GS Ngô Bảo Châu và những ý niệm về giáo dục

(VOV) - Cái gì là động cơ căn bản cho học tập? Học chữ hay học làm người? Và học như thế nào?...

Buổi thuyết trình với chủ đề “Học như thế nào” của GS Ngô Bảo Châu - nhà toán học đoạt giải thưởng Fields chiều 13/3 tại Hội trường C2 trường ĐHBK Hà Nội để lại những dư âm tốt đẹp với nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ.


GS Ngô Bảo Châu "giải mã" vấn đề: "Học như thế nào?"

Tại buổi trò chuyện, phần giao lưu của GS Ngô Bảo Châu với các sinh viên, giảng viên tham dự được xem là sôi nổi và được háo hức chờ đợi hơn cả. Bởi họ biết, sẽ được nghe những chia sẻ và trả lời của ông về chuyện đời, chuyện làm khoa học của một nhà toán học Việt Nam tầm cỡ thế giới. Nhiều câu hỏi thú vị và sâu sắc xoay quanh việc nghiên cứu khoa học (NCKH) được nêu ra như, làm thế nào để duy trì lòng say mê NCKH, làm sao thu hút được các nhà toán học về Việt Nam cống hiến, hay làm thế nào để cân bằng về hướng nghiên cứu giữa cuộc sống và NCKH rồi hướng nghiên cứu sắp tới của GS Ngô Bảo Châu sau “Bổ đề cơ bản”… Bên cạnh đó là những câu hỏi rất đời thường mà các bạn trẻ tò mò, muốn biết về cuộc sống, gia đình bé nhỏ của ông cũng như một ngày làm việc bình thường của GS… Tất cả các câu hỏi đều được GS trả lời, giảp đáp thấu đáo, tận tình, chân thành trong tiếng vỗ tay liên tục của mọi người tham dự.

Trước đó, một nội dung lớn hơn, đầy thiết thực và cũng không kém phần thú vị, bổ ích đã được truyền tải trong buổi gặp mặt và trò chuyện. Đó chính là “Học như thế nào” (How to learn). Vấn đề này đã được hàng ngàn sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và các trường lân cận chờ đợi một sự phân tích logic mang tính khoa học của GS Ngô Bảo Châu.

Ba câu hỏi: Cái gì là động cơ căn bản cho học tập? Học chữ hay học làm người? Và học như thế nào? - cũng là nhan đề của bài nói chuyện là những gì mà GS Ngô Bảo Châu muốn chia sẻ tại buổi thuyết trình. Với cách diễn đạt khoáng đạt, thông qua nhiều ví dụ, câu chuyện, cách dẫn dụ, kể cả thực tế mà đã và đang trải qua  ông đã đưa ra nhiều gợi ý, đề xuất và tư duy sâu sắc khiến người nghe hài lòng nhưng cũng suy tư.

Không dài dòng, vòng vo, GS Ngô Bảo Châu đã đi thẳng vào vấn đề cần trình bày “Học như thế nào” bằng một lời chia sẻ giản dị: Tôi rất hay được các em học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh hỏi về “bí quyết học tập”.  Tôi thường trả lời “Không có bí quyết gì cả. Quan trọng là niềm say mê.” Trả lời như vậy là một cách né tránh. Không sai nhưng cũng không đầy đủ. Tôi bắt buộc phải trả lời như thế khi mình chưa bao giờ suy nghĩ về vấn đề này một cách thấu đáo. Nhưng không thể nào né tránh được mãi câu hỏi này. Chuẩn bị cho buổi nói chuyện này là cơ hội rất tốt để tôi làm việc này, cái việc mà phải thú thật là rất vất vả nhưng hy vọng là có ích.

Hướng thượng, hướng thiện

Đông đảo mọi người, đặc biệt là sinh viên đến nghe và có cuộc giao lưu thú vị, sôi nổi với GS Ngô Bảo Châu

Đây là thuật ngữ đầu tiên được GS Ngô Bảo Châu  đề cập trong thuyết trình của mình và lặp lại khá nhiều trong buổi trò chuyện của mình.

GS tin rằng, con người sinh ra ngoài hai bản năng cơ bản là duy trì cuộc sống và duy trì nòi giống, còn có một bản năng khác nữa: đó là bản năng hướng thượng, hướng thiện. Đó là hướng đến những điều cao cả, tốt đẹp trong cuộc sống. Lấy ví dụ về một đứa trẻ, ông cho rằng, trong đứa trẻ không có sẵn một tâm hồn cao thượng, nhưng đã có sẵn tiềm năng để xây dựng nên từ đó cái tâm hồn ấy. Cái tiềm năng ấy được triển khai trong học tập và là động cơ chính cho việc học tập.

