Gần 11% thanh niên Việt Nam chưa học hết cấp I
VOV.VN -Tỷ lệ thanh niên Việt Nam có trình độ học đại học, cao đẳng trở lên chỉ chiếm 4,3%; có khoảng 10,7% thanh niên chưa tốt nghiệp tiểu học.
Thông tin từ TS. Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ cho biết, Báo cáo Quốc gia về thanh niên Việt Nam 2015 cho thấy, tỷ lệ thanh niên Việt Nam có trình độ học đại học, cao đẳng trở lên còn thấp, chỉ chiếm 4,3%; có sự khác biệt về trình độ học vấn theo vùng miền, điều kiện kinh tế hộ gia đình và nhóm dân tộc. Có khoảng 10,7% thanh niên chưa tốt nghiệp tiểu học.
Nhiều địa phương ở vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, nơi có điều kiện kinh tế khó khăn có trên 50% thanh niên lứa tuổi 16-19 ngừng học.
Số thanh niên thất nghiệp trong độ tuổi từ 15-24 chiếm 50,3% trong tổng số người thất nghiệp của cả nước.
Thất nghiệp ở khu vực thành thị cao hơn ở nông thôn, nữ giới cao hơn nam giới, chứng tỏ thanh niên là nhóm dễ tổn thương với biến động kinh tế, xã hội.
Báo cáo về thực trạng lao động việc làm – đào tạo cũng cho thấy: có tới 85,808% thanh niên chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật, chỉ có 4,282% có trình độ đại học trở lên.
Theo số liệu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam hiện chỉ đạt 164,4cm, thấp hơn 13cm so với chuẩn và chiều cao trung bình của nữ Việt Nam là 153,4cm, thấp hơn 10cm so với chuẩn.
So với tầm vóc của thanh niên các nước trong khu vực như Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, tầm vóc của thanh niên Việt Nam kém hơn. Ví dụ so với Nhật Bản, Hàn Quốc, chiều cao trung bình của người Việt Nam kém 8cm. Người Việt Nam kém người Trung Quốc 7cm, kém Thái Lan và Singapore là khoảng 5 - 6cm.
Theo TS. Vũ Minh Đăng: Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong giáo dục toàn diện cho thanh niên là phù hợp với yêu cầu của xã hội và cá nhân. Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/12/2011 đã đưa ra mục tiêu: “Đến năm 2020, chiều cao bình quân của thanh niên nam đạt 1,66m và nữ thanh niên đạt 1,56m”.
Về giáo dục – đào tạo, Báo cáo Quốc gia về thanh niên Việt Nam 2015 cho biết cần có các giải pháp hữu hiệu của Chính phủ để giải quyết tình trạng mất cân đối trong đào tạo của nước ta hiện nay. Đồng thời cần có giải pháp kết nối cung - cầu giữa hệ thống giáo dục - đào tạo và người sử dụng lao động nhằm đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng của thị trường lao động.
Thanh niên đã chủ động hơn trong quá trình tìm kiếm thông tin về việc làm thông qua các kênh chính thức và không chính thức. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động; nâng cao năng lực hệ thống dịch vụ việc làm; tăng cường các hoạt động đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm giúp thanh niên định hướng nghề nghiệp, tìm việc làm phù hợp./.