Đạo đức thầy thuốc, thầy giáo đều xuống cấp?
VOV.VN - Y tế và giáo dục là hai nghề có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội. Những gì đang xảy ra ở hai ngành này khiến dư luận lo ngại.
Hàng năm, đến ngày 20/11, ngày Hiến chương các nhà giáo Việt Nam và Ngày 27/2, ngày Thầy thuốc Việt Nam, trên khắp các ngả phố, trường học, bệnh viện đều ngập tràn hoa. Điều này cho thấy, người thầy giáo và thầy thuốc được xã hội cần và nhớ đến mức nào.
Trong đời người, ai cũng phải đi học và cũng không ai dám nói rằng mình sẽ không bao giờ phải gặp bác sĩ. Chính vì thế, “nhất cử, nhất động” của ngành giáo và ngành y đều được xã hội quan tâm đặc biệt.
Tuổi thơ của nhiều người, trò chơi thích nhất là giả làm bác sĩ và cô/thầy giáo. Ước mơ trở thành thầy giáo, cô giáo, bác sĩ từ lúc còn bé đã giúp nhiều người trưởng thành, đạt được mong ước của mình.
Cũng là khi còn bé, đọc những câu chuyện cười dân gian, thường chỉ châm biếm thói tham lam, giấu dốt của một số ông thầy đồ. Còn những câu chuyện như thầy giáo lạm dụng học sinh, cô giáo lừa đào hàng trăm tỷ đồng của phụ huynh, bạn bè, thầy giáo dẫn vợ người khác vào nhà trọ, giáo viên cầm bài vào cho thí sinh chép (vụ Đồi Ngô – Bắc Giang năm 2012)… chỉ có được trên những phương tiện thông tin đại chúng hiện đại. Những hành động này khiến các nhà giáo tâm huyết lâu năm trong nghề đã phải thốt lên rằng “Họ làm cho ngành giáo dục bị xúc phạm, ảnh hưởng không nhỏ đến những truyền thống của nhà giáo Việt Nam”.
Nhìn lại ngành giáo dục, từ nhiều thế hệ nay, một số người chọn ngành sư phạm thường không phải do yêu nghề mà vì không biết chọn nghề nào khác do năng lực hoặc điều kiện kinh tế. Khi vào trường, sinh viên lại không được rèn luyện và không chú ý rèn luyện đầy đủ, từ lời ăn, tiếng nói đến lối hành xử xung quanh. Và khi ra trường, nhiều thầy cô có thể không đạt chuẩn mà vẫn được tốt nghiệp. Rồi đổ lỗi do cơ chế thị trường, nhiều thầy cô đã không giữ được chuẩn mực của ngành, đánh mất tư cách đạo đức của người thầy.
Kết thúc năm học lớp 2 của con gái (2012-2013) tại một trưởng tiểu học ở trung tâm thành phố Hà Nội, một phụ huynh trong lớp con tôi đã đứng dậy nghẹn ngào nói: “Năm học vừa rồi đã đi qua một cách nhẹ nhàng (2012-2013), chí ít là với con tôi. Tôi đã thở phào khi con mình không phải nghe những câu như “Đầu voi, óc chim sẻ” hoặc “Ăn mặc lôi thôi thế này thì chỉ đi bán cà chua thối”…”.
Thêm nữa, giữa thủ đô nhưng có không ít cô giáo tiểu học chữ viết quá xấu, không theo một chuẩn mực nào. Thiết nghĩ, đối với người thầy, đứng trước học sinh không phải chỉ là kiến thức chuyên môn mà còn là nhiều yếu tố khác như phong cách, trang phục, chữ viết…
Cái lỗi của người thầy sẽ làm hỏng một thế hệ, làm nghèo nàn đi tương lai của đất nước. Với một người thầy có tâm, có tầm, có đạo đức thì sẽ đào tạo được hàng ngàn học sinh, sinh viên tốt, có đạo đức, có nhân cách tốt.
