Đình chỉ 161 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ: Tìm giá trị thật
(VOV) -Việc đình chỉ nhiều ngành học thể hiện sự đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, hậu kiểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành rà soát, thống kê các chuyên ngành thạc sĩ của nhiều trường đại học, viện, học viện. Kết quả, 161 chuyên ngành của 41 cơ sở đào tạo bị đình chỉ từ năm 2013, do chưa đủ điều kiện về giảng viên cơ hữu và có học viên nhập học. Đây tiếp tục là một biện pháp quyết liệt thể hiện sự đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, hậu kiểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhằm chấn chỉnh, nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
Trong danh sách 161 chuyên ngành thuộc 41 cơ sở đào tạo thạc sĩ bị đình chỉ, có nhiều chuyên ngành thuộc những trường đại học lớn như Đại học Quốc gia, Đại học Y Hà Nội, Đại học Dược Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội… Kết quả này khiến không ít người bất ngờ, vì đây là những cái nôi “tốp đầu” trong đào tạo đại học và sau đại học, cũng là những nơi hội tụ số giảng viên đầu ngành cả nước.
Mặc dù Đại học Y Hà Nội bị đình chỉ 7 chuyên ngành, song GS. Tạ Thành Văn, Phó Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ sự đồng tình, hoan nghênh những giải pháp mạnh của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm chấn chỉnh tình trạng đào tạo thạc sĩ tràn lan và kém chất lượng. Tuy nhiên, ông Văn cho biết, hiện nhà trường chưa nhận được văn bản chính thức từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Về việc vì sao lại thiếu giảng viên như trong công bố của Bộ, ông Văn phân tích: “Trong trường Đại học Y của chúng tôi có rất nhiều thầy ở bệnh viện, là lãnh đạo khoa, cán bộ của bệnh viện, tức không phải là giảng viên cơ hữu của nhà trường nhưng nhận nhiệm vụ bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư của nhà trường. Giáo sư, phó giáo sư là học hàm để phục vụ cho giảng dạy, nhưng lại không được tính vào đội ngũ cán bộ để tính tiêu chuẩn đào tạo, vậy thì nhà trường làm công tác bổ nhiệm các cán bộ đó để làm gì trong khi hàng ngày, hàng giờ họ tham gia giảng dạy, thực hành cho sinh viên Đại học Y Hà Nội? Lãnh đạo các khoa của các bệnh viện ở Hà Nội đều là cán bộ của nhà trường cả, do vậy có tính đặc thù riêng đối với ngành y”.
Đáng chú ý là các chuyên ngành bị đình chỉ có không ít chuyên ngành đào tạo thạc sĩ không giảng viên, không người học. Có những chuyên ngành chỉ có 1-2 giảng viên cơ hữu nhưng lại có tới vài chục đến vài trăm học viên. Thậm chí, có chuyên ngành không có lấy một giảng viên cơ hữu đúng ngành mà có 10 giảng viên cùng ngành, trong đó chỉ 2 người là giáo sư, phó giáo sư hoặc tiến sĩ, nhưng lại đang có tới 1.148 học viên theo học.
Những con số trên cho thấy sự khập khiễng quá lớn. Trong khi đó, Thông tư 38 “Quy định điều kiện, hồ sơ, quy trình cho phép đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định cho phép đào tạo các ngành hoặc chuyên ngành trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ” ghi rõ: Điều kiện để tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ ở ngành hoặc chuyên ngành đề nghị cho phép đào tạo là có ít nhất 5 giảng viên cơ hữu có bằng tiến sĩ cùng ngành, trong đó có ít nhất 3 người cùng chuyên ngành.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga khẳng định, theo Luật Giáo dục Đại học, Bộ sẽ giao cho các trường tự chủ nhiều việc và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định hiện hành. Vừa qua, Bộ đã kiểm tra việc liên kết đào tạo nước ngoài, đào tạo liên thông, tiến sĩ, thạc sĩ và sẽ tiếp tục kiểm tra trong những năm tới để đảm bảo chất lượng đào tạo. Bộ sẽ kiên quyết cho dừng lại những chuyên ngành đào tạo thạc sĩ không đủ các tiêu chuẩn tối thiểu.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Văn Học nhận định, những biện pháp mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện thể hiện sự đổi mới trong công tác quản lý, thanh tra, hậu kiểm.
Sau khi kiểm tra, nếu các cơ sở đào tạo không đủ điều kiện tối thiểu đảm bảo chất lượng, rõ ràng phải bị đình chỉ mà không thể chối cãi được. Có như vậy, chính các trường mới thực sự nghiêm túc trong việc thực hiện đúng các quy định hiện hành.
Để chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở đào tạo trình độ đại học và sau đại học, bên cạnh quy định về giảng viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần quyết liệt hơn nữa, thanh tra, kiểm tra toàn diện từ việc tuyển sinh đến quá trình học tập, nghiên cứu khoa học, bảo vệ luận văn, luận án…
Công việc này cần làm thường xuyên, liên tục, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”. Có vậy, giáo dục đại học nước ta mới dần đi đúng hướng, những tấm bằng mới trở về giá trị thực của nó./.