Tuy nhiên, theo ông, bản năng hướng thượng, hướng thiện luôn phải vật lộn với hàng loạt bản năng xấu: tính lười biếng, tính đố kỵ, tính gian dối, tính hiếu thắng, tự phụ. Nếu bị các yếu tố khác làm tha hóa, thì cơ hội của nó làm động cơ cho học tập có lẽ sẽ không còn mấy.

Học chữ hay học làm người?

Gần đây, trên báo chí có khá nhiều người ở đặt ra câu hỏi “Cần học chữ hay học làm người?” Hoặc giữa hai cái, cần học cái nào trước. Câu hỏi này thực ra tối nghĩa. Học chữ, là tiếp thu kiến thức. Còn học làm người là như thế nào, hẳn có nhiều cách hiểu khác nhau…. - GS Châu đặt vấn đề.

Ngày nay nhiều người băn khoăn về chức năng của trường học phải dạy chữ hay dạy kỹ năng sống, nghệ thuật sống? Có vẻ như càng ngày càng có nhiều người ngả về quan điểm hiện đại: “Trường học phải dạy cho trẻ kỹ năng sống”. Tôi tán đồng với quan điểm cổ điển của nữ triết học người Đức Hannah Arendt, rằng: “Chức năng của nhà trường là dạy cho trẻ thế nào là thế giới, chứ không phải là rèn cho chúng nghệ thuật sống”. Mà ẩn trong đó có cả câu trả lời cho câu hỏi học làm người theo nghĩa rộng. Học làm người là học về thế giới, trong đó có thế giới tự nhiên và thế giới con người, để mỗi cá nhân nhận thức được vị trí của mình ở trong đó, nhận thức hết các tương tác giữa cá nhân mình với những người khác, để triển khai mọi tiềm năng của mình, để hoàn thiện mình và đồng thời làm cho thế giới xung quanh trở thành một nơi an toàn, thân thiện hơn cho cuộc sống”.

Để trẻ có kỹ năng sống, người lớn phải là tấm gương


Để trẻ có kỹ năng sống, người lớn phải là tấm gương -GS Ngô Bảo Châu nhấn mạnh đều này. Những người có bổn phận làm người lớn, đừng bao giờ quên rằng dù muốn hay không muốn, chúng ta luôn là tấm gương để cho trẻ soi vào. Ngoài trách nhiệm cho trẻ một mái nhà, cung cấp thức ăn cho đủ no, quần áo cho đủ mặc, người làm cha mẹ luôn phải tâm niệm rằng mình cư xử ngày hôm nay như thế nào, ngày mai trẻ sẽ cư xử giống như thế.

Theo GS Châu, nếu người lớn biết cư xử đúng mực thì trẻ con không cần đi học những lớp kỹ năng sống nữa. Và người có trách nhiệm chính trong việc giáo dục hành vi cho trẻ là cha mẹ, gia đình, chứ không phải nhà trường. Những bài lên lớp của thầy cô giáo không có tác dụng nhiều lên hành vi của đứa trẻ như chính hành vi của cha mẹ nó. “Tôi không muốn nói rằng trường học hoàn toàn không có chức năng giáo dục hành vi cho trẻ nhỏ. Trong tâm hồn trẻ nhỏ, thầy cô giáo có một vị trí thiêng liêng, có lẽ thiêng liêng hơn bố mẹ, vì thế nên cách ứng xử của các thầy cô trong cuộc sống nhà trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp hành vi của học sinh. Nhưng không vì thế mà cha mẹ có thể chút toàn bộ trách nhiệm giáo dục hành vi của trẻ lên vai thầy cô giáo” – GS Châu nói.

Vai trò của giáo dục nhân văn trong sự hình thành nhân cách

Một sinh viên hỏi: Việc lập gia đình sớm có ảnh hưởng đến việc nghiên cứu khoa học của Giáo sư?

Tôi để ý, ở bất kỳ cuộc giao lưu nảo các bạn cũng đặt câu hỏi như thế này cho tôi.

