Độc giả chia sẻ trăn trở về giáo dục của Phó Chủ tịch nước
VOV.VN-Nhiều độc giả đồng tình với trăn trở của Phó Chủ tịch nước và cho rằng, chính nhân cách con người sẽ chi phối toàn bộ quá trình sống…
Sau khi VOV online đăng bài “Phó Chủ tịch nước trăn trở về những tồn tại trong giáo dục”, rất nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến về Tòa soạn VOV online bày tỏ ý kiến của mình.
Nhân cách con người sẽ chi phối toàn bộ quá trình sống
Là một nhà giáo với nhiều chục năm tuổi nghề, độc giả Trịnh Đình Bật cho biết, ông rất tán thành quan điểm của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan. Trong nhiều năm qua, Bộ Giáo dục-Đào tạo đã có nhiều cuộc vận động, nhiều cuộc thi đua nhưng cũng chưa cải thiện được những bất cập. “Trong đào tạo Đại học, Cao đẳng và dạy nghề hiện nay, nếu không kịp thời thay đổi chương trình đào tạo, thay đổi cách dạy thì tốc độ tụt hậu so với thế giới sẽ càng ngày càng nhanh hơn”.
Việc chú trọng môn giáo dục đạo đức là rất cần thiết |
Một độc giả tên Dân cũng tán thành việc chú trọng môn giáo dục đạo đức là rất cần thiết, khởi đầu cho một nền giáo dục. Nhưng theo độc giả, trước hết phải giáo dục chính các nhà giáo, các phụ huynh nếu như vẫn còn vấn nạn chạy điểm, chạy trường, nạn dạy thêm học thêm. Còn nếu không giải quyết được vấn đề này thì càng cải cách, giáo dục càng bế tắc. “Để giải quyết vấn nạn này, đề nghị Chính phủ nên cải cách tiền lương cho ngành giáo dục sao cho họ đủ sống để tái sức lao động. Đạo Khổng có câu “có thực mới vực được đạo”.
Nhiều độc giả cũng đồng tình với quan điểm muốn cải cách giáo dục, trước hết phải từ phụ huynh học sinh. Độc giả Lê Hữu Thể viết: “Mỗi phụ huynh hãy tự nhìn lại mình, kiểm điểm xem mình đã đóng góp đúng nghĩa với giáo dục chưa? “Tiên học lễ - Hậu học văn” rất đúng, tuy nhiên đó là cả một vấn đề của cả xã hội chứ không riêng gì ngành Giáo dục. Ai cũng chọn việc thuận lợi, không sẵn sàng hy sinh vì xã hội thì rất khó cho giáo dục. Rõ ràng là chất lượng về cả đạo đức và chuyên môn của một bộ phận giáo viên chưa được như mong muốn, nhưng không nên quy chụp cho giáo viên vì giáo viên là “sản phẩm” của chúng ta, của xã hội. Chúng ta cần nhìn thẳng vào bản chất của vấn đề”.
Thế hệ trẻ đang đánh mất đi ý chí phấn đấu
“Tại sao sinh viên ra trường không có việc làm? đó là lỗi do ai?”. Độc giả Ngô Văn Khá cho rằng, không phải là tất cả sinh viên ra trường không có việc làm mà số sinh viên đào tạo tốt nghiệp ra so với số sinh viên không xin được việc làm theo đúng ngành nghề mình đào tạo là quá lớn. Số trường đào tạo sinh viên mà sau khi tốt nghiệp đáp ứng được nhu cầu xã hội còn quá nhỏ.
Sinh viên ra trường không có việc làm do đào tạo chưa đáp ứng được với nhu cầu thực tế, nên khi sinh viên đi xin việc, các công ty không thể tuyển người không biết làm việc, họ mất công đào tạo lại. Nguyên nhân đơn giản là đầu tư giáo dục quá dàn trải, một trường đào tạo quá nhiều ngành nghề không có chuyên môn, không tập trung đầu tư thiết bị giảng dạy đáp ứng nhu cầu thực tế.
Độc giả cũng nêu ý kiến việc sinh viên hiện nay phải mất 2 năm để học hết các môn đại cương cũng là lãng phí cả về thời gian và chi phí, có thể rút ngắn lại. Cùng với đó là trang thiết bị ở nhiều trường hiện nay còn quá thiếu thốn, sinh viên chỉ được học lý thuyết là chính, còn phần thực hành thì quá ít. Vì thế khi ra trường, bắt tay vào công việc thực tế, nhiều người không làm được.
Còn độc giả Lê Tiến Công thì lo lắng về việc thế hệ trẻ đang đánh mất đi ý chí phấn đấu và ý thức tự giác. Bạn Công cho biết, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chính bạn và nhiều sinh viên có suy nghĩ giống nhau: Đó là muốn có việc làm thì không phải cứ học giỏi là được, mà phải có tiền hoặc có ô dù, bởi thực tế nhiều nơi đang diễn ra như vậy. Điều này làm mất đi ý chí phấn đấu của đa số học viên. Cùng với đó là chuyện tiêu cực trong giáo dục như mua điểm, chạy điểm diễn ra thường xuyên ở các trường chuyên nghiệp “Vì thành tích mà người lớn đã làm cho thế hệ trẻ không còn ý chí phấn đấu. Tôi còn nhớ có năm thi tốt nghiệp làm nghiêm túc thì kết quả đổ tốt nghiệp rất thấp. Năm tiếp theo học sinh lo học. Nhưng rồi vì thành tích của ngành nên sự nghiêm túc này không còn nữa, thế là đâu lại vào đó, các kỳ thi tốt nghiệp lại dễ như cũ”.
Việc giảng dạy còn thụ động
Bạn An Thu thì cho rằng, nhiều giáo viên giỏi vi tính, mơ ước được dạy bằng giáo án điện tử nhưng nhà trường không có phòng dạy học. Đa số các trường học ở ngoại thành Hà Nội hiện nay chỉ có 1 phòng (phòng đa năng) chung cho tất cả giáo viên để dạy khi thực hiện chuyên đề, hội giảng. “Vậy đòi hỏi giáo viên giỏi vi tính, áp dụng công nghệ thông tin vào bài giảng bằng cách nào?”.