Kỳ thi tốt nghiệp THPT: Góc nhìn đa chiều
VOV.VN -Loạt bài “Thi tốt nghiệp THPT- góc nhìn đa chiều” là tiếng nói của đông đảo học sinh, phụ huynh, giáo viên và các chuyên gia...
LTS: Dự thảo Đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo” do Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ GD-ĐT xây dựng sẽ trình Hội nghị Trung ương 8 của Đảng Cộng sản Việt Nam xem xét trong tháng 10/2013 đã đưa ra 9 nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy nền giáo dục phát triển. Một trong những nhiệm vụ then chốt là đổi mới thi cử và tuyển sinh.
Tại Hội nghị bàn tròn “Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam hiện nay” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã chia sẻ nhiều trăn trở về giáo dục đào tạo hiện nay, trong đó có việc đánh giá chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT. Phó Chủ tịch nước lo ngại rằng, với kết quả thi như hiện nay, kỳ thi này không có hiệu quả.
Tuy vậy, theo Bộ GD-ĐT, từ nay đến năm 2015 vẫn sẽ tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Gần đây nhất, Bộ GD-ĐT một lần nữa khẳng định, trong thời gian tới, việc xếp loại học sinh THPT có thể theo hình thức đánh giá chất lượng học tập của các em trong suốt quá trình học (lớp 10, 11, 12) kèm theo kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây cũng là tiền đề hướng tới việc bỏ kỳ thi ĐH, CĐ trong tương lai.
Để giúp độc giả hiểu hơn về tác động của 2 kỳ thi này tới hệ thống giáo dục, đặc biệt là đối với học sinh, phụ huynh, giáo viên và nhà trường cũng như đông đảo tầng lớp nhân dân, báo Điện tử VOV thực hiện loạt bài:“Thi tốt nghiệp THPT- góc nhìn đa chiều”.
Đây cũng là tiếng nói góp phần hướng tới một nền giáo dục toàn diện và chất lượng, phục vụ lợi ích và tâm nguyện của người học, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội.
Mời các bạn đón đọc bài 3 trong loạt bài này: Bỏ hay giữ thi tốt nghiệp THPT: Cần nhiều “đường ra” cho HS