Hà Nội tuyển giáo viên hệ chính quy: Đào tạo quá tràn lan?
(VOV) - Nhiều ý kiến đồng tình với chủ trương của giáo dục Hà Nội và cho rằng, nên quan tâm nhiều hơn đến chất lượng đào tạo...
Nhiều bạn đọc hoan nghênh Hà Nội đã mạnh dạn trong công tác tuyển dụng công chức ngành giáo dục (ảnh: internet) |
Đa số ý kiến đồng tình với chủ trương của Sở GD-ĐT Hà Nội, hoan nghênh việc Hà Nội đã mạnh dạn trong việc tuyển dụng công chức, coi đây như một bước đột phá trong việc chỉnh đốn lại công tác giáo dục, đào tạo bấy lâu nay vẫn còn nhiều điều đáng bàn.
Ủng hộ Hà Nội
Bạn đọc Nguyễn Quảng Quang nêu ý kiến: “Tôi thấy chúng ta cũng nên tuyển chọn những con người có bằng và học vấn thật sự của các trường uy tín, để giảm bớt hình thức đào tạo tràn lan cho có bằng cấp, và cũng là để thế hệ trẻ có ý thức trách nhiệm, học hành tử tế. Việc này cũng là phù hợp với tình hình xã hội, đất nước và khu vực cũng như thế giới. Tôi nghĩ các trung tâm lớn của môt đất nước như Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng nên thực hiện đi đầu”.
Cùng quan điểm với bạn Nguyễn Quảng Quang, bạn Lê Huy Nghĩa viết: “Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương cúa Hà Nội. Phải có những nơi đi tiên phong như Hà Nội thì mới hạn chế được những tiêu cực hiện nay không chỉ riêng ngành giáo dục. Cần phải mạnh dạn để thay đổi những thói quen, những cái xấu đang tồn tai hiện nay”.
“Tôi ủng hộ Hà Nội. Hoan hô Hà Nội đã nổ phát súng đầu tiên trong việc chống tiêu cực trong ngành giáo dục”- Bạn Nguyễn Hùng Anh viết.
Theo bạn Lê Mai, đây là một chủ trương đúng đắn, một cách làm hay. Cần nhân rộng nhiều nơi.
Bày tỏ quan điểm ủng hộ với Hà Nội và các địa phương đi tiên phong trong việc nói “không” với tại chức, bạn Hoa Giang cho rằng, có nhiều người lý sự rằng các hệ học đều theo quy định Nhà nước. Nhiều người cũng dẫn chứng ra việc một số cá nhân có năng lực tốt cũng học tại chức, từ xa…
Tuy nhiên, đây chỉ là những trường hợp mang tính riêng lẻ, không phải là phổ biến. “Tôi cho rằng, sau kháng chiến, việc đào tạo tại chức là cần thiết để bổ sung cán bộ. Nhưng nếu kéo dài đến tận bây giờ, tôi nghĩ không phù hợp vì xã hội ngày càng phát triển, phương pháp đào tạo cũng nên thay đổi. Chúng ta có thể có nhiều cách cho mọi người học nhưng không nên quy định đầu ra. Thí dụ: nhân viên cơ quan Nhà nước học xong tại chức được chuyển ngạch như học chính quy. Điều đó đã tạo nên cách "đi vòng" cho những người học phổ thông không tốt, tạo nên những công chức chất lượng thấp, lãng phí tiền lương. Hãy để mọi người học nâng cao trình độ, nhưng không xếp theo ngạch của học chính quy, mà chỉ để họ làm tốt công việc được giao trước khi đi học tại chức. Có lẽ như thế sẽ đích thực hơn khi những người có nhu cầu học nghiêm túc”- Bạn Hoa Giang viết.
Bạn Hoàng Huy cũng cho rằng, giáo viên thì phải là những người mẫu mực cả về tư cách đạo đức hoặc năng lực. Có như thế mới tạo ra được các thế hệ học sinh có nhân cách và năng lực thực sự. Bạn Hoàng Huy viết: “Nếu tốt nghiệp cấp 3 mà giáo viên đó không thi đỗ được vào hệ chính quy một trường Đại học thì cũng nên xem xét lại. Tôi không phủ nhận là học tại chức cũng có người này người kia, nhưng nhìn chung việc đào tạo tại chức hiện nay thì để tìm một giáo viên vừa có tâm, vừa có tài là rất khó”.
Nên xem lại cách đào tạo
Viết thư về VOVonline, bạn Nguyễn Trung Thực thì cho rằng: “Học tại chức thực tế cũng có nhiều người giỏi. Tôi nghĩ không quan trọng chuyện bằng cấp mà phải xem lại cách đào tạo hiện nay”.
Bạn Hồ Ngọc Mai bày tỏ băn khoăn, nếu Hà Nội và các tỉnh đều chỉ tuyển hệ chính quy thì sẽ gây khó khăn cho các hệ đào tạo khác. Nếu ngành giáo dục đã mở ra các hệ đào tạo, sao lại không tuyển công chức do mình đào tạo ra. “Tôi nghĩ nên tuyển công chức của các hệ một cách bình đẳng. Vì hệ đào tạo nào cũng có người có năng lực, phân biệt như thế thì có phải bấy lâu nay mình đã mở ra các trường Đại học, cao đẳng ngoài công lập là phù phiếm”- bạn Hồ Ngọc Mai viết.
Còn bạn Đỗ Phương thì cho rằng: “Tôi nhận thấy việc đào tạo hệ tại chức còn nhiều bất cập một phần do cơ chế quản lý còn yếu kém. Nhiều chính sách, tiêu chí đào tạo chạy theo thành tích; chạy theo cơ chế thị trường. Bản thân người học đâu có tội tình gì đâu mà giờ đây chính quyền các tỉnh, thành phố lại phân biệt bằng cấp như vậy. Đó là cách phân biệt, đối xử không công bằng và khách quan. Đã công nhận hình thức đào tạo mà không lại không công nhận người được đào tạo thì mở ra làm gì? Theo tôi cũng phải xem lại cách đào tạo đại học hiện nay, có nên xóa bỏ hệ tại chức không? Tôi nghĩ tại chức thì cũng có người giỏi, học thật và có trình độ (tự học là chính); đâu cứ phải học chính quy là giỏi hết? Theo tôi, học gì thì học, miễn sao có trình độ, năng lực, đáp ứng nhu cầu công việc thì sao lại không tuyển dụng? Phân biệt như hiện nay có phải bất công không?”.
Bạn Hà Anh và nhiều bạn khác thì cho rằng, không nên đặt nặng vấn đề tuyển tại chức hay chính quy. Mà quan trọng nhất phải xem xét lại cách đào tạo hiện nay. Nhiều trường, nhiều nơi còn mở các hệ đào tạo tràn lan, cốt sao tuyển cho đủ chỉ tiêu mà chưa chú ý đến chất lượng đầu ra. Các cơ quan Nhà nước khi tuyển dụng vẫn còn có hiện tượng đi “đường vòng” mà không có sự công khai, minh bạch. “Tôi nghĩ nếu giải quyết được vấn đề chất lượng đào tạo thì khi đó mới giải quyết triệt để mọi vấn đề. Khi đào tạo có chất lượng, thì học tại chức hay chính quy đều là những người có năng lực làm việc. Và khi đó chính quy hay tại chức cũng chỉ là một cái tên gọi cho một hình thức đào tạo”.- Bạn Hà Anh viết./.