Còn với những người thầy thuốc thì sao? Bác sĩ mắc lỗi trong nghề có thể gây chết người. Nhưng hãy khoan nói về trình độ chuyên môn, bởi trong y khoa các bác sĩ chỉ dám nói đến chuyện giảm tối đa các biến chứng dẫn đến chết người chứ không thể triệt tiêu được nó. Điều đáng bàn ở đây là đạo đức của đội ngũ các y bác sĩ, có một bộ phận đã xuống cấp nghiêm trọng.
Lại là một câu chuyện xảy ra ở thủ đô Hà Nội, bạn của tôi cũng là nhà báo, đưa cháu từ Bắc Giang đến một bệnh viện đầu ngành để mổ tim. Ngoài chuyện bồi dưỡng cho kíp mổ, bác sĩ mổ chính theo thông lệ của những người đi trước, bạn tôi còn bị vị bác sĩ mổ chính kia gạ gẫm chuyện tình cảm. Bức xúc vì chuyện này, cô bạn đó đã gọi điện thoại cho tôi để xả trong gần nửa giờ. Tôi có hỏi “Sao không lên gặp lãnh đạo Bệnh viện để báo cáo chuyện này” thì nhận được câu trả lời: Tôi có gặp rồi nhưng lãnh đạo viện bảo từ thời giám đốc trước đã làm hư đội ngũ bác sĩ ngoại ở đây, nên giờ vẫn chưa thể đưa vào quỹ đạo được và mong nhận được sự thông cảm.
Đây chỉ là một trong số hàng ngàn câu chuyện mà người nhà bệnh nhân phải gánh chịu khi đến khám chữa bệnh, còn biết bao chuyện chưa được phanh phui, bao nhiêu người chưa bị lộ, đang làm hoen ố hình ảnh “Lương y như từ mẫu”?
Trước khi xảy ra câu chuyện “nhân bản” kết quả xét nghiệm ở bệnh viện đa khoa Hoài Đức, dư luận đã từng dậy sóng với những chuyện trong ngành y như ăn bớt vaccine, bệnh nhân tử vong do sự tắc trách của bác sĩ… Những câu chuyện này khiến nhiều người kinh sợ việc phải vào bệnh viện.
Từ nhiều năm nay, điểm chuẩn vào các trường đại học Y, dược luôn đứng ở top đầu. Đơn cử, năm học này (2013-2014), Đại học Y Hà Nội lấy điểm chuẩn 27, nghĩa là học sinh phải đạt bình quân 9 điểm/môn. Thường thì các học sinh khá giỏi đều là người có đạo đức và tố chất tốt. Các em thi đỗ được vào ngành y đều có lực học khá, giỏi, thế nhưng tại sao khi ra trường, đi vào công tác, lại có những bác sĩ đang tâm kiếm tiền trên chính tính mạng của người bệnh?
Tất cả các sinh viên trường y trong thời gian được đào tạo đã được nhắc đến và trong lễ tốt nghiệp đều phải tuyên thệ nguyện làm theo Lời thề Đạo đức Y khoa (lời thề Hippocrates): Người thầy thuốc phải biết hy sinh bản thân, quên mình, đặt quyền lợi của người bệnh lên trên quyền lợi của mình; hiểu được nỗi đau của người bệnh, đồng cảm với họ, xem họ như người thân của mình; không được làm điều dối trá, gian lận, đi ngược lại quyền và lợi ích của người bệnh...
Ấy thế nhưng nhiều người đã từng có thân nhân đi bệnh viện lại bảo rằng “Thầy thuốc là ác nhất” vì trong lúc thân nhân của họ đang mong manh giữa sự sống và cái chết thì vẫn có bác sĩ ngửa tay ra “vòi” phong bì!?
Khoa học ngày càng tiến bộ, người Việt Nam tự hào vì sự thông minh, cần cù. Đó là tiền đề để chúng ta không phải lo ngại về trình độ chuyên môn của những người thày. Thế nhưng, những gì đã và đang xảy ra trong ngành Y tế-Giáo dục đang gióng lên hồi chuông cảnh báo đòi hỏi sự nghiêm khắc, đổi mới toàn diện càng sớm càng tốt để đạo đức của những người thày không rơi vào tình trạng “xuống dốc không phanh”./.