Đại học Kinh doanh & Công nghệ mở ngành Y, dược: Mỗi nơi nói một kiểu
VOV.VN- ĐH Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội là trường được Bộ GD-ĐT cho phép mở ngành và là trường đầu tiên được Bộ Y tế cùng tham gia thẩm định.
Những ngày gần đây, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm việc Bộ GD-ĐT có quyết định cho phép trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành đào tạo Y đa khoa và Dược học trình độ đại học hệ chính quy.
Trong khi cuối năm 2014, cũng chính Bộ GD-ĐT đã có công văn tạm dừng mở một số ngành liên quan đến lĩnh vực y, dược trình độ đại học, cao đẳng ở các trường đa ngành để hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo ngành học đặc thù này.
Theo lý giải của Bộ GD-ĐT, việc cho phép Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành đào tạo y, dược là dựa trên kết luận của Đoàn thẩm định liên Bộ, gồm Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế vào tháng 10 năm nay. Quyết định này không mâu thuẫn với công văn của Bộ về việc tạm dừng mở mới một số ngành liên quan đến lĩnh vực y, dược vì trường đã đăng ký mở ngành từ năm 2012, thời điểm trước khi công văn của Bộ GD-ĐT được ban hành.
Ông Trần Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội và các Phó Hiệu trưởng, Trưởng Bộ môn Y, dược tại buổi gặp mặt báo chí sáng 28/11 |
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, đây không phải là trường đại học đa ngành đầu tiên được tham gia đào tạo trong lĩnh vực y dược.
Hiện nay, cả nước có 22 trường, cả đa ngành và chuyên ngành, tham gia đào tạo lĩnh vực y dược. Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là trường ngoài công lập thứ 5 được Bộ GD-ĐT cho phép mở ngành và là trường đầu tiên được Bộ Y tế cùng tham gia thẩm định.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng nói: “Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ đã chuẩn bị 2 điều kiện cơ bản nhất. Đó là đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất theo yêu cầu của ngành. Thậm chí, hai Bộ còn yêu cầu phải có điều kiện cao hơn mức mở ngành đối với những ngành bình thường thì trường cũng đã đáp ứng được. Đội ngũ của họ hiện nay cũng đã có 6 trưởng bộ môn là tiến sỹ, giáo sư, phó giáo sư của các ngành nội, ngoại sản nhi... và nếu tính theo trình độ thì danh sách giảng viên của trường là 33 tiến sỹ, giáo sư, phó giáo sư”.
Trong khi đó, phía Bộ Y tế, đơn vị cùng tham gia thẩm định mở ngành y dược của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, công văn số 8860, ngày 17/11/2015 của Bộ Y tế chỉ ủng hộ trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành nhưng là sau khi hoàn thiện các điều kiện đã được hội đồng thẩm định góp ý. Cụ thể, trường cần bổ sung, hoàn thiện và làm rõ một số vấn đề liên quan đến các nội dung yêu cầu về chuyên môn như: số lượng giảng viên cơ hữu chuyên ngành (tức là số giáo viên làm việc 100% thời gian cho trường), cơ sở thực tập tại trường, cơ sở thực hành ngoài trường và sự tham gia của các giảng viên cơ hữu chuyên ngành tại các cơ sở thực hành ngoài trường.
Tuy nhiên, trong khi Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chưa đáp ứng đủ những yêu cầu đó thì chỉ 2 ngày sau, ngày 19/11/2015, Bộ GD-ĐT đã có quyết định cho phép Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành đào tạo y, dược.
Ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết: “Tại thời điểm thẩm định, những điều kiện của nhà trường mặc dù đã có nỗ lực rất lớn nhưng so với tiêu chí tối thiểu thì chưa đủ. Ví dụ như đối với đội ngũ giảng viên chẳng hạn. Chúng tôi yêu cầu tối thiểu là 50 giảng viên cơ hữu nhưng họ đưa ra danh sách là 47 người, trong đó 30 người không biết chắc chắn có tham gia hay không thì chúng tôi đề nghị phải làm rõ. Như vậy là về mặt lý thuyết, tại thời điểm đó là chưa đủ tiêu chí tối thiểu mà Bộ Y tế đưa ra. Chính vì thế hội đồng thẩm định mới kiến nghị là phải hoàn thiện mới được cho phép đào tạo. Chúng tôi hiện nay cũng chưa nhận được thông tin phản hồi từ phía nhà trường hay là từ phía Bộ GD-ĐT là việc hoàn thiện hồ sơ như thế nào”.
