Nấu ăn tập trung cho học sinh bán trú: Nâng bước tới trường
VOV.VN -Nhiều trường học ở tỉnh Sơn La đã kết hợp xã hội hóa các nguồn lực đầu tư để tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh tại trường
Sau hơn 1 giờ đồng hồ vượt qua 50 km từ trung tâm huyện, với nhiều đoạn đường đất bụi bặm quanh co, khúc khuỷu, chúng tôi mới tới được Trường Trung học cơ sở xã Chiềng Tương. Giữa màu xanh thẳm của núi rừng, ngôi trường nổi bật với các nhà lớp học 2 tầng khang trang, sạch đẹp. Đây là nơi học tập, sinh hoạt của hơn 300 học sinh, tất cả đều là người dân tộc Mông.
Nhìn đám học trò tung tăng chơi đùa, thầy giáo thầy giáo Trần Văn Hoan, phó Hiệu trưởng nhà trường không dấu nổi niềm vui: mới chỉ một năm trước đây, hầu hết các em học sinh của trường ai nấy nhếch nhác, gầy yếu, đi học thì bữa được, bữa chăng. Thậm chí, có em còn bị ngất trong giờ học do không đảm bảo sức khỏe. Nhưng nay thì khác, phần lớn các em ai cũng có da, có thịt, nhất là có sức khỏe đảm bảo để duy trì sỹ số các buổi học một cách thường xuyên. Theo thầy Hoan, có được kết quả này là nhờ nhà trường đã quyết tâm cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước với các em học sinh bán trú của trường bằng việc tổ chức nấu ăn tập trung cho các em.
"Thời kỳ chúng tôi chưa tổ chức nấu ăn tập trung, điều kiện học tập, sinh hoạt của các em học sinh thiếu thốn, khó khăn, dẫn đến việc học sinh chưa chú ý vào việc học tập, cho nên chất lượng học tập những năm đó chưa thực sự cao. Thứ 2, vất vả như vậy, cộng với nhà ở xa trường, một số em có tư tưởng chán học, nên việc duy trì sỹ số không đảm bảo. Việc nấu ăn bán trú cho học sinh là một bước tiến nhảy vọt đối với nhà trường. Các em được ăn uống đầy đủ, được chăm sóc chu đáo, do vậy có nhiều thời gian dành cho học tập. Kết quả học kỳ I năm học 2013 – 2014 số lượng học sinh khá giỏi đã tăng lên rõ rệt. Đặc biệt, tỷ lệ duy trì sỹ số học sinh hiện nay đã đạt ở mức trên 99,9%"- thầy Hoan nói.
Tổ chức nấu ăn trong điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn là việc làm không dễ. Song, với mục đích để các em được hưởng tối đa các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước dành cho mình, qua đó, giúp các em có thêm sức khỏe và điều kiện học hành, tập thể nhà trường đã quyết tâm kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức đoàn thể ở xã, cũng như các bậc phụ huynh học sinh để xây dựng bếp ăn và nhà bán trú cho học sinh. Từ trên 120 triệu đồng và hơn 600 mảnh gỗ thu được, một căn bếp, nhà ăn và dãy nhà ở bán trú nhanh chóng được dựng lên. Và, ngày 11/11/2013 trở thành mốc son đáng nhớ, bởi từ hôm đó, các em được nhà trường tổ chức cho ăn tập trung, chấm dứt cảnh sau mỗi giờ học, các em phải hì hụi nhặt củi thổi cơm, mặt mũi lem luốc, bữa ăn chỉ toàn cơm với muối trắng.
Em Phàng Thị Sía, học sinh lớp 7A cho biết: "Trước đây chúng em tự nấu ăn và tự chăm sóc bản thân, em thấy việc học rất khó khăn. Còn bây giờ em thấy mình học khá hơn, có nhiều thời gian vui chơi với các bạn và yên tâm đi học".
Các em HS Trường THCS Chiềng Tương đã có bữa ăn đảm bảo sức khỏe |
Cũng theo em Sía, trước đây, gần 500.000 tiền hỗ trợ học tập hàng tháng của các em thường được cha mẹ trang trải vào nhiều việc khác, như mua sắm vật dụng gia đình, mua thức ăn, thức uống cho cả nhà, hoặc mua rượu cho bố uống… Cuối tuần về nhà, các em thường chỉ được cha mẹ đưa 10-30 ngàn để trang trải trong cả tuần. Do vậy, bữa ăn quen thuộc chỉ là cơm với cơm, hoặc cơm với muối trắng. Ăn tập trung tại trường, mỗi bữa, các em luôn được ăn đủ rau, thịt, cơm trắng, canh ngọt. Sự đổi thay ấy càng tiếp thêm sức mạnh, giúp các em quyết tâm học chữ để nắm cơ hội xóa bỏ đói nghèo cho quê hương.
Theo thống kê, huyện Yên Châu hiện có 27 trường có học sinh bán trú, nhưng mới có 9 trường tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh. Từ những hiệu quả bước đầu, các thầy, cô giáo Trường trung học cơ sở Chiềng Tương rất mong muốn mô hình này nhanh chóng được nhân rộng ở huyện Yên Châu, cũng như toàn tỉnh Sơn La./.