệ tại chức quá yếu kém so với đầu vào của hệ chính quy.
Trên thực tế còn lỏng lẻo đến mức chúng ta đã chấp nhận rất nhiều các em học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông, không thi được đại học thì đi học tại chức. Rất nhiều chương trình đào tạo tại chức ở các địa phương là cắt xén, lồng ghép các tiêu cực mà ai cũng hiểu được. Còn những kỳ thi tốt nghiệp cho hệ tại chức cũng không được thực hiện nghiêm túc. Như vậy hệ tại chức đã không đáp ứng được những yêu cầu như mong muốn về chất lượng, giữa quan điểm mang tính chất pháp luật với kết quả thực hiện trên thực tế là có khoảng cách.
PV: Chất lượng đào tạo bị buông lỏng, thả nổi như thế nên xã hội đã có những phản ứng khác nhau với hệ tại chức. Quan điểm của Giáo sư về vấn đề này như thế nào?
GS Đào Trọng Thi: Sự phản ứng của xã hội là cũng có lý. Chỉ có điều là sự phản ứng đó đáng lẽ phải nhằm vào chỗ chúng ta phải thực hiện nghiêm túc hơn việc tuyển sinh, việc tổ chức chương trình, kế hoạch học tập, kiểm tra đầu ra để tương đương với hệ chính quy, thì bây giờ phản ứng lại mang tính chất không lành mạnh và tiêu cực nhằm vào những người học ở các hệ đó.
Tôi cũng phải nói thế này: hệ đó có thể chất lượng không đảm bảo là hệ chính quy, nhưng không thể nói là mọi sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức đều kém hơn sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy. Tại sao lại chấp nhận mọi sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy tham gia tuyển chọn vào các vị trí trong các cơ quan nhà nước, loại tất cả những người tốt nghiệp hệ tại chức? Một số địa phương vừa rồi có một ố quy định, chính sách về tuyển dụng đi theo con đường đó là không thể chấp nhận được.
PV: Vậy theo Giáo sư, phải làm gì để có thể chấn chỉnh, nâng cao chất lượng đào tạo tại chức, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra?
GS Đào Trọng Thi: Các vấn đề liên quan đến đào tạo hệ không tập trung đều lỏng lẻo hơn rất nhiều so với đào tạo chính quy. Thế nhưng kiểm tra, thanh tra thì chúng ta lại chỉ nhấn mạnh vào phần chính quy, người ta cho rằng đấy là phần chính, trọng tâm của hoạt động của cơ sở giáo dục đào tạo cũng như của cơ quan quản lý Nhà nước. Ở phần mà chúng ta không coi là trọng tâm, là chính ấy lại xuất hiện những khuyết điểm trầm trọng.
Tôi cũng phải nói là chất lượng giáo dục đào tạo nói chung là yếu nhưng trong đó đặc biệt yếu là chất lượng của các hệ đào tạo không chính quy. Phải truy cứu trách nhiệm, trước hết là các cơ sở đào tạo, sau đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan trong ngành Giáo dục là vì anh đã để cho tình trạng đấy bị buông lỏng quản lý trong thời gian khá dài. Không phải anh không biết nhưng anh đã làm ngơ, thiếu trách nhiệm. Phải phân định rõ trách nhiệm như vậy. Từ cơ quan quản lý nhà nước đến các cơ sở đào tạo chỉ cần thực hiện đúng các quy định hiện có thôi thì đã đảm bảo được. Chỉ có khi đó thì chúng ta mới có hy vọng chấn chỉnh lại kỷ cương cũng như yêu cầu chất lượng của hệ đào tạo này.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư./.