Tại buổi gặp mặt báo chí sáng 28/11, ông Trần Phương, Hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thừa nhận, trường chưa chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất và giảng viên theo yêu cầu của Bộ Y tế. Tuy nhiên, số giảng viên cơ hữu và cơ sở vật chất còn thiếu do chưa cần thiết trong những năm đầu đào tạo chứ không phải do trường chưa đủ điều kiện đảm bảo chất lượng để mở ngành.
Ông Trần Phương nói: “Chúng tôi đã thỏa thuận với 47 vị là giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ chuyên khoa 2, chuyên khoa 1, thạc sỹ. Khi thẩm định, có đồng chí nói rằng, Bộ Y tế yêu cầu những 50 người, chúng tôi nói đúng là chưa đủ. Nhưng để dùng được 50 người này thì trong 6 năm mới dùng. Chúng tôi chuẩn bị được vài chục người để giảng dạy trong 2 năm trước mắt thôi, còn dần dần chúng tôi sẽ mời tiếp. Chúng tôi đã mời được 47 vị rồi thì còn 3 vị nữa khó gì mà không mời được. Về cơ sở vật chất, bây giờ chúng tôi mua đủ hết các thiết bị, mà 5-6 năm nữa mới dùng thì đến khi dùng nó hỏng hết. Cho nên chúng tôi mua cho 2 năm đầu đã, từ năm thứ ba trở đi chúng tôi sẽ mua dần. Chúng tôi đã ký hợp đồng với các công ty cung cấp thiết bị y tế rồi, khi nào chúng tôi cần là họ đưa ngay”.
Chính kiểu làm “vừa chạy, vừa đuổi” như thế nên đã vấp phải sự phản ứng của dư luận xã hội. Nhiều người băn khoăn, do đây là ngành đào tạo đặc thù, liên quan trực tiếp đến sức khỏe của con người nên không thể vội vã. Lâu nay những quy định về mở ngành đào tạo, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên tại các trường đào tạo y dược đều có yêu cầu khắt khe và cao hơn so với những ngành đào tạo khác, mặt bằng tuyển sinh cũng cao hơn rất nhiều. Đó là chưa kể, thời gian qua, một số trường đại học đa ngành trong và ngoài công lập liên tiếp mở mã ngành đào tạo y dược, mà không đủ năng lực đào tạo đã buộc Bộ Y tế phải lên tiếng, có công văn đề nghị Bộ GD-ĐT phải dừng.
Lãnh đạo các trường đại học thuộc khối y, dược cũng khẳng định, đây là ngành đào tạo đặc thù nên cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng trước khi cho phép các trường đa ngành không chuyên về y dược mở ngành đào tạo.
Bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết: “Trường Y đòi hỏi phải gắn liền vừa lý thuyết vừa thực hành. Các trường đào tạo đa ngành có thể có các labo để giúp cho việc đào tạo y học cơ bản và y học cơ sở. Tuy nhiên, để tạo ra được bác sỹ giỏi thì bên cạnh đó phải có những mô hình bệnh viện tốt và phải có những người cán bộ giảng dạy chuyên môn cao trong lĩnh vực về lâm sàng. Đào tạo bác sỹ là đào tạo ra một con người để mang lại sức khỏe cho con người và cứu sống con người, cho nên việc đào tạo về y học chúng ta cũng hết sức thận trọng. “Đầu vào” chúng ta phải tuyển chọn được những sinh viên có năng lực tốt thì sinh viên sẽ học tốt và có “đầu ra” sẽ tốt”.
Có thể, dựa trên giấy tờ thì Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thống kê đủ số lượng giảng viên, trang thiết bị theo yêu cầu, nhưng với đặc thù đào tạo ngành Y dược, liên quan đến sức khỏe con người thì phải đảm bảo đủ đội ngũ giảng viên cơ hữu gắn với trường, chứ không chỉ là “đánh trống ghi tên”. Hơn hết, giảng viên phải là những bác sỹ giỏi trong ngành y dược, có kinh nghiệm thực hành lâm sàng, thí nghiệm thì mới có thể truyền dạy được kiến thức cho sinh viên.
Lâu nay, điểm tuyển “đầu vào” của các trường đào tạo y, dược đều thuộc top cao, từ 25 đến 26 điểm trở lên, trong khi Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội dự kiến nhận hồ sơ xét tuyển từ 20 điểm thì rõ ràng dư luận đặt vấn đề về sự chênh lệch chất lượng “đầu vào” đào tạo ngành y dược tại trường là có cơ sở. Một khi chất lượng “đầu vào” không đảm bảo tốt thì sẽ khó để đào tạo ra những bác sỹ giỏi phục vụ yêu cầu khám chữa bệnh, nâng cao sức khỏe cho người dân./.