Đề thi môn Lịch sử THPT Quốc gia năm 2016 có gì đột phá?
VOV.VN -Đề thi môn Lịch sử của kỳ thi THPT Quốc gia 2016 có thể bao gồm 2 phần trắc nghiệm và tự luận theo thang điểm hợp lý.
Hôm nay (4/7) là ngày thi cuối cùng của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016. Buổi sáng, thí sinh làm bài thi môn Lịch sử với thời gian 180 phút theo hình thức tự luận. Buổi chiều, thí sinh thi môn Sinh học trong 90 phút theo hình thức trắc nghiệm.
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 chỉ 15,3% học sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử, thấp nhất trong số các môn tự chọn của kỳ thi. Có rất nhiều trường không có thí sinh nào đăng ký môn Lịch sử. Vì vậy, tình trạng này có thể lặp lại trong kỳ thi THPT Quốc gia năm nay.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 |
Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, kỳ thi THPT Quốc gia 2016, Hà Nội có 76.137 thí sinh đăng ký thi tại các cụm do trường đại học chủ trì, 16.390 thí sinh ở cụm do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức.
Trong số 76.137 6 thí sinh đăng ký dự thi, môn Lịch sử có lượng thí sinh đăng ký thấp nhất với 8.954 em (chiếm gần 12% trên tổng số thí sinh đăng ký dự thi).
Nhiều điểm thi "trắng" thí sinh dự thi Lịch sử như Trường THPT Bắc Thăng Long, THPT Đông Anh (Đông Anh), THPT Đa Phúc (Sóc Sơn), THPT Quang Minh (Mê Linh) không có thí sinh dự thi Lịch sử.
Còn Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM công bố số liệu đăng ký thi THPT Quốc gia 2016 của học sinh cho thấy, tổng số thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi THPT Quốc gia 2016 của toàn thành phố là 55.615 thí sinh.
Trong đó, thí sinh chỉ thi để tốt nghiệp THPT là 2.275 em, chỉ thi xét tuyển vào ĐH, CĐ là 810 thí sinh. Vừa thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ là 52.530 thí sinh. Số lượng thí sinh chọn môn Lịch sử chỉ có 3.908 em.
Giám thị gọi thí sinh vào phòng thi |
Môn Lịch sử ít được học sinh lựa chọn để thi THPT Quốc gia có nhiều nguyên nhân. Đó là chương trình học nặng; phương pháp dạy của giáo viên còn khô khan, đơn điệu; có quá nhiều kiến thức, sự kiện, số liệu cần phải nhớ, phải thuộc lòng...
Trong khi đó, để làm bài thi có điểm, học sinh phải nhớ kỹ bài học vì cấu trúc đề thi chưa thực sự có sự thay đổi, đột phá về cấu trúc câu hỏi. Vì thế, Bộ GD-ĐT đang hướng tới thay đổi cách kiểm tra đánh giá theo hướng hạn chế việc học lý thuyết, nặng nề về tái hiện, nhớ bài học mà hướng đến lượng giá kiến thức đã học bằng trắc nghiệm; gợi mở, phát huy tự do sáng tạo của cá nhân. Cho nên, cấu trúc đề thi sẽ có sự thay đổi, đưa thêm phần trắc nghiệm vào đề thi.
Với những lý lẽ trên, đề thi môn Lịch sử của kỳ thi THPT Quốc gia 2016 có thể bao gồm 2 phần trắc nghiệm và tự luận theo thang điểm hợp lý. Phần tự luận chú ý đến dạng đề mở để kiểm tra thái độ, đánh giá quan điểm, chính kiến, của thí sinh về nhân vật, sự kiện, biến cố lịch sử...
Tuy nhiên, cho đến ngày hôm nay, cấu trúc đề thi Lịch sử vẫn là một ẩn số. Báo Điện tử VOV sẽ tiếp tục cập nhật đề và đáp án môn Lịch sử sau khi thí sinh làm bài thi xong./.
Đề thi và đáp án môn Hóa học THPT Quốc gia năm 2016