Việc tôi lập gia đình sớm có ảnh hưởng tốt đến sự nghiệp NCKH của tôi. Người vất vả thực sự không phải là tôi mà là vợ tôi. Cuộc sống gia đình ấm áp là nơi cho tôi bình yên nghiên cứu khoa học.

Đây là vấn đề được GS Châu đặc biệt đề cao và ông dẫn lời của triết học gia Hannah Arendt cho rằng, việc học - đó là cố gắng để hiểu thế giới xung quanh, trong đó có thế giới tự nhiên và thế giới con người. Nó bắt người ta phải nhận thức về sự tồn tại của người khác, là điều kiện để phân biệt giữa thiện và ác. Nhưng chỉ biết phân biệt thiện và ác thôi không đủ, thậm chí nguy hiểm, nếu coi việc hình thành nhân cách chỉ đơn giản là phân biệt giữa thiện và ác.

Trong buổi nói chuyện, không ít lần GS Ngô Bảo Châu lấy những kinh nghiệm giáo dục của nước Đức để thuyết phục cho bài nói. Ông đánh giá cao cách dạy lịch sử cho trẻ em ở Đức.

Theo ông, chức năng của giáo dục nhân văn không phải là ngợi ca cái thiện, phê bình cái ác mà là giúp con người tìm đến sự thực và để cảnh giác với sự dối trá cả của người khác và của chính mình. Cảnh giác với bản năng lười nhác, ích kỷ và hèn nhát, những cái rất giỏi ngụy trang trong tấm áo thiện tâm để dắt tay con người đi về địa ngục, cái không phải gì khác mà chính là sự tha hóa hoàn toàn của tâm hồn con người. Giáo dục nhân văn nghiêm túc rèn cho chúng ta thái độ nỗ lực không mệt mỏi trong cố gắng đi tìm sự thật cùng với khả năng chiêm nghiệm bằng tư duy vì nếu chỉ chiêm nghiệm bằng xúc cảm, con người rất dễ bị đánh lừa.

Vai trò của giáo dục nhân văn là dắt tay con người đi theo “biển chỉ đường của trí tuệ” để đi về với cái chân thiện, chân mỹ.

Ngôn ngữ và thái độ khoa học

Nhiều sinh viên...

GS Châu cho rằng, bản năng hướng thượng, hướng thiện là động cơ của học tập, nó không phải là công cụ. Con người biểu đạt sự hiểu biết về thế giới khách quan bằng lời. Con người thụ hưởng vốn hiểu biết mà nhân loại tích tụ được thông qua ngôn ngữ.

Vấn đề không phải đem những kiến thức khoa học tiên tiến nhất đến cho học sinh, vì có muốn cũng không làm được. Vấn đề cũng không phải là tập trung rèn luyện cho học sinh kỹ năng tính toán để phục vụ cho những nhu cầu hàng ngày. Cái cần làm trang bị cho học sinh phương pháp tư duy khoa học: định hình rõ nét khái niệm, liên hệ những khái niệm đó với thế giới khách quan, biết lập luận, biết tính toán để đưa ra những luận điểm cụ thể, kiểm chứng những luận điểm đó với thế giới khách quan. 

Sức sống của một bộ môn khoa học thể hiện ở chỗ từ một hệ thống khái niệm, tiên đề chấp nhận được, bằng tính toán và lập luận, người ta có thể đưa ra những giải thích chưa biết cho những hiện tượng đã biết, hoặc là tiên đoán về những hiện tượng chưa được biết đến – GS Ngô Bảo Châu kết luận.

Học như thế nào?

Đây là câu hỏi chính và cũng là vấn đề cuối cùng được đề cập trong thuyết trình của nhà toán học nổi tiếng thế giới Ngô Bảo Châu.

Theo GS, ngày xưa để học được chữ thánh hiền, cái quan trọng nhất là cần có chí. Cái chí để đi bắt đom đóm bỏ vào lọ làm đèn mà đọc sách thâu đêm. Trong công việc học tập bây giờ, trong việc tiếp thu kiến thức khoa học của nhân loại tưởng như vô hạn, chỉ có chí thôi chắc là không đủ.

Rất ít khi người ta chơi trò gì một mình. Để cho cuộc chơi thực sự cuốn hút, để cho người chơi có thể thực sự triển khai mọi tiềm năng tư duy của mình để đi đến những kết quả bất ngờ, đi đến sáng tạo, cuộc chơi phải có bạn chơi và phải có trọng tài.

