Đề nghị nhập nội tạng: Có vấn đề trong ứng xử?
(VOV) -Các tình huống hàng Việt gặp rào cản kỹ thuật khi xuất khẩu chính là bài học về “nhập gia tùy tục”, mà “tục” không của riêng ai.
Mấy ngày nay dư luận lại rộ lên chuyện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép nhập khẩu trở lại nội tạng trắng đông lạnh. Dư luận nhanh “phát hỏa” cũng dễ hiểu, bởi việc này có thể ảnh hưởng đến mấy chục triệu người trong nay mai. Song, cứ ứng xử kiểu này thì không hay.
Công văn số 79... không có lỗi?
Công văn số 79/BNN-HTQT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do Thứ trưởng Vũ Văn Tám ký ngày 8/1/2013, về việc đề nghị Chính phủ cho phép nhập khẩu trở lại nội tạng trắng đông lạnh.
Theo công văn, có 3 lý do chính để cho nhập khẩu, gồm: Một là, các nước thành viên WTO, đặc biệt là các đối tác thương mại lớn của Việt Nam cho rằng Việt Nam đã vi phạm quy định của Hiệp định SPS trong việc cấm nhập khẩu nội tạng trắng. Các nước đều cho rằng Việt Nam chưa đưa ra được bất kỳ chứng cứ khoa học nào cho biện pháp tạm thời này mà vẫn duy trì nó trong thời gian quá dài (tính đến nay đã trên 2 năm), điều đó là rất khó chấp nhận. Họ cũng ngày càng tạo sức ép và áp dụng các biện pháp tác động đến xuất khẩu của ta.
Lực lượng chức năng vẫn liên tục bắt được các vụ buôn bán nội tạng trái phép, kém chất lượng (Ảnh:Giaoduc.net.vn) |
Hai là, trên thực tế lượng nhập khẩu nội tạng trắng nếu có cho phép cũng sẽ ở mức độ không lớn, giá trị thương mại là không đáng kể.
Ba là, năng lực và biện pháp kiểm soát ATTP đối với các sản phẩm động vật nhập khẩu của Việt Nam đã được cải thiện hơn trước... đảm bảo đủ khả năng và kinh nghiệm để kiểm soát tốt việc nhập khẩu mặt hàng này.
Tại công văn này cũng nêu các giải pháp và biện pháp kỹ thuật kiểm soát ATTP khi cho phép nhập khẩu trở lại đối với nội tạng trắng. Chẳng hạn: chỉ cho phép nhập từ các nước đã thỏa thuận và thống nhất với Việt Nam về yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; tất cả lô hàng nhập đều phải được giám sát và lấy mẫu 100% số lô hàng để kiểm tra, hàng không đạt yêu cầu hoặc có nguồn gốc từ nước chưa được phép sẽ bị buộc tái xuất.
Hơn thế, để công văn này ra đời, Bộ NN&PTNT đã từng họp bàn, thống nhất với Bộ Công thương và Bộ Tài chính để đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép nhập khẩu trở lại đối với nội tạng trắng từ Quý I/2013.
Như vậy, theo những lý lẽ mà công văn 79 nêu ra, việc cho nhập khẩu trở lại nội tạng trắng đông lạnh lẽ ra chẳng có gì đáng ầm ĩ. Bởi lẽ, đó là việc phải làm để thể hiện Việt Nam đường hoàng gia nhập WTO thì cũng sẵn sàng “chơi quân tử” trên sân chơi lớn này.
Nhưng ứng xử có vấn đề
Theo cách luận giải trong công văn 79, có thể hình dung rằng, đề xuất này của Bộ NN&PTNT là một cách ứng xử với các nước thành viên WTO, đặc biệt là các nước “tạo sức ép và áp dụng các biện pháp tác động đến xuất khẩu của ta”. Trong ứng xử này, chúng ta đã trả lời các bạn rằng: tôi đuối lý, tôi không đưa ra được chứng cứ thuyết phục lệnh cấm của tôi trước đây là chính đáng, nên tôi thu lại lệnh cấm đó.
Rõ ràng, tiên trách kỷ. Giá như ta đưa ra được chứng cứ khoa học để các bạn phải “tâm phục khẩu phục”. Tiếc thay, trong một ứng xử mang tầm một quốc gia trên thương thương trường quốc tế này, ta tỏ ra ứng xử thiếu tầm.
Hơn thế, khi các nước bạn dùng hàng rào kỹ thuật để kiểm soát nghiêm ngặt hơn với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu từ Việt Nam. Lẽ ra, từ nhà sản xuất đến nhà xuất khẩu của ta phải hợp sức lại một cách chuyên nghiệp để cùng vượt qua rào cản của họ. Đó là: phải tăng khả năng đàm phán, thuyết phục bằng lý lẽ hợp chuẩn mực quốc tế; thông hiểu tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm sẽ nhập khẩu của khách hàng để đáp ứng; chủ động thực hành tiêu chuẩn hóa sản phẩm trước khi “đem chuông đi đánh nước người”. Tiếc thay, công văn 79 ra đời lại như hàm ý một sự trông chờ nhờ nó sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam xử lý những vướng mắc trong xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, thủy sản.
Đặc biệt, có vấn đề trong ứng xử của một số người liên quan đến công văn 79. Đó là khi dư luận có bức xúc với đề xuất này, lẽ ra tác giả đề xuất nên có những lý giải để thông dư luận. Và họ phải lắng nghe ý kiến của nhân dân, các nhà khoa học... góp ý để đề xuất (vì công văn này mới chỉ là đề nghị, còn đang chờ Chính phủ xem xét quyết định) thực sự kín kẽ khi thực hiện.
Trái lại, trả lời trên báo giới, người trực tiếp ký công văn 79 lại chỉ nói: "Cái này là do Cục Thú y - cơ quan tham mưu trình lên, tôi chỉ ký. Còn tôi cũng không biết dư luận bức xúc như thế nào. Muốn biết cụ thể hơn thì trao đổi với anh Đông (ông Phạm Văn Đông- Cục trưởng Cục Thú y), còn tôi đang bận đi công tác". Và ông Đông lại cho biết, “việc này Cục chỉ có trách nhiệm báo cáo lên Bộ, còn có ý kiến thế nào là do Bộ quyết định” (Theo Báo Danviet.vn, ngày 11/1/2013).
Những trả lời như “đổ dầu vào lửa dư luận” nêu trên đã cho chúng ta không chỉ một bài học về ứng xử. Và cần nói thêm rằng, giả thử coi công văn 79 này là một phép ứng xử trên thương trường quốc tế, ta càng không phải ầm ĩ về nó. Cái mà mỗi người Việt Nam có trách nhiệm với sức khỏe của bản thân và cộng đồng cần hơn là, khi nói nội tạng độc hại, tồn dư độc tố này nọ… thì không phân biệt nó từ đâu ra mà quan trọng hơn là thực hành kiểm soát nó như thế nào để bảo vệ người tiêu dùng, chứ không phải ra cái văn bản nói rằng có thể kiểm soát?
Trở lại trong lý do thứ nhất để Bộ NN&PTNT đề xuất cho nhập khẩu trở lại nội tạng trắng đông lạnh, có dẫn ra một số tình huống hàng Việt bị sức ép tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng khi vào một số thị trường bạn. Chính các tình huống ấy nhắc chúng ta nhớ lời cổ nhân rằng “nhập gia tùy tục”, và cái “tục” đâu của riêng ai!./.