Khó xử phạt hành vi ngoại tình và quấy rối tình dục?

(VOV) -Những Nghị định về xử phạt này giống như đánh đố người thi hành, chưa kể đây là những hành vi rất khó bắt quả tang.

Vừa rồi có những qui định thực thi pháp luật được dự thảo, liên quan đến mục tiêu lớn do Đảng và Nhà nước ta đề ra là xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc. Luật hóa những vấn đề nhạy cảm, tế nhị liên quan đến con người và gia đình không phải là điều dễ làm, nên mới dự thảo đã bộc lộ tính bất khả thi.

Có 2 dự thảo nghị định liên quan đến lĩnh vực này được dư luận quan tâm nhất. Một là dự thảo Nghị định do Bộ Tư pháp xây dựng, qui định xử phạt từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với người đã có vợ hoặc chồng nhưng vẫn “sống như vợ như chồng” với người khác, nói gọn lại là hành vi ngoại tình.

Hai là dự thảo Nghị định do Bộ Lao động–Thương binh–Xã hội xây dựng, qui định phạt tiền từ 50 đến 75 triệu đồng đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Đa số ủng hộ cơ quan chức năng can thiệp vào những hành vi về bản chất là phạm pháp ấy. Tuy nhiên, đa số cũng cho rằng, đề ra như vậy chỉ để gọi là có qui định, chứ rất khó thực thi.

Nhưng trước khi bàn về tính bất khả thi ấy, xin được khẳng định đây là cố gắng đáng ghi nhận của cơ quan hành pháp nhằm bảo vệ hạnh phúc gia đình. Việc này càng có ý nghĩa lớn, bởi năm nay được Nhà nước ta được lấy làm Năm Gia đình với chủ đề “Kết nối yêu thương”.

Không có thống kê trên tổng thể nhưng một số liệu điều tra gần đây cho thấy, khoảng 80% số vụ ly hôn có liên quan đến “người thứ ba”. Còn những vụ đánh ghen, công khai hạ nhục người khác ở cơ quan hay tại nơi công cộng thì không kể hết được, nguyên nhân hầu hết không phải do ngoại tình thì cũng vì bị quấy rối tình dục.

Và bao nhiêu trường hợp khác chưa bị lộ, bao nhiêu gia đình đang lục đục mà vẫn phải cố duy trì, bao nhiêu em nhỏ thiếu sự quan tâm của cha hoặc mẹ, bao nhiêu trẻ vị thành niên mất phương hướng lang thang sa vào tệ nạn xã hội... thì đó là những câu hỏi khó mà trả lời cho thỏa đáng.

Ngoại tình là phạm pháp thì rõ rồi. Hành vi này đã được qui định bởi Luật hôn nhân gia đình và kể cả Luật hình sự. Không chỉ vi phạm pháp luật, ngoại tình còn làm xói mòn đạo đức, làm tan vỡ từng tế bào của xã hội, nên nhẹ thì xử phạt hành chính, nặng có thể phải vào tù.

Điều dư luận băn khoăn là mức phạt theo qui định mà Bộ Tư pháp đang dự thảo mang tính “tượng trưng” quá. Nộp phạt từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng chưa đủ sức răn đe, thậm chí nhiều người sẵn sàng nộp phạt. Còn đối với hành vi quấy rối tình dục, mới đây đã được đưa vào Bộ luật Lao động sửa đổi. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định của Bộ Lao động–Thương binh–Xã hội chưa làm rõ thế nào là quấy rối tình dục, nên khi áp dụng có thể vừa oan sai vừa bỏ sót. Nhiều trường hợp bị quấy rối tình dục trong thời gian dài dẫn đến nạn nhân bị sốc tâm lý, thậm chí tự tử thì phạt hành chính bao nhiêu tiền vẫn là nhẹ, mà phải xử lý hình sự, song cũng chưa có qui định rõ ràng.

Vẫn biết là việc Luật hóa những vấn đề nhạy cảm, tế nhị liên quan đến con người và gia đình không hề dễ dàng, song vội vàng theo kiểu làm cho có qui định thì cũng giống như đánh đố người thi hành. Chưa kể đây là những hành vi rất khó bắt quả tang.

Riêng đối với ngoại tình, nhiều ý kiến cho rằng không nên xử phạt bằng tiền, bởi như thế chẳng khác nào coi giấy đăng ký kết hôn là “hợp đồng kinh tế”, ai phá vỡ hợp đồng thì phải nộp phạt?! Vì vậy, thay vì phạt tiền có thể sử dụng những hình thức khác hiệu quả hơn, chẳng hạn như thông báo về cơ quan hoặc tổ dân phố nơi người vi phạm làm việc và sinh sống, hay là phạt lao động công ích...

Mục tiêu của chính sách về gia đình của chúng ta là bảo vệ những tế bào cơ bản này trước bão táp của cuộc sống, làm sao để mỗi gia đình là một tổ ấm hạnh phúc ổn định, bền vững. Ở đó, từng thành viên có điều kiện phát triển tự do cá nhân trên cơ sở đảm bảo thực hiện đầy đủ trách nhiệm, bổn phận và nghĩa vụ của mình. Ở đó, những thiết chế như giáo dục, đạo đức có hiệu quả hơn nhiều so với các qui định hành chính, luật pháp.

Song, đối với những người cố tình vi phạm, thậm chí thường xuyên tái phạm thì rõ ràng là họ đã tự đánh mất quyền tự do của chính mình, đồng thời xâm phạm quyền tự do của người khác, cần phải điều chỉnh bằng luật pháp.

Vấn đề là cơ quan chức năng xây dựng và vận dụng những chế tài xử lí hành vi ngoại tình hay quấy rối tình dục như thế nào để vừa mềm dẻo vừa không đánh mất tính nghiêm minh của pháp luật mà thôi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nghiêm cấm quấy rối phụ nữ ở nơi làm việc
Nghiêm cấm quấy rối phụ nữ ở nơi làm việc

(VOV) - Bộ Luật Lao động mới (có hiệu lực từ 5/2013) lần đầu tiên nghiêm cấm các hành vi quấy rối tình dục ở nơi làm việc.

Nghiêm cấm quấy rối phụ nữ ở nơi làm việc

Nghiêm cấm quấy rối phụ nữ ở nơi làm việc

(VOV) - Bộ Luật Lao động mới (có hiệu lực từ 5/2013) lần đầu tiên nghiêm cấm các hành vi quấy rối tình dục ở nơi làm việc.

Có lắng nghe, xử phạt mới đúng
Có lắng nghe, xử phạt mới đúng

(VOV) -Một văn bản quy phạm pháp luật thực sự phù hợp với người dân phải được xem xét kỹ càng, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đa chiều.

Có lắng nghe, xử phạt mới đúng

Có lắng nghe, xử phạt mới đúng

(VOV) -Một văn bản quy phạm pháp luật thực sự phù hợp với người dân phải được xem xét kỹ càng, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đa chiều.