... và cán bộ giảng dạy, nghiên cứu trẻ cũng tham dự và hào hứng đặt câu hỏi "quay" GS Ngô Bảo Châu.

Để minh hoạ quan điểm này, GS Châu đã đưa ra một gợi ý nhỏ, nhưng rất nghiêm túc. Đó là, nhờ vào internet, hiện tại người ta có thể tìm được rất nhiều tài liệu học tập miễn phí ở trên mạng. Một số trường đại học có tên tuổi như MIT, Stanford còn tổ chức công bố miễn phí hầu hết các tư liệu học tập. Thay bằng việc phải bỏ ra 50.000 đô-la một năm để đến đó học (mà không phải cứ có 50.000 đô-la là đã được nhận vào học), thì bạn có thể truy cập miễn phí các tư liệu học tập, theo dõi các bài giảng video. Vậy là bạn cứ ngồi ở Hà Nội, hay Sài Gòn là cũng có thể học như sinh viên ở MIT hay ở Stanford.

Tuy nhiên, GS Ngô Bảo Châu cũng lưu ý các bạn trẻ: “Trừ khi bạn có một ý chí sắt đá, dù có được cung cấp tất cả mọi tài liệu trên đời, dù được theo dõi miễn phí các bài giảng, ở nhà một mình bạn vẫn không thể học được. Bởi vì ngồi theo dõi bài giảng trên mạng một mình không phải là một cuộc chơi thú vị: không có địch thủ, không có đồng đội, không có lộ trình, không thấy mục tiêu, không thấy giải thưởng. Đó là những thứ không liên quan trực tiếp đến nội dung khoa học của bài giảng, nhưng đó là cái mà người đi học cần để phấn đấu liên tục. Học một mình, bạn có thể tập trung cao độ trong một hai ngày cho đến một tuần. Nhưng bạn cần có tập thể, có lớp học, có thầy giáo để duy trì nỗ lực học tập”.

Một gợi ý khác cho sinh viên là việc tự tổ chức cùng học theo giáo trình được cung cấp trên mạng, kể cả trong các lớp học chính khoá. Các thầy không nhất thiết phải giảng cả buổi nữa, mà có thể cho sinh viên xem bài giảng trên mạng, có thể làm trước phụ đề tiếng Việt, sau đó dành thời gian để giải thích thêm, trả lời câu hỏi của sinh viên, và hướng dẫn làm bài tập. Và cuối cùng là tổ chức thi cử nghiêm túc. Tất nhiên gợi ý thì dễ, mà làm thì khó, nhưng tôi không tin là việc này không thể làm được.

Với gợi ý có tính suy tưởng này, GS Ngô Bảo Châu hy vọng làm nổi lên được tầm quan trọng của việc tổ chức học tập. Đó là, học tập là một hoạt động tập thể và có tổ chức. Nếu thiếu một tập thể có tổ chức, con người nói chung không có khả năng duy trì nỗ lực của mình trong một thời gian dài. Thiếu tranh biện con người nhanh chóng lạc vào con đường chủ quan, con đường luôn dẫn đến cái đích là sự bế tắc. Bản tính con người là hiếu thắng, cái cần thiết để tạo ra sự sôi động trong tranh luận, những cũng là cái làm tha hóa cuộc tranh luận, biến nó thành chiến trường để người này đè bẹp người kia. Vì vậy trong mọi cuộc chơi tập thể cần có một luật chơi lành mạnh để sự cạnh tranh chỉ tạo ra nỗ lực giúp cho mỗi người vượt lên chính mình, chứ không phải là cớ để thỏa mãn bản năng hiếu thắng. Và cuộc chơi cần một người trọng tài, nắm vững luật lệ và có thẩm quyền điều khiển cuộc chơi.

PGS.TS Phạm Hoàng Lương - phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa - tặng kỷ niệm chương cho GS Ngô Bảo Châu
sau buổi thuyết trình.
Dẫn chứng nhiều ví dụ về sự phá bỏ luật lệ một cách dễ dàng, GS Châu cho rằng, vấn đề lớn nhất, đó là sự tha hóa của cả hệ thống.

