Chất lượng đại học, dạy nghề sẽ được đánh giá theo khung
VOV.VN - Khung chương trình đào tạo là sơ sở để chuẩn hóa chất lượng đào tạo ở bậc học đại học, dạy nghề.
Sáng nay (24/2), Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng cục dạy nghề, Hội đồng Anh phối hợp tổ chức Tọa đàm “Chính sách Phát triển và Thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam”.
Khung trình độ quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 10 năm 2016 bao gồm 8 bậc: Sơ cấp (ba bậc), Trung cấp, Cao đẳng, Đại học, Thạc sỹ và Tiến sỹ. Mỗi bậc học có yêu cầu về khối lượng học tập tối thiểu và miêu tả khái quát về kiến thức và kỹ năng cần đạt được. Việc phê duyệt khung trình độ quốc gia là bước quan trọng để tham chiếu bằng cấp của Việt Nam với các quốc gia ASEAN thông qua khung tham chiếu trình độ (AQRF), tăng cường hội nhập trong lĩnh vực nhân lực chất lượng cao.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga phát biểu tại buổi tọa đàm. |
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD& ĐT Bùi Văn Ga cho biết, khung trình độ Quốc gia Việt Nam là cơ sở để phát triển các tiêu chuẩn đào tạo, phát triển chương trình và là thước đo đánh giá năng lực của người học sau khi tốt nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.
Bà Cherry Gough, Giám đốc Hội đồng Anh đã khẳng định bốn trọng tâm thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam bao gồm tăng cường sự tham gia của nhà tuyển dụng, hài hòa giáo dục dạy nghề và giáo dục đại học, khung tham chiếu trình độ ASEAN, quản lý và đảm bảo chất lượng.
Chia sẻ về kinh nghiệm của nước Anh trong việc áp dụng khung trình độ chung, ông Stirling Wood, Chuyên gia về khung trình độ quốc gia đã giới thiệu về cách nước Anh bảo đảm sự thống nhất trong việc áp dụng khung trình độ này. Việc thực hiện Khung trình độ quốc gia ở cấp dạy nghề trải qua ba giai đoạn.
Trong giai đoạn đầu tiên, sau khi Khung trình độ quốc gia được thông qua về mặt chính sách, các cơ quan kiểm soát và kiểm định sẽ lập ra các tiêu chí kiểm định để các tổ chức cấp bằng hiểu và nắm vững.
Trong giai đoạn hai, các tổ chức cấp bằng phối hợp cùng các trường và đơn vị đào tạo, tổ chức ngành nghề và các doanh nghiệp phát triển bộ chuẩn đầu ra cho từng ngành nghề và bằng cấp tương ứng. Chuẩn đầu ra này được trình lên các tổ chức kiểm định phê duyệt và công nhận.
Trong giai đoạn ba, các cơ quan kiểm định sẽ liên tục thanh tra chất lượng để đảm bảo các tổ chức cấp bằng hoạt động hiệu quả nhất. Trong quá trình thanh tra, các cơ quan kiểm định sẽ phải điều chỉnh chuẩn đầu ra để đảm bảo chuẩn này vận hành theo yêu cầu thực tế. Chuẩn đầu ra sau khi được điều chỉnh và cập nhật sẽ được cơ quan kiểm định thông qua trước khi đưa vào thực hiện.
Để đảm bảo hiệu quả, chuẩn đầu ra được chia nhỏ theo từng tiêu chuẩn kỹ năng cụ thể. Điều này giúp cho tất cả các bên liên quan nắm rõ chuẩn đầu ra cũng như tiêu chí đánh giá, tránh tình trạng lúng túng, mơ hồ khi thực hiện.
Theo chuyên gia Stirling Wood, với hệ thống chuẩn đầu ra tương ứng với khung trình độ như vậy, nhân lực của một quốc gia sẽ có lợi thế cạnh tranh rất lớn khi ứng tuyển quốc tế.
Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2017 cần lưu ý gì?
Trao đổi về vấn đề này, nhiều đại biểu đến từ các hiệp hội nghề nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động tỏ ra hết sức ủng hộ Khung trình độ quốc gia trong đào tạo. TS Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch – Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết: Thực tế những năm qua có nhiều cơ sở đào tạo nhân lực nhưng chất lượng không như mong muốn. Trong khi trình độ của sinh viên được trường đánh giá khá cao, nhưng khi về đến doanh nghiệp, chất lượng lại không được như vậy, rất nhiều nơi phải đào tạo lại từ đầu. Nhu cầu sử dụng lao động trình độ cử nhân, kỹ sư của các đơn vị tuyển dụng là rất lớn, nhưng hiện nay mới chỉ đáp ứng được một phần. Ông Cẩm kỳ vọng khung trình độ quốc gia sẽ giúp các đơn vị đào tạo cung cấp nhân lực đạt chuẩn, phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động, có tính cạnh tranh./.