Góp gạch xây Nhà bán trú cho học sinh vùng cao
VOV.VN -Khuất phía sau ngôi trường là những căn phòng làm bằng tre nứa đắp đất, lợp mái xiêu vẹo, những cánh cửa làm bằng gỗ đóng thô sơ.
Mỗi chuyến từ thiện thực tế vùng cao đối với chúng tôi là một trải nghiệm hết sức thú vị, có nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau về những hoàn cảnh, những mảnh đời... Hình ảnh để lại ấn tượng trong chúng tôi nhiều nhất là khuôn mặt của những đứa trẻ vùng cao; đứa nào mặt mũi cũng lấm lem, ngây ngô khi nhìn người lạ và khi cười thì tất cả đều trong sáng, hồn nhiên, chân thật, khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng...
Trường THCS Mường Pồn (Điện Biên)
Nhưng trong chuyến tiền trạm vùng cao này, không một tiếng trống tan trường, không những đứa trẻ với khuôn mặt lấm lem, ánh mắt tò mò ngây ngô, sợ sệt khi gặp người lạ. Bởi thời điểm chúng tôi đến, các em học sinh nơi đây đã được nghỉ hè để về nhà hái củi hay phụ bố mẹ nương rẫy. Để lại giữa thung lũng một ngôi trường đơn sơ tựa lưng núi, chỉ còn lại những tiếng kêu của côn trùng như muốn phá tan đi sự im lặng giữa núi rừng.
Mường Pồn hanh hao trong ánh nắng vàng nhạt, nhưng cái nắng này không nóng gắt cháy da như ở Hà Nội, vẫn có những cơn gió mát len lỏi vào ngôi trường nằm trong thung lũng. Trường trung học Mường Pồn nhìn từ xa trông xinh xắn như màu vàng rực của những đóa hoa dã quỳ, thế nhưng đến thật gần mới thấy xót xa.
Khuất phía sau ngôi trường là dãy nhà ở do thầy cô góp tiền, phụ huynh góp sức dựng tạm với 7 phòng chia nhỏ dành cho 122 đứa trẻ lui về sau giờ lên lớp chỉ là những căn phòng làm bằng tre nứa đắp đất, lợp mái bờ rô xi măng xiêu vẹo, những cánh cửa làm bằng gỗ đóng thô sơ. Vật dụng tốt nhất là những chiếc giường sắt để các em nằm được các đơn vị tới thăm trường, tặng thầy và trò nay cũng đã hoen rỉ theo thời gian.
Phòng ở của các em được dựng tạm bằng tre, đất và bạt...
Mỗi phòng rộng chừng 25 m2 nhưng có đến 18 em chia nhau chỗ ngủ và sinh hoạt. Phần để đảm bảo an toàn cho các em trong căn nhà ọp ẹp, phần khác không đủ sức chứa cho toàn bộ các em ở bán trú nên thầy cô phải gửi một số em lớn ở nhà dân. Nhìn những tấm chăn nhàu nát, có cái gần rách tươm được sắp xếp ngăn nắp trên đầu giường bên cạnh những vật dụng cũ kỹ, hiếm hoi lắm chúng tôi mới gặp một vài đồ dùng cá nhân còn nguyên vẹn.
Vào thăm những căn phòng mộc mạc, nhìn thấy những bức tranh ảnh được tự tay các thầy cô cắt dán. Nghe gió thổi hun hút, lùa qua những kẽ hở của vách ngăn tre nứa mà nghĩ đến cảnh những cơ thể mỏng manh thiếu áo ấm, chăn bông của các em tím tái vì lạnh khi mùa đông về khiến cho lòng người trĩu lại...
Tâm sự với chúng tôi, thầy Nguyễn Văn Quỳnh (Hiệu trưởng nhà trường) nghẹn ngào cho biết: Học trò nghèo, thiếu thốn, toàn bộ học sinh của trường Mường Pồn là người dân tộc Thái và Mông. Nhà học sinh nào cũng chon von trên núi cao, bố mẹ trồng ngô, khá hơn là có đàn gà, con lợn để nuôi. Bản gần nhất cũng cách trường 4 cây số, còn bản xa nhất là Pá Trả thì cách trường đến 18 cây, để đi học được các em phải đi bộ mất 4 tiếng, trời tạnh ráo đi lại đã khó khăn, những hôm trời mưa gió nhìn các em đến trường trong tình trạng quần áo ẩm ướt, lấm lem bùn đất, đã khó khăn lại còn nguy hiểm thật không đành lòng.
Căn nhà ở đơn sơ của thầy và trò trường Mường Pồn
Trăn trở lắm, các thầy cô đồng lòng gom góp dựng lấy một căn nhà để các em ở lại cho an toàn trước khi mùa mưa về, thầy cô góp tiền lương, phụ huynh góp sức, góp ngô để cùng dựng, vậy mà cũng được vài năm.
Chỉ vào dãy phòng vách tranh đắp đất, thầy Nguyễn Văn Quỳnh nói: Các anh trông vậy thôi có khi qua một đêm mưa đá gió lớn, tất cả các phòng đã bị gió cuốn tốc mái, bay vách đi mất, thầy và trò lại cặm cụi dựng lại, nhưng thầy cô quyết tâm phải giữ để các em còn đến trường, đi học.
Lời tâm sự của người thầy chỉ còn gần 1 năm công tác với hơn nửa cuộc đời dồn tâm huyết cho những lớp trẻ vùng cao khiến chúng tôi vững tin hơn vào những nỗ lực thay đổi từng ngày của thầy cô cho sự học chữ, học làm người của các em, bởi khi có niềm tin và sự quyết tâm thì mọi khó khăn sẽ dần khắc phục.
Các em mong một đôi chân ấm, một cái bụng no, được ở gần trường để dễ dàng đến lớp, vì ở đây các em được thầy cô dạy cho con chữ, khi có con chữ, đời em sẽ khác... như lời của em Vừa A Páo khi chúng tôi hỏi em mong điều gì nhất...
“Những ngày giữa tháng 6/2014, Ban chủ nhiệm CLB Hà Nội Thích đi Chùa Tụng kinh - Phóng sinh - Phát cơm Từ thiện (CLB Hà Nội 14 Chữ) đã có chuyến tiền trạm các trường học tại Điện Biên để hỗ trợ xây nhà bán trú cho học sinh đến trường. Qua kết quả cuộc khảo sát, CLB Hà Nội 14 Chữ đã thống nhất cùng Phòng GD & ĐT huyện Điện Biên, Ban giám hiệu trường THCS Mường Pồn triển khai xây dựng Nhà bán trú phần nào chia sẻ với những vất vả với các học trò. Đôi chân trần của các em bớt đi sự gian khó khi phải băng rừng, vượt suối đến với cái chữ giữa vùng cao Mường Pồn.
Những đôi chân ngày ngày vượt núi băng rừng đến với lớp học vùng cao
Công trình có tổng vốn đầu tư dự kiến 400 triệu đồng được xây dựng kiên cố. Theo kế hoạch, trước ngày khai giảng năm học mới, công trình sẽ được đưa vào sử dụng, đảm bảo chỗ ở an toàn cho gần 200 học sinh có nhu cầu ở bán trú tại trường”./.