Chàng sinh viên Hà Nhì vượt khó tốt nghiệp loại giỏi
VOV.VN - Hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha, chàng sinh viên Hà Nhì vượt lên hoàn cảnh tốt nghiệp loại giỏi.
Tìm đến Ký túc xá trường Đại học Văn hóa Hà Nội, chúng tôi gặp được Sờ Có Suy, sinh viên khoa Văn hóa dân tộc thiểu số, nhân vật đang được cả trường săn đón, là một trong 12 sinh viên xuất sắc tốt nghiệp loại giỏi vượt tiến độ 1 kỳ.
Suy đón tiếp chúng tôi bằng nụ cười tươi rói, thân thiện. Khi được hỏi về hoàn cảnh Suy tâm sự: Mình là người dân tộc Hà Nhì, xã Y Tý huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Gia đình Suy là một hộ nghèo của xã, nhà có 3 anh em, 2 anh trai của Suy đều đã lập gia đình, Suy sống cùng với bố mẹ.
Sờ Có Suy trong trang phục truyền thống người Hà Nhì. |
Cái bất hạnh, bệnh tật, cứ chồng chất lên cái nghèo. Ngay từ khi anh trai còn nhỏ, bố mẹ Suy đã phải cho 1 người họ hàng nuôi vì quá nghèo, sau này sinh thêm Suy gia đình càng khó khăn hơn. Suy kể tiếp: “Nhà em nghèo lắm, có khi cả tháng cũng chả bao giờ được miếng thịt, cả năm chỉ chờ đến Tết mới được ăn thịt lợn, còn ngày thường chỉ lên rừng hái rau, hoặc nhà trồng được thì ăn, nhà em cũng nuôi thêm gà, nhưng đều bán hết, lúc trước còn ở nhà em cũng chả nhớ nổi hương vị thịt thế nào nữa”.
Suy là con út trong nhà nhưng lại học khá nhất trong ba anh em, lúc trước Suy ước mơ trở thành thầy giáo để dạy cái chữ cho trẻ trong bản, nhưng trớ trêu thay khi Suy học lớp 12, cũng là lúc bố bị tai biến, nằm liệt giường. Chị dâu Suy lại bị bệnh thận, sức khỏe yếu, không thể lao động, ước mơ đi học trở thành thầy giáo của cậu học sinh Hà Nhì cứ ngày một xa dần.
Khó khăn không thắng nổi nghị lực
Dù khó khăn nhưng Suy vẫn quyết tâm đi học bởi nếu không có cái chữ sẽ chẳng bao giờ thay đổi cuộc đời được.
Quyết tâm lên Hà Nội theo học, ban đầu Suy gặp không ít khó khăn. Suy chia sẻ: “Ban đầu mình cảm thấy khá lạ lẫm với môi trường mới,bạn bè mới, lại xa nhà, nhiều lúc nhớ nhà lắm nhưng chả biết làm thế nào, một năm mới về nhà vào dịp tết và nghỉ hè”.
Với Suy khó khăn lớn nhất khi học đại học không chỉ là môi trường mới mà quan trọng hơn là vấn đề kinh tế. Sống trong ký túc, mỗi ngày Suy chỉ có 10.000 đồng để ăn 2 bữa trưa và tối. Thương mẹ, cậu sinh viên nghèo gạt bỏ những lạ lẫm, tìm việc làm kiếm thêm thu nhập đỡ đần mẹ.
Ngay từ kỳ 2 năm nhất, Suy đã đi làm bồi bàn trong một quán ăn gần trường, tiếp đó là công việc trong một cửa hàng ăn nhỏ. Ngày nào Suy cũng dậy từ 5 giờ sáng để ra dọn hàng, 7 giờ quay lại trường để đi học. “Những buổi sáng dậy sớm, rồi cứ thế đi học, có khi chỉ uống cốc nước rồi chạy lên lớp luôn cho kịp giờ, tối đến 10h mới tan làm”, Suy chia sẻ.
Đến năm thứ 3 do được một người giúp đỡ, Suy nhận việc trông xe thuê trong trường, công việc nhàn hơn, cũng có nhiều thời gian hơn để học.
Ít thời gian, Suy thường thức đêm để học, vào những kỳ thi có khi phải trắng đêm.
Khi được hỏi động lực nào giúp Sờ Có Suy học tốt, cậu sinh viên nghèo chia sẻ: “Những lúc muốn từ bỏ chỉ cần nghĩ đến mẹ và các anh, các cháu ở nhà nheo nhóc là em lại không thể ngủ nữa”.
Học tập mệt mỏi, công việc làm thêm bận rộn, tuy vậy Suy vẫn tích cực tham gia các hoạt động phong trào của trường, khoa. Khi mới là sinh viên năm 2, Suy đã được ban chủ nhiệm khoa giao nhiệm vụ Chủ nhiệm CLB sinh viên tình nguyện khoa Văn hóa dân tộc thiểu số. Ngoài ra Suy còn là phó chủ nhiệm CLB Sinh viên vận động hiến máu tình nguyện của trường.
Suốt 4 năm đại học Suy đều đạt học lực giỏi và đạt được nhiều thành tích khác.Tuy vậy, khi nói chuyện với Suy tôi vẫn cảm nhận được sự khiêm tốn, giản dị chân chất của chàng trai Hà Nhì: “ Em chỉ cố hết sức thôi ạ, chứ trường em có nhiều bạn học giỏi lắm”- Suy cười.
Khi được hỏi về công việc mong muốn trong tương lai, Suy chia sẻ: “Em muốn có được một công việc ổn định để nuôi gia đình, nhưng hiện tại em muốn trở về quê. Huyện Bát Xát quê em có khí hậu mát mẻ chả khác gì mấy so với Sapa. Em muốn về quê hương để phát triển du lịch cộng đồng. Ngoài ra em cũng muốn được trở thành 1 cán bộ đoàn, đẩy mạnh các hoạt động phong trào ở địa phương mà trước giờ toàn bị bỏ quên sau hũ gạo”
Ở Sờ Có Suy - sinh viên người dân tộc Hà Nhì, ở xã Y Tí, huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) tôi cảm nhận thấy một sức sống, một bản năng sống kì diệu của người vùng cao khắc nghiệt. Một sự lạc quan, bình thản trước mọi biến cố, một ý trí vươn lên không ngừng. Cách em nói chuyện cũng rất nhẹ nhàng, lễ phép, chân thật của người dân tộc. Nụ cười tươi rói, toát lên niềm vui sống, ko thấy nét buồn trong ánh mắt. Tôi đã lặng ngắm khuôn mặt của em và thầm khâm phục. Cả khoá 53, khoá Tín chỉ đầu tiên có hơn 1000 sinh viên, chỉ có 12 sinh viên tốt nghiệp vượt tiến độ, tức là chưa đến 1 %. Còn bao nhiêu sinh viên khác có điều kiện hơn nhiều đã không làm được như Sờ Có Suy!"- PGS.TS Nguyễn Văn Cương - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa cho biết.
|