Đề cập đến vấn đề thi cử nghiêm túc, GS Ngô Bảo Châu nhắc lại câu chuyện rất buồn của ngành giáo dục - sự kiện Đồi Ngô (về sự kiện gian lận thi cử tốt nghiệp THPT tại Trường THPT Dân lập Đồi Ngô, Lục Nam, Bắc Giang năm 2012 - PV) và cho rằng, đây là một sự kiện vô cùng đặc biệt, vì chuyện thí sinh quay phim giám thị vi phạm qui chế thi là chưa có tiền lệ trong lịch sử nhân loại. Câu chuyện buồn này phản ánh rõ nét sự tha hoá của hệ thống – GS Châu nói.

Chủ nhân giải thưởng Fields 2010 cũng chia sẻ thêm về trường ĐH Chicago nơi ông đang làm việc: Có lẽ cũng phải trả lời câu hỏi, cái gì là “bí quyết thành công” của họ. Vào thời điểm hiện tại thì ta có thể nói rằng lý do thành công của họ là họ rất giàu, có nhiều giáo sư giỏi, có cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại. Nhưng nói như thế là nhầm lẫn giữa kết quả và nguyên nhân. Ban đầu, họ không giàu, mà cũng không có nhiều người thực sự xuất sắc nếu so với các trường đại học ở châu Âu vào cùng thời. Tất nhiên không có một câu trả lời duy nhất cho hỏi này, nhưng một nguyên nhân chắc chắn phải nhắc đến là tinh thần “fair-play”, mọi hành vi ăn gian đều bị trừng trị một cách vô cùng nghiêm khắc!.

Tôi cho rằng sự trung thực là một hành vi khó mà học được từ trong sách vở. Để trẻ học được tính trung

Ngày 15/3, GS Ngô Bảo Châu tiếp tục có buổi thuyết trình tại Trường Đại học Mở TP. HCM. Đây là một trong những sự kiện nằm trong chương trình “Những cầu nối - Đối thoại hướng tới nền văn hóa hòa bình” lần thứ 4 tổ chức tại Đông Nam Á.

thực, trước hết người lớn phải học được tính trung thực, để mà tự biết làm gương.  

Tôi đã nói nhiều về sự cần thiết của việc tổ chức học tập và tính kỷ luật và tính trung thực. Tính kỷ luật, tôn trọng tập thể và tính trung thực là những cái mà mỗi người phải rèn luyện để mỗi người có thể duy trì nỗ lực học tập trong cuộc chơi tập thể, mỗi người có cơ hội vượt lên chính mình nhờ vào sự cạnh tranh lành mạnh với những người cùng chơi.

Kết thúc bài nói chuyện, GS Ngô Bảo Châu nhấn mạnh: Tính kỷ luật và trung thực tất nhiên là không đủ. Cái còn thiếu chính là “niềm say mê” mà tôi nhắc đến lúc bắt đầu. Say mê đi tìm cái mới, cái chưa biết, tìm lời giải thích cho những gì còn chưa hiểu. Niềm say mê đi từ đâu đến? Thú thực là tôi không biết chắc chắn, và vì thế mà tôi giả sử rằng con người sinh ra với một bản năng hướng thượng, nói cách khác là đã có sẵn trong mình mầm mống của niềm ham mê. Tôi nghĩ rằng, thực ra câu hỏi niềm ham mê sinh ra từ đâu không quan trọng bằng làm thế nào để gìn giữ niềm ham mê, và không để cho nó bị tha hoá. Niềm đam mê, tính hướng thượng hướng thiện là động cơ cho việc học tập, và chính việc học tập đích thực là cái nuôi dưỡng sự hướng thượng hướng thiện bởi những giá trị nhân văn chân thiện, chân mỹ, bởi tình yêu sự thật, và bởi niềm hạnh phúc của sự khám phá, để vượt qua biên giới giữa những gì đã biết và những gì chưa biết.

Một người bạn của GS Ngô Bảo Châu có góp ý rằng bên cạnh sự ham mê, cần phải nêu thêm tính quả cảm nữa. Sự quả cảm là cái bạn cần để không để tính lười biếng, hèn nhát dụ dỗ mà quay lưng lại với sự thật. Sự quả cảm cũng là cái bạn rất cần để khi đi tìm những cái gì chưa biết. Bạn có tập thể, có đồng đội để cùng học tập, tiến bộ. Dựa vào kinh nghiệm cá nhân, GS Ngô Bảo Châu cho rằng: “Khi đã vượt qua biên giới của những gì đã biết để thực sự đuổi theo cái chưa biết, bạn rất cần tính quả cảm vì vào thời điểm đó, bạn thường phải chạy một mình, mà trong một số trường hợp bạn sẽ phải chạy một mình rất lâu”.

