Giới trẻ chưa thực sự quan tâm tới kỹ năng sống
VOV.VN - Việc thiếu kỹ năng sống đã khiến một bộ phận giới trẻ hiện nay sống lệch lạc.
Biểu hiện tiêu cực trong một bộ phận học sinh, sinh viên như đánh chửi nhau hay thái độ lạnh lùng vô cảm trước nỗi đau của người khác; ỷ lại, thiếu thích nghi, thiếu nghị lực sống vươn lên… ngày càng trầm trọng. Dư luận cho rằng vấn đề đạo đức, lối sống của một bộ phận học sinh, sinh viên đang bị xuống cấp, đang bị tác động, bào mòn bởi các giá trị lệch chuẩn.
Theo nhiều chuyên gia, một trong những căn nguyên của tình trạng này là do học sinh, sinh viên ít được trang bị kỹ năng sống, kỹ năng mềm để xử lý, giải quyết, thích nghi với cuộc sống.
Dạy chữ được coi trọng hơn dạy người
Nói đến kỹ năng sống là nói đến khả năng thích nghi với cuộc sống của mỗi một cá nhân. Cá nhân đó phải biết vận dụng những hiểu biết của mình trong cuộc sống và có những hành động, ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. Trong mỗi lĩnh vực, phạm vi của cuộc sống đòi hỏi mỗi cá nhân phải có những kỹ năng riêng. Từ các em nhỏ bậc mầm non đến các cụ cao niên đều cần có những kỹ năng để ứng phó với cuộc sống.
Theo ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV, Bộ Giáo dục - Đào tạo, không phải ngành Giáo dục không quan tâm tới việc đào tạo kỹ năng sống cho học sinh. Các môn học mang tên Đạo đức và Giáo dục công dân dành cho học sinh bậc tiểu học và THCS, THPT đã và đang được triển khai trong các nhà trường từ lâu nay góp phần giúp học sinh tiếp cận nội dung các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, hình thành phát triển nhân cách con người; giúp các em có thể tự chủ trong cuộc sống cá nhân, tự tin khi tham gia hoạt động ngoài cộng đồng.
Tuy nhiên, thực tế, so với các môn học trang bị kiến thức cơ bản khác như Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ… 2 môn học này chỉ chiếm 1-2 tiết học trong 1 tuần. Còn lại phần lớn thời gian trong tuần của học sinh là dành để tiếp thu một khối lượng lớn kiến thức, bài giảng từ các môn học khác. Khối lượng bài vở thầy cô giao cho quá nhiều đã chiếm mất thời gian và lấn cả sang cả thời gian nghỉ ngơi, giải lao của các em. Trong suy nghĩ của các em, vượt qua kỳ thi cuối năm, kỳ thi chuyển cấp mới là quan trọng. Áp lực, mệt mỏi khiến học sinh không còn thiết tha với những bài học về đạo đức, giáo dục con người hay kỹ năng sống.
Trường hợp của Đỗ Hoài Thu, học sinh lớp 10 của một trường chuyên ngữ đã minh chứng cho thực tế trên. Thu chia sẻ: “Vì học ở trường chuyên nên em không thể học lệch, nếu chỉ đạt học lực trung bình sẽ bị ra khỏi trường. Một học sinh đang học ở trường chuyên mà phải chuyển sang các trường khác là điều vô cùng xấu hổ”. Trả lời câu hỏi của phóng viên về một số tình huống giả định, Thu cho biết, bất cứ việc gì em cũng phải hỏi ý kiến của bố mẹ trước, kể cả việc chọn bạn.
Chị Đào Phương Huyền, một phụ huynh có 2 con đang học cấp 2 bày tỏ, trường các con chị theo học chưa thấy dạy về kỹ năng sống, chỉ học văn hóa là chính. Các cháu chỉ được học môn Giáo dục công dân. Theo chị để học và dạy kỹ về kỹ năng sống cần phải có giáo trình, được đầu tư bài bản, và phải coi đó là một môn học.
PGS-TS Đinh Thị Kim Thoa (Đại học Quốc gia Hà Nội), người đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu về tâm lý giáo dục cho rằng, mục tiêu của các nhà trường là hướng tới giáo dục toàn diện, nhưng thực tế ở các trường học vẫn đang chú trọng nhiều đến việc dạy chữ hơn dạy người. Dường như việc dạy người vẫn mang tính tự phát, bằng những lời khuyên răn, chỉ bảo của ông bà cha mẹ hay thầy cô. Hiệu quả việc giáo dục thông qua những bài học Đạo đức, Giáo dục công dân trên lớp còn mờ nhạt, do vậy không chuyển hóa được thành ý thức để mỗi học sinh lại có ý thức cao hơn nữa trong việc vận dụng những hiểu biết trở thành kỹ năng và thiếu thời gian để rèn luyện. Việc hình thành kỹ năng sống không thể có được trong ngày một ngày hai mà cần có thời gian, quá trình để rèn luyện.
Phải có phương pháp dạy kỹ năng sống
Ai cũng biết tuổi đến trường không chỉ học về kiến thức văn hóa để vượt qua các kỳ thi sát hạch, vượt cấp mà phải học cả các kỹ năng để ứng biến, thích nghi với môi trường xung quanh. Áp lực trong học tập thì ở bất kỳ quốc gia nào cũng có, đặc biệt đối với những gia đình mong muốn con em họ có kết quả học tập tốt. Ông Tuấn cho rằng, nhà trường và phụ huynh học sinh cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc học tập của các em. Các bậc phụ huynh nên quan tâm cân bằng việc học tập cho con em mình, vừa giúp các em có sự tự tin nắm bắt kiến thức trên lớp, vừa có thời gian hợp lý để tham gia các hoạt động ngoại khóa, các chuyến tham quan, dã ngoại, giúp các em giảm căng thẳng trong việc học đồng thời tìm thấy niềm vui trong học tập, đặc biệt giúp các em tự tin trong cuộc sống.
Về phía nhà trường, trong những năm gần đây, Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng đã có sự quan tâm lớn, chỉ đạo đưa nội dung giảng dạy về kỹ năng sống vào các nhà trường từ bậc học mầm non điển hình là Phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Tuy nhiên, để công tác giảng dạy kỹ năng sống cho các em đạt hiệu quả, bà Thoa cho rằng chính các thầy cô phải vượt qua được sự lúng túng, chủ động tiếp cận nội dung này. Bởi kỹ năng sống của các thầy cô phần lớn có được từ sự trải nghiệm của chính họ, nhưng để biến những trải nghiệm đó thành kiến thức truyền đạt cho học sinh đòi hỏi các thầy cô phải có sự nghiên cứu, tạo ra được quy trình cụ thể, có như vậy mới dễ dàng truyền đạt tới cho học sinh. Bà Thoa nhấn mạnh, vấn đề này ở giáo viên Việt Nam vẫn còn thiếu, họ không thiếu về vốn sống mà là thiếu cách để truyền dạy lại cho học sinh./.