Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có nhiều điểm mới cần lưu ý
VOV.VN - Chương trình giáo dục phổ tổng thể có điểm mới là ngay từ lớp 10, học sinh sẽ được định hướng nghề nghiệp.
Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã hoàn thành và dự kiến cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 sẽ công bố rộng rãi để lấy ý kiến dư luận trước khi ban hành chính thức vào tháng 9/2017.
Bên lề cuộc họp báo chiều 24/3, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên của Chương trình giáo dục phổ thông cho biết, chương trình có điểm mới là phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh (đặc biệt là ở cấp THPT). Ngay từ lớp 10, học sinh sẽ được định hướng nghề nghiệp.
PV: Xin ông cho biết vài nét về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể?
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nhằm cụ thể hóa mục tiêu giáo dục phổ thông, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất, năng lực đáp ứng nhu cầu hoàn thiện nhân cách của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới.
Theo đó, chương trình giáo dục tiểu học giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản, đặt nền móng cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực; định hướng chính vào giáo dục về giá trị gia đình, quê hương, cộng đồng và những thói quen, nề nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt.
Chương trình giáo dục THCS giúp học sinh phát triển các phẩm chất, năng lực đã hình thành và phát triển ở cấp tiểu học; tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội; hình thành phương pháp học tập, hoàn chỉnh tri thức và kỹ năng nền tảng để tiếp tục học lên trung học phổ thông, học nghề hoặc bước vào cuộc sống lao động.
Chương trình giáo dục THPT giúp học sinh tiếp tục phát triển những phẩm chất, năng lực của người lao động, nhân cách công dân, ý thức về quyền và nghĩa vụ đối với Tổ quốc; khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời; khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc bước vào cuộc sống lao động; khả năng thích ứng với những đổi thay trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới.
Đồng thời, chương trình giáo dục phổ thông hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu bao gồm: Nhân ái, khoan dung; chuyên cần, tiết kiệm; trách nhiệm, kỷ luật; trung thực, dũng cảm. Đồng thời hình thành và phát triển cho học sinh những năng lực cốt lõi: năng lực tự chủ, năng lực hợp tác, năng lực sáng tạo; năng lực giao tiếp, năng lực tính toán, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết |
Tự chọn 5 môn phù hợp định hướng nghề nghiệp từ năm lớp 11
PV: Chương trình giáo dục phổ thông sẽ được cụ thể hóa như thế nào ở các cấp học để đạt những mục tiêu trên, thưa ông?
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông, các môn học bắt buộc ở cấp tiểu học gồm: Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Kỹ thuật và Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số.
Ở cấp THCS, các môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Tin học, Công nghệ và Hướng nghiệp, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn là Ngoại ngữ 2.
Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, lớp 10 bao gồm các môn học bắt buộc là: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Thiết kế và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn: Ngoại ngữ 2.
Lớp 11 và lớp 12, các môn học chung (bắt buộc) bao gồm: Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Các môn học định hướng nghề nghiệp (tự chọn bắt buộc): Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học máy tính, Tin học ứng dụng, Thiết kế và Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc. Học sinh tự chọn tối thiểu 5 môn học trong các môn nói trên phù hợp với nguyện vọng của bản thân và điều kiện tổ chức của nhà trường.
Ngoài ra, dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cũng đề cập tới định hướng xây dựng các chương trình môn học; phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập; điều kiện thực hiện chương trình phổ thông và phát triển chương trình giáo dục phổ thông.
Khó khăn nhất là cơ sở vật chất
PV: Để thực hiện chương trình thành công, chúng ta cần những điều kiện đi kèm gì và phải đối mặt với những khó khăn nào, thưa ông?
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Điều kiện đi kèm chủ yếu là giáo viên, cơ sở vật chất. Về giáo viên, hiện nay các trường sư phạm đã đào tạo đội ngũ giáo viên phù hợp với chương trình mới. Chúng tôi cũng phải viết tài liệu bồi dưỡng giáo viên; đồng thời sẽ có website hỗ trợ giáo viên bổ sung kiến thức. Trang thiết bị thì phải chờ chương trình hoàn thành mới đi vào sản xuất. Còn về điều kiện cơ sở vật chất trường học, theo tôi, trách nhiệm chính từ địa phương, cơ quan chức năng.
Khó khăn nhất khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là cơ sở vật chất trường học.
Thực tế, các chuyên gia quốc tế có nói rằng, các trường học ở Việt Nam hiện nay thời gian học quá ít, ở nước ngoài hầu như họ đều học 2 buổi/ngày, trong khi chúng ta chỉ học 1 buổi/ngày thì sao mà không quá tải. Ngay ở trung tâm Hà Nội, nhiều khối phải học luân phiên. Đó là điều cần khắc phục, nếu không thì chương trình thực sự khó thành công.
PV: Theo báo cáo của Bộ GD – ĐT, chương trình giáo dục tổng thể sẽ được áp dụng từ năm học 2018 - 2019, nhưng đến nay chương trình vẫn chưa được thông qua. Liệu mốc thời gian đó có khả thi không, thưa ông?
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Chúng tôi xin khẳng định có thể thực hiện được. Chúng tôi đang phấn đấu để đến tháng 9/2017, chương trình có thể được phê duyệt. Lúc đó, bộ sách giáo khoa mà Quốc hội giao cho Bộ GD-ĐT đứng ra tổ chức biên soạn làm nòng cốt chắc chắn sẽ kịp, nhưng chúng ta cần phải tạo điều kiện cho các bên liên quan có thời gian chuẩn bị. Thực tế, điều đáng lo ngại nhất của chúng tôi hiện nay là cơ sở vật chất chưa đáp ứng được chương trình mới. Do đó, chúng tôi mong rằng, Chính phủ tạo điều kiện hỗ trợ về cơ sở vật chất để đội ngũ giáo viên có thể triển khai tốt chương trình.
PV: Nếu áp dụng từ năm học 2018 - 2019 thì chương trình sẽ được triển khai theo hình thức nào, thưa ông?
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Chương trình sẽ được áp dụng theo hình thức cuốn chiếu. Giống như xây dựng một ngôi nhà 12 tầng, chúng ta không thể làm một lúc 12 tầng mà chỉ có thể xây dựng cái khung, đó là chương trình và phải đi từ tầng 1. Chương trình sẽ bắt đầu từ các lớp đầu cấp, có thể là lớp 1, lớp 6, lớp 10 hoặc từ lớp 6, lớp 10. Chúng ta không thể làm theo hình thức khác được.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Sắp lấy ý kiến xã hội về Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể
Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2017: Thí sinh tăng, chỉ tiêu giảm