"Đề thi minh họa môn Ngữ văn THPT quốc gia không đánh đố"
VOV.VN -Bộ GD-ĐT vừa công bố bộ đề thi minh họa các môn trong kỳ thi THPT quốc gia 2020 làm cơ sở giúp học sinh ôn tập hiệu quả trước mùa thi.
Nhận xét về đề thi minh họa môn Ngữ văn THPT quốc gia 2020 do Bộ GD-ĐT vừa công bố, Ths Ngữ văn Trịnh Trọng Nam, Phòng Giáo dục Trung học (Sở GD-ĐT Thanh Hóa) cho rằng, đề tham khảo thi THPT quốc gia 2020 không đánh đố, hướng đến phát triển nhân cách con người, có khả năng phát triển tư duy cho học sinh. Mức độ khó-dễ của đề phù hợp với năng lực, trình độ chung của học sinh cả nước, ở tất cả vùng miền, trong bối cảnh trường học phải đóng cửa kéo dài, học sinh chủ yếu tự học ở nhà, qua truyền hình và internet vì dịch bệnh Covid-19.
Đề thi minh họa môn Ngữ văn năm 2020 của Bộ GD- ĐT có lượng kiến thức vận dụng cao giảm hẳn so với những năm trước. (Ảnh minh họa) |
“Đề thi được biên soạn công phu, xét cả về kĩ thuật và nội dung kiến thức. Đề đã bám sát mục tiêu tinh giản và những điều chỉnh về nội dung dạy học mà Bộ GD-ĐT công bố; hoàn toàn phù hợp với điều kiện học sinh phải nghỉ học ở trường kéo dài vì dịch bệnh Covid 19 còn diễn biến phức tạp”, Ths Nam nói.
Về kỹ thuật biên soạn đề, Ths Trịnh Trọng Nam đánh giá, đề tham khảo đã bám sát chương trình, có đầy đủ 4 mức độ nhận thức: thông hiểu, nhận biết, vận dụng, vận dụng cao. Cấu trúc đề vẫn bám sát với đề thi THPT quốc gia năm 2019, là gồm 2 phần: Đọc hiểu chiếm 30% tổng số điểm; Làm văn chiếm 70% tổng số điểm bài thi. Tuy nhiên, mức độ khó giảm nhẹ hơn, không đánh đố học sinh.
“Nhìn vào nội dung câu hỏi có thể thấy phần nội dung yêu cầu mức độ vận dụng cao trong đề thi tham khảo 2020 có tỉ lệ điểm ít hơn so với đề thi các năm trước”, Ths Nam cho biết.
Ths Trịnh Trọng Nam cũng cho rằng, đề tham khảo 2020 cũng tương tự đề thi các năm trước với phần Đọc hiểu dẫn một ngữ liệu thuộc lĩnh vực xã hội, có 4 câu hỏi đi kèm theo từng mức độ. Phần Làm văn bao gồm 2 câu hỏi, trong đó một câu yêu cầu tạo lập đoạn văn nghị luận xã hội với dung lượng 200 chữ, chiếm 20% tổng số điểm; một câu hỏi yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận văn học, chiếm 50% trên tổng số điểm bài thi.
“Ở phần đọc hiểu, việc chọn ngữ liệu có tính thời sự và độ sâu của nhận thức. Câu 1, 2 dừng lại ở mức độ nhận biết, học sinh trung bình có thể làm được; câu 3 nâng lên ở mức độ cao hơn là thông hiểu; câu 4 yêu cầu trình bày quan điểm là ở mức độ vận dụng. Câu số 4 phần đọc hiểu không chỉ hướng đến yêu cầu học sinh trả lời bằng những suy luận đơn giản mà đỏi hỏi học sinh phải có những trải nghiệm và vận dụng những trải nghiệm đó để lí giải mới đạt đến độ sâu sắc của vấn đề”, Ths Nam nhận định.
Phần Làm văn, câu nghị luận xã hội đặt ra vấn đề thiết thực, mang tính thời sự, có tính giáo dục - suy nghĩ về những hành động nhỏ làm nên người anh hùng giữa đời thường. Vấn đề này, theo Ths Ngữ văn Trịnh Trọng Nam, là không quá xa lạ với học sinh, nhất là trong thời điểm hiện tại khi dịch bệnh diễn ra, đã có biết bao hành động nhỏ trong xã hội nhưng lại có giá trị lớn, đáng trân trọng và tôn vinh. Câu hỏi này đã phát huy được khả năng quan sát, đánh thực được năng lực của người học.
So với đề thi THPT các năm trước, câu nghị luận văn học của đề tham khảo 2020 được đánh giá là “dễ hơn nhưng vẫn có khả năng phân hóa”.
“Để làm được câu hỏi này, học sinh chỉ cần nắm vững những kiến thức cơ bản, thành thạo kỹ năng tạo lập văn bản nghị luận văn học là có thể viết bài một cách chính xác, hấp dẫn. Học sinh khá giỏi vẫn có “đất diễn”, sẽ có những bứt phá vượt trội trong cách cảm nhận về diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị, bình luận, đánh giá được tài năng của Tô Hoài trong nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng như tình cảm của tác giả gửi gắm trong tác phẩm. Các em cũng có thể nêu mối liên hệ của dòng văn xuôi viết về cảm hứng hồi sinh trong văn xuôi Việt Nam thời chống Pháp”, Ths Trịnh Trọng Nam phân tích.
Với kỹ thuật ra đề và nội dung câu hỏi như phân tích trên, Ths Nam đánh giá, đề thì vừa sức nhưng vẫn có sự phân hóa. Điều này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của kỳ thi THPT quốc gia là lấy kết quả để vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ để xét tuyển đại học, cao đẳng; đồng thời phù hợp với điều kiện dạy- học học kỳ II bị khó khăn vì dịch bệnh Covid-19./.