Chấn hưng Giáo dục: Có thực mới vực được đạo?
VOV.VN - Nhiều độc giả cho rằng, đừng đòi hỏi ở các em nhiều, khi mà người lớn chỉ nói lý thuyết mà không thực hành đạo đức tốt.
Tuần qua, vấn đề về “đạo đức học đường” được nhiều độc giả bàn luận trên VOV online. Đa số ý kiến cho rằng, giáo dục đạo đức cho học sinh phải là việc làm thường xuyên, liên tục, kết hợp cả gia đình và nhà trường. Muốn làm tốt việc này, trước hết những người lớn trong gia đình phải là tấm gương. Đừng đòi hỏi ở các em nhiều, khi mà người lớn chỉ nói lý thuyết mà không thực hành đạo đức tốt.
Người lớn phải là tấm gương cho học sinh noi theo
Độc giả Trần Công Thắng cho rằng, giáo dục đạo đức học đường là việc cấp thiết hiện nay mà toà xã hội phải quan tâm và hành động. Tuy nhiên, người lớn phải là tấm gương cho học sinh noi theo, ngoài gia đình thì đội ngũ nhà giáo phải làm sao cho xứng là người thầy, vừa dạy chữ vừa dạy cách làm người.
Cùng suy nghĩ với nhiều độc giả, bạn Chung Võ viết: “Thực trạng học sinh bây giờ được cha mẹ nuông chiều. Không có cha mẹ, thầy cô nào dạy học sinh làm những điều sai trái nhưng các em vẫn mắc phải tùy theo mức độ nặng nhẹ, từ nói tục chửi bậy, đánh nhau, vứt rác bừa bãi... Song tôi thấy có một thực tế đáng buồn là các em học sinh chưa đủ tuổi mà bố mẹ cho các em đi xe máy, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, đèo ba bốn, hay như bố mẹ tụ tập đánh bài ăn tiền ngay trong nhà, trước mắt các con thì sao cấm được các em? Hoặc nữa là khi ra ngoài xã hội, nghe đài, đọc báo, xem ti vi... cái xấu vô thức ngấm vào các em. Em nào có bản lĩnh, được sống trong môi trường tốt, được nhắc nhở uốn nắn kịp thời thì ắt sẽ ngoan. Vậy nên nếu để khắc phục tình trạng này thì không chỉ nhà trường và thầy cô mà phải có sự quan tâm của gia đình, xã hội”.
Rèn đạo đức cho con, cha mẹ trước hết phải là tấm gương |
Bạn Trần Thị Lan cũng cho rằng, tất cả mặt trái cơ chế thị trường tác động đến đạo đức, nhân cách của tất cả con người trong xã hội, dù người đó là ai, trẻ em lại là lứa tuổi dễ bị ảnh hưởng nhất. “Vì vậy, đừng đổ lỗi cho giáo dục mà phải nhanh chóng ngăn chặn những mặt trái đó, thiết lập lại hệ thống luật pháp, kỷ cương phép nước, đảm bảo mọi công dân cả nước sống bình đẳng, chan hòa, nhân ái, đoàn kết và tuân thủ luật pháp. Như vậy, chắc chắn sẽ có một xã hội tốt đẹp trong tương lai của trẻ em. Lãnh đạo hãy là tấm gương cho nhân viên, thầy cô hãy là tấm gương cho học trò, bố mẹ hãy là tấm gương cho con, đó chính là các bài giảng đạo đức hay nhất cho các em”.
Bạn Trần Văn Tuy chia sẻ, “khi còn bé thơ, tôi được thầy cô dạy ra đường gặp người lớn phải vòng tay chào. Khi về nhà gặp người lớn phải chào hỏi, không được nói tục, chửi thề, phải yêu thương kính trọng con người, không được hiếp đáp trẻ nhỏ hơn mình… Những nội dung thầy, cô dạy đến nay tôi vẫn còn nhớ như in trong đầu. Lớp học sinh chúng tôi trưởng thành cả về nhân cách, đạo đức, nghề nghiêp. Ước gì con cháu bây giờ biết kính trọng, chăm sóc ông bà, cha, mẹ; kính trọng thầy, cô; cư xử hài hòa với bạn bè thì xã hội bớt đi những Lê Văn Luyện...”.
Gửi thư về VOV online, độc giả Vũ Thị Yên bày tỏ lo lắng giáo dục hiện nay chỉ quan tâm đến việc “dạy chữ” chứ chưa chú trọng đến việc dạy “làm người”. Trong guồng quay đó, con của bạn cũng được học rất nhiều về Văn, Toán cho bằng bạn bằng bè, để tham gia kỳ thi các cấp và có nhiều giải cấp huyện, nhưng việc rèn đạo đức lại chẳng được là bao.
Cũng như nhiều ông bố, mà mẹ, bạn Yên trăn trở “Con tôi ngoài việc học, đòi hỏi cá nhân, cháu gần như không biết yêu thương, quan tâm đến người khác. Tôi rất mong đổi mới giáo dục hãy chú trọng hơn về chữ đức”.
Là một phụ huynh học sinh, độc giả Nguyễn Thị Thúy Ngân bày tỏ, việc giáo dục đạo đức cho học sinh phải thường xuyên và liên tục, kết hợp cả gia đình và nhà trường. Muốn làm tốt việc này thì trước hết những người lớn trong gia đình phải làm tấm gương sáng. Đừng đòi hỏi ở các cháu nhiều khi mà người lớn chỉ nói lý thuyết mà không thực hành đạo đức tốt. “Tôi nghĩ không nên bàn nhiều việc nhà trường giáo dục các cháu ra sao, mà điều cơ bản là ở gia đình. Bởi các cháu đến trường, không cô giáo nào lại dạy các cháu hư cả”.
