Có đầy đủ cơ sở pháp lý để học viên học Bác sĩ nội trú được cấp đủ 3 bằng?
VOV.VN - Theo quan điểm của luật sư Trương Thanh Hòa, Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT đã có những quy định cụ thể về việc cấp bằng Chuyên khoa 1 và bằng Thạc sĩ cho các học viên học bác sĩ nội trú tại ĐH Y Hà Nội giai đoạn từ năm 2007-2017.
Liên quan đến việc hơn 100 bác sĩ từng học chương trình đào tạo Bác sĩ nội trú tại ĐH Y Hà Nội “kêu cứu” vì chỉ được nhận duy nhất bằng Bác sĩ nội trú thay vì nhận đủ 3 bằng gồm bằng Chuyên khoa 1, bằng Thạc sĩ, bằng Bác sĩ nội trú sau khi hoàn thành chương trình đào tạo Bác sĩ nội trú của ĐH Y Hà Nội theo luật định, phóng viên VOV.VN đã trao đổi với luật sư Trương Thanh Hòa, Văn phòng Luật sư Kết nối, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội để làm rõ một số nội dung liên quan.
Dựa theo đơn thư kêu cứu của các học viên và nội dung ĐH Y Hà Nội đã trả lời trên báo chí, Luật sư Trương Thanh Hòa cho rằng, việc các học viên từng học Bác sĩ nội trú tại ĐH Y Hà Nội kêu cứu vì không được cấp đủ bằng là có cơ sở pháp lý. Theo đó, Khoản 2 Điều 16 tại Quyết định 19/2006/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành quy chế đào tạo bác sĩ nội trú nêu rõ: “Công nhận tốt nghiệp: 2. Học viên tốt nghiệp được cấp bằng Bác sĩ nội trú, bằng Chuyên khoa cấp I và được đề nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp bằng Thạc sĩ”.
Trong thông tư liên tịch số 30/2003/TTLT/BGD&ĐT-BYT của Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế tại Điều 3 Mục III nêu rõ: “Người trúng tuyển hệ đào tạo Bác sĩ nội trú bệnh viện sẽ được công nhận là học viên cao học. Bác sĩ được đào tạo theo chương trình nội trú bệnh viện sẽ học bổ sung các môn còn thiếu trong chương trình đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành tương ứng theo quy chế đào tạo sau đại học hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khi tốt nghiệp bác sĩ nội trú bệnh viện, học viên sẽ được cấp bằng Thạc sĩ y học”.
Trước đó, khi trao đổi với VOV.VN, đại diện ĐH Y Hà Nội cho biết, sở dĩ trường không cấp bằng Chuyên khoa 1 cho các bác sĩ nội trú sau khi hoàn thành chương trình đào tạo bác sĩ nội trú do năm 2003, Bộ Y tế đã có văn bản quy định về việc cấp bằng nhưng không nói đến việc sẽ cấp bằng Chuyên khoa 1 cho học viên đã hoàn thành chương trình đào tạo Bác sĩ nội trú. Đến năm 2006, Bộ Y tế tiếp tục ban hành quyết định về quy chế đào tạo Bác sĩ nội trú, trong đó, cho phép cấp thêm bằng Chuyên khoa 1. Song ĐH Y Hà Nội cho rằng, các văn bản sau này của Bộ Y tế không có câu nào phủ định quy định năm 2003, nên trường vẫn áp dụng theo quy định này.
Về vấn đề này, theo luật sư Trương Thanh Hòa, quan điểm này chưa chính xác. “Thứ nhất, theo quy định tại khoản 3 điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 có nêu: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”. Thứ 2 ngay tại Điều 2 của QĐ 19/2006/QĐ-BYT đã nêu rõ : “Điều 2 Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo. Bãi bỏ Quyết định số 1635/2001/QĐ-BYT ngày 25/5/2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quy chế đào tạo bác sĩ nội trú bệnh viện. Những quy định trước đây trái với Quyết định này đều bị bãi bỏ.
Như vậy, Bộ Y tế đã có văn bản quy định và hướng dẫn rất cụ thể về trường hợp công nhận tốt nghiệp đối với học viên tốt nghiệp bác sĩ nội trú thì được cấp loại bằng nào, đó là 2 tấm bằng bác sĩ nội trú và bằng chuyên khoa cấp 1”, luật sư Hòa nói.
Về quan điểm của ĐH Y Hà Nội cho rằng, học viên học một chương trình nên chỉ được cấp 1 bằng duy nhất theo đúng Luật Giáo dục. Luật sư Hòa nhận định, trong vấn đề cấp bằng, nhà trường tuân thủ Luật Giáo dục là điều đương nhiên, tuy nhiên, trong Luật Giáo dục khi nói về Văn bằng chứng chỉ trong hệ thống giáo dục quốc dân, không đề cập học 1 chương trình chỉ được cấp 1 bằng.
Luật sư Hoà nêu cụ thể: Điều 12 Nghị định 75/2006/NĐ-CP hướng dẫn điều 8 Luật giáo dục 2005: “Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp một cấp học hoặc một trình độ đào tạo, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học sau khi được hoàn thành một khóa hoặc một chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao học vấn nghề nghiệp”. (Điều 12 NĐ 75/2006/NĐ-CP). Tại Khoản 6 Điều 43 Luật Giáo dục 2005 cũng nêu: “Thủ tướng Chính phủ quy định bằng tốt nghiệp tương đương trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ của một số ngành chuyên môn đặc biệt” và khi có Luật sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục 2005 được ban hành năm 2009 thì hướng dẫn Khoản 6 Điều 43 như sau: “6. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định văn bằng công nhận trình độ kỹ năng thực hành, ứng dụng cho những người được đào tạo chuyên sâu sau khi tốt nghiệp đại học ở một số ngành chuyên môn đặc biệt”.
Luật sư Hòa cho rằng, với những quy định và hướng dẫn trên của Luật Giáo dục thì bằng bác sĩ nội trú, bằng chuyên khoa I là một dạng văn bằng đặc biệt của ngành chuyên môn đặc thù sau đại học trong lĩnh vực y tế.
Ngoài ra, trong bảng điểm của bác sĩ nội trú các khóa từ năm 2007-2017 cũng nêu rõ “Chương trình trên đã bao gồm chương trình đào tạo cao học”.
Luật sư này cũng nói thêm rằng, khi Thông tư của 2 Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế đã ghi rõ về việc công nhận người trúng tuyển hệ đào tạo Bác sĩ nội trú thì được công nhận là học viên cao học như vậy các bác sĩ nội trú cũng chính là các đối tượng có chỉ tiêu đầu vào Cao học, Đại học Y Hà Nội tuyển sinh bao nhiêu chỉ tiêu cho hệ đào tạo Bác sĩ nội trú thì cũng sẽ phải xin Bộ GD-ĐT dành từng ấy chỉ tiêu cao học cho nhóm này.
Từ những căn cứ trên, cùng các văn bản pháp lý có hiệu lực từ năm 2007-2017, luật sư Trương Thanh Hòa cho rằng, Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT đã có những hướng dẫn cụ thể về việc công nhận và cấp bằng cho học viên hoàn thành chương trình đào tạo bác sĩ nội trú.
“Vấn đề là từ phía trường Đại học Y Hà Nội đã có những cách hiểu và vận dụng sai quy định của pháp luật dẫn đến sự thiệt thòi cho các bác sĩ nội trú, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ”, Luật sư Trương Thanh Hòa nói./.