Một SV khác hỏi: Một ngày bình thường của Giáo sư như thế nào?

Một ngày thường của tôi khi làm ở Viện nghiên cứu cao cấp về Toán là họp từ sáng đến tối.

Còn khi tôi ở ĐH Chicago (Mỹ), thì đơn giản và đơn điệu. Ngoài công việc gia đình, sáng tôi đến cơ quan đúng giờ. Tôi tôn trọng kỷ luật nên đi làm đúng giờ, dù không ai kiểm soát tôi đi - đến giờ nào.

Đúng giờ, tôi gặp sinh viên và nghiên cứu sinh, những người làm việc với tôi. Tôi có quy định với họ, kể cả trong trường hợp bạn có hay không có ý tưởng mới, cứ đúng giờ là phải đến gặp tôi. Nếu không có nguyên tắc đó thì chúng ta sẽ nhanh chóng sa lầy. Phải hết sức tôn trọng kỷ luật. Nhiều khi rất khó chịu khi phải gặp nhau vì không có gì để nói nhưng chính sự khó chịu đó làm cho bạn phải phấn đấu, cố gắng tìm ra cái gì đó để lần gặp sau đỡ ngượng”.

Sáng tôi thường gặp gỡ sinh viên, cố gắng giải quyết tất cả các vấn đề, trả lời email; buổi chiều làm việc. Buổi tối ở nhà, tôi hay ngồi tâm sự với con gái bé, tâm sự với bạn ấy rất là thích. Sau khi bạn ấy đi ngủ, tôi đọc sách.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ngô Bảo Châu - Rạng danh trí tuệ Việt Nam
Ngô Bảo Châu - Rạng danh trí tuệ Việt Nam

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia phối hợp với Báo điện tử Vietnamnet vừa xuất bản và phát hành cuốn sách Ngô Bảo Châu - Rạng danh trí tuệ Việt Nam  

Ngô Bảo Châu - Rạng danh trí tuệ Việt Nam

Ngô Bảo Châu - Rạng danh trí tuệ Việt Nam

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia phối hợp với Báo điện tử Vietnamnet vừa xuất bản và phát hành cuốn sách Ngô Bảo Châu - Rạng danh trí tuệ Việt Nam  

GS Ngô Bảo Châu nhận danh hiệu Giáo sư xuất sắc
GS Ngô Bảo Châu nhận danh hiệu Giáo sư xuất sắc

ĐH Chicago vừa thông báo GS Ngô Bảo Châu là một trong 6 Giáo sư của ĐH Chicago vừa vinh dự nhận được danh hiệu Giáo sư xuất sắc.  

GS Ngô Bảo Châu nhận danh hiệu Giáo sư xuất sắc

GS Ngô Bảo Châu nhận danh hiệu Giáo sư xuất sắc

ĐH Chicago vừa thông báo GS Ngô Bảo Châu là một trong 6 Giáo sư của ĐH Chicago vừa vinh dự nhận được danh hiệu Giáo sư xuất sắc.  

Viện toán ở Canada vinh danh Giáo sư Ngô Bảo Châu
Viện toán ở Canada vinh danh Giáo sư Ngô Bảo Châu

(VOV) - Lễ khai mạc Hội nghị chuyên đề vinh danh Giáo sư Ngô Bảo Châu diễn ra trang trọng vào tối 15/10.

Viện toán ở Canada vinh danh Giáo sư Ngô Bảo Châu

Viện toán ở Canada vinh danh Giáo sư Ngô Bảo Châu

(VOV) - Lễ khai mạc Hội nghị chuyên đề vinh danh Giáo sư Ngô Bảo Châu diễn ra trang trọng vào tối 15/10.

Thăm nơi làm việc của GS Ngô Bảo Châu tại Mỹ
Thăm nơi làm việc của GS Ngô Bảo Châu tại Mỹ

(VOV) - Khác với hình dung của nhiều người, phòng làm việc của GS Ngô Bảo Châu tại Đại học Chicago, Hoa Kỳ hết sức đơn sơ và khiêm nhường.

Thăm nơi làm việc của GS Ngô Bảo Châu tại Mỹ

Thăm nơi làm việc của GS Ngô Bảo Châu tại Mỹ

(VOV) - Khác với hình dung của nhiều người, phòng làm việc của GS Ngô Bảo Châu tại Đại học Chicago, Hoa Kỳ hết sức đơn sơ và khiêm nhường.