Học đạo đức là cả một quá trình rèn luyện, giáo dục
Cũng gửi gắm nhiều tâm sự về vấn đề “đạo đức học đường” hiện nay, cô giáo Đoàn Thị Kim chia sẻ: “Đội ngũ nhà giáo chúng tôi, dù là thế hệ nào cũng luôn luôn trăn trở việc giáo dục đạo đức cho học sinh. Tuy nhiên, chúng tôi đang phải gánh trên vai mình quá nhiều trách nhiệm. Đó là phải dạy cho các em một lượng kiến thức khổng lồ trong thời gian ngắn, áp lực thi cử khiến thầy và trò mệt nhoài để theo cho kịp, rất ít thời gian giáo dục đạo đức. Một bộ phận không nhỏ các gia đình quá mải mê lo kiếm tiền, phó thác toàn bộ việc giáo dục cho nhà trường, trong khi nhà trường cũng đang quá sức. Bài học mà thầy cô dạy khác quá xa với hiện thực, những điều các em làm theo chuẩn mực đạo đức có khi lại trở thành kẻ "khùng" trong mắt nhiều người khác. Các em học cái xấu rất nhanh, nhưng học đạo đức là cả một quá trình rèn luyện. Trong khi đó, đài, báo, mạng xã hội, internet lại tràn ngập những hình ảnh phản cảm, những cảnh đâm chém, thanh trừ nhau... Thiết nghĩ, cần có sự vào cuộc của cả xã hội: ngành Giáo dục, gia đình, các đoàn thể và toàn xã hội”.
Học đạo đức là cả một quá trình rèn luyện, giáo dục |
Độc giả Trung Hiếu tâm sự, con của bạn đang học tại một trường công khá tốt nhưng gia đình đã chuyển cháu sang một trường dân lập, vì trường này dạy học sinh theo phương châm “dạy đạo làm người song song với dạy kiến thức". “Tôi thấy lựa chọn của mình là đúng. Hiện giờ con tôi đã học được điều hay từ ngôi trường này”, bạn Trung Hiếu chia sẻ.
Độc giả Trung Hiếu cũng cho rằng, tình trạng thi cử, kiểm tra quá nhiều, nào là kiểm tra miệng, 15 phút, một tiết, cuối học kỳ, đã gây áp lực nặng cho học sinh. Học sinh học như một cái máy, chỉ biết học thuộc lòng mà chẳng hiểu ý nghĩa của bài học. Những môn như Toán, Lý, Hóa nên thực hành nhiều, còn những môn như GDCD thì học xong 1 bài, hay một chương nên cho học sinh viết cảm nhận, không nên bắt các em học thuộc lòng. Vì thực tế có hiểu ý nghĩa thì mới áp dụng vào thực tiễn được.
Là người có mấy chục năm làm nghề “gõ đầu trẻ”, thầy giáo Nguyễn Văn Thắng cho rằng, muốn giáo dục con người toàn diện vừa có đức vừa có tài, thì chất lượng giáo dục phải tốt, mọi kết quả đánh giá về hạnh kiểm, học lực, đặc biệt bằng cấp phải phản ánh đúng với thực chất của thí sinh dự các kỳ thi tốt nghiệp. Chính vì vậy, muốn học sinh có chất lượng tốt về hạnh kiểm, thì trước hết phải lập lại kỷ cương nghiêm túc trong lớp học, trong trường học, trong toàn ngành giáo dục và đặc biệt phải khẩn thiết lập lại kỷ cương nghiêm túc của các kỳ thi tốt nghiệp các cấp như những năm cuối của thế kỷ 20 (hay năm 2006-2007). Theo thầy Thắng “tính nghiêm túc và khắt khe của các kỳ thi tốt nghiệp này là khâu đột phá để mọi biện pháp giáo dục đạo đức có hiệu quả, bằng không mọi biện pháp giáo dục đạo đức chỉ là hình thức”.
Không phải ngẫu nhiên mà lại có nhiều bậc phụ huynh, cô giáo, thầy giáo và cả xã hội quan tâm đến vấn đề “đạo đức học đường” đến như vậy, khi mà tình hình tội phạm chưa thành niên từ (đủ 16 đến dưới 18 tuổi) có chiều hướng gia tăng và chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 60%.
Và ngay trong thực tế từng gia đình, nhiều người cũng tự cảm nhận được con cái chúng ta đang thiếu nhiều đức tính cần thiết để hình thành nhân cách con người, nhiều cháu chỉ biết học và có những đòi hỏi, yêu sách cho bản thân mà ít quan tâm đến người thân và những người xung quanh. Còn bạn, bạn quan tâm như thế nào đến vấn đề này?
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu và phát triển giáo dục Việt Nam, hiện nay, tỷ lệ học sinh tiểu học nói dối cha mẹ là 22%, THCS là 50% còn THPT là 64%. Sự dối trá, không trung thực của trẻ nếu kéo dài thì có thể dẫn đến những hành vi không tốt như: trộm cắp, có những hành vi bạo lực vi phạm pháp luật ở tuổi vị thành niên.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an, trong năm 2012, tình hình tội phạm do người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi thực hiện có chiều hướng gia tăng và chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 60%.
Hành vi phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chiếm khoảng 32% và dưới 14 tuổi chiếm khoảng 8% trong tổng số các vụ phạm tội do người chưa thành niên và trẻ em thực hiện.