Đáng ngại tình trạng “đói sách” ở trẻ em nông thôn, miền núi
VOV.VN - Văn hóa đọc không thể phát triển rộng lớn khi trẻ em nông thôn, miền núi vẫn còn "đói sách".
Đó là chia sẻ của ông Phạm Thế Khang, Nguyên giám đốc Thư viện quốc gia Việt Nam, Chủ tịch Hội thư viện Việt Nam tại hội thảo "Sách cho trẻ em nông thôn, miền núi" do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, thư viện tỉnh Thanh Hóa, Hội khuyến học tỉnh Thanh Hóa phối hợp tổ chức mới đây.
Ông Phạm Thế Khang lo ngại về tình trạng "đói sách" của trẻ em nông thôn, miền núi. |
Thực tế, ở thư viện các trường học nông thôn, miền núi chỉ có sách giáo khoa là chủ yếu, thậm chí sách giáo khoa cũng chưa đủ cho học sinh mượn. Đơn cử như tại thư viện huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá, sách giáo khoa không đủ, nhưng sách tài trợ của nhà xuất bản hàng năm gửi về vẫn còn nguyên do các em không đọc được vì sách dày, nội dung chưa hấp dẫn.
Theo ông Phạm Thế Khang: "Trẻ em nông thôn miền núi không đọc sách không phải vì lười mà có thể do từ bé đến giờ các em chưa đọc sách nên không biết trong đó có gì hấp dẫn, hoặc lần nào đó đọc cuốn sách không phù hợp nên các em chán và bỏ luôn từ đó; các em lớn hơn một chút đã từng được đọc nhưng đã 3,4 năm gần đây không còn sách nữa, nên có thể hứng thú đọc của các em đã không còn".
Ông Nguyễn Thế Khang cho rằng, hiện nay có đến hàng nghìn thư viện công cộng cấp huyện, cấp xã, trường học chưa được cải thiện, bổ sung ngân sách, đã làm ảnh hưởng lớn đến việc đưa sách về nông thôn, miền núi của ngành phát hành sách. Một nguyên nhân khác, khiến việc đọc sách của trẻ em nông thôn miền núi còn nhiều hạn chế do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, việc lo cho con ăn học còn chưa đủ, thì các phụ huynh chưa thể nghĩ đến việc mua sách cho con đọc.
Vì sao trẻ lười đọc sách?
"Sách không về tới nông thôn miền núi sẽ tạo nên một thế hệ không có cơ hội biết yêu thích việc đọc sách. Đã có không ít sinh viên thú nhận rằng "Từ bé đến nay em chưa hề đọc một cuốn sách nào ngoài sách giáo khoa. Vào trường đại học rồi, mới hiểu sách quý đến mức nào. Nhưng bây giờ thì ngại đọc quá, cứ cầm sách là buồn ngủ"...Vắng bóng sách ranh giới giữa thành thị và nông thôn, miền núi càng thêm xa cách. Đây là một điều thiệt thòi, không thể bù đắp cho những người dân nông thôn, miền núi", ông Phạm Thế Khang lo ngại.
Mang sách về với trẻ em miền núi
Nhận thức rõ những thiếu thốn về sách của trẻ em miền núi, nông thôn, những người con Thanh Hóa đã thành lập "Tủ sách Lam Sơn nhằm hỗ trợ để phát triển hệ thống thư viện sách theo mô hình "Tủ sách lớp học" đến với tất cả học sinh tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Khởi xướng từ tháng 10/2016, đến nay, Tủ Sách Lam Sơn đã trao tặng được hơn 400 tủ sách đến với các trường tiểu học thuộc ba huyện Tĩnh Gia, Hoằng Hóa và Đông Sơn với tổng trị giá gần 1 tỉ đồng. Điểm dừng chân tiếp theo sẽ là Mường Lát, một trong số những huyện miền núi nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, trẻ em rất ít khi được tiếp xúc với các đầu sách, có chăng cũng chỉ là sách giáo khoa.
TS. Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VH-TT-DL cho rằng: "Nhà trường không chỉ là nơi trao cho học sinh kiến thức sách giáo khoa. Thông qua những tủ sách như Tủ sách Lam Sơn, các trường có thể giúp học sinh tìm đến kiến thức khác, giúp hình thành văn hóa đọc, văn hóa tự học suốt đời, chính là cơ hội để trao chìa khóa mở ra kho tàng kiến thức của nhân loại"./.