Giáo sư Ngô Bảo Châu: Cần có tinh thần quả cảm
Giáo sư Ngô Bảo Châu: Cần có tinh thần quả cảm

(VOV) - Theo ông, sự quả cảm không để chỗ cho sự lười biếng, hèn nhát dụ dỗ quay lưng lại với sự thật.

Giáo sư Ngô Bảo Châu: Cần có tinh thần quả cảm

Giáo sư Ngô Bảo Châu: Cần có tinh thần quả cảm

(VOV) - Theo ông, sự quả cảm không để chỗ cho sự lười biếng, hèn nhát dụ dỗ quay lưng lại với sự thật.

Ngô Bảo Châu- Nhà lãnh đạo trẻ thế giới
Ngô Bảo Châu- Nhà lãnh đạo trẻ thế giới

Giáo sư Ngô Bảo Châu vừa được trao tặng danh hiệu Nhà lãnh đạo trẻ thế giới vì những đóng góp cho xã hội và tầm ảnh hưởng trong tương lai.

Ngô Bảo Châu- Nhà lãnh đạo trẻ thế giới

Ngô Bảo Châu- Nhà lãnh đạo trẻ thế giới

Giáo sư Ngô Bảo Châu vừa được trao tặng danh hiệu Nhà lãnh đạo trẻ thế giới vì những đóng góp cho xã hội và tầm ảnh hưởng trong tương lai.

3 "công chúa" nhà GS Ngô Bảo Châu về Việt Nam trải nghiệm
3 "công chúa" nhà GS Ngô Bảo Châu về Việt Nam trải nghiệm

Ba chị em tiếp tục mang tới cho các bệnh nhi của Lớp học Hy vọng BV Nhi TƯ những giờ phút vui vẻ cùng nụ cười sảng khoái.

3 "công chúa" nhà GS Ngô Bảo Châu về Việt Nam trải nghiệm

3 "công chúa" nhà GS Ngô Bảo Châu về Việt Nam trải nghiệm

Ba chị em tiếp tục mang tới cho các bệnh nhi của Lớp học Hy vọng BV Nhi TƯ những giờ phút vui vẻ cùng nụ cười sảng khoái.

GS Ngô Bảo Châu được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Mỹ
GS Ngô Bảo Châu được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Mỹ

Được bầu làm Viện sĩ vừa là vinh dự cho thành viên với việc ghi nhận các thành tựu nghiên cứu, đồng thời cũng nhằm kêu gọi các thành viên cống hiến 

GS Ngô Bảo Châu được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Mỹ

GS Ngô Bảo Châu được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Mỹ

Được bầu làm Viện sĩ vừa là vinh dự cho thành viên với việc ghi nhận các thành tựu nghiên cứu, đồng thời cũng nhằm kêu gọi các thành viên cống hiến 

Ngỡ ngàng thăm nơi làm việc của GS Ngô Bảo Châu tại Mỹ
Ngỡ ngàng thăm nơi làm việc của GS Ngô Bảo Châu tại Mỹ

(VOV) - Ít ai tưởng tượng được phòng làm việc của GS Ngô Bảo Châu tại Đại học Chicago lại hết sức giản dị và khiêm nhường như vậy.

Ngỡ ngàng thăm nơi làm việc của GS Ngô Bảo Châu tại Mỹ

Ngỡ ngàng thăm nơi làm việc của GS Ngô Bảo Châu tại Mỹ

(VOV) - Ít ai tưởng tượng được phòng làm việc của GS Ngô Bảo Châu tại Đại học Chicago lại hết sức giản dị và khiêm nhường như vậy.

GS Ngô Bảo Châu được Viện Fields  vinh danh
GS Ngô Bảo Châu được Viện Fields vinh danh

(VOV) - Hội nghị chuyên đề nhằm vinh danh nhà toán học Ngô Bảo Châu sẽ diễn ra từ ngày 15 - 18/10/2012 tại Viện Fields ở Canada.

GS Ngô Bảo Châu được Viện Fields  vinh danh

GS Ngô Bảo Châu được Viện Fields vinh danh

(VOV) - Hội nghị chuyên đề nhằm vinh danh nhà toán học Ngô Bảo Châu sẽ diễn ra từ ngày 15 - 18/10/2012 tại Viện Fields ở Canada.