Kỳ vọng thái quá từ cha mẹ “trói” con vào những áp lực vô hình

VOV.VN - “Con đã cố gắng hết sức, nhưng vẫn không đạt được kết quả như mong muốn của bố mẹ, có cách nào để bố mẹ không tạo áp lực không, con rất sợ”.

Đây là chia sẻ của một nam sinh tại Hải Phòng khi chia sẻ về mối quan hệ của bản thân và bố mẹ trong gia đình.

Có cùng tâm sự, Nguyễn Quang Minh, học sinh lớp 9 vừa trải qua kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hải Dương chia sẻ, em đang thấp thỏm từng ngày để đợi điểm thi, điều em sợ hãi nhất là không đỗ được trường chuyên như kỳ vọng của bố mẹ. “Sau khi so sánh lại đáp án, biết em làm sai một số câu trong bài thi Toán, mẹ em rất buồn và giận. Khi một người họ hàng hỏi thăm rằng em có làm được bài không, mẹ em nói “ăn hại rồi”. Lúc đó em vừa cảm thấy buồn, xấu hổ và vô cùng áp lực”.

Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững MSD cho biết, trong chuỗi hội thảo chia sẻ kết quả Báo cáo Tiếng nói Trẻ em Việt Nam được thực hiện vào tháng 4 vừa qua tại 7 tỉnh, thành phố, nhiều em học sinh đã chia sẻ về những vấn đề trong mối quan hệ gia đình rằng các em chưa thực sự được lắng nghe và tham gia về các vấn đề liên quan đến bản thân và gia đình như việc học tập, định hướng nghề nghiệp, vui chơi giải trí,…

Một vài ý kiến tiêu biểu như:  “Bố mẹ em tự ý sắp đặt tương lai của em, em muốn học nghề nhưng bố mẹ lại muốn em học đại học để phát triển bản thân. Em đã nói chuyện với bố mẹ rồi nhưng không khả quan. Em chưa có giải pháp gì”,  “Em mong bố mẹ không ép con trong học tập, thay vào bố mẹ nên lắng nghe và giúp con sửa lỗi sai, không dùng bạo lực với con”...

Là những người làm cha, làm mẹ, mỗi người đều ít nhiều đặt kỳ vọng vào những đứa con của mình. Điều này xuất phát từ tình yêu thương, bởi bất cứ bậc cha mẹ nào cũng mong muốn và nỗ lực dành cho con em mình những gì tốt nhất và mong muốn con có cuộc sống tốt đẹp, thành công. Vì thế, rất nhiều cha mẹ đặt áp lực vào con cái trong chuyện học tập, lựa chọn nghề nghiệp theo ý mình mà quên mất các con cũng có những suy nghĩ, những mong muốn ước mơ riêng.

Những kỳ vọng quá lớn tạo cho trẻ những áp lực, lo âu

Theo ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc cha mẹ đặt kỳ vọng và áp lực cho con sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực: “Hiện nay trong một số gia đình, cha mẹ chưa quan tâm tới suy nghĩ của trẻ, không đặt trẻ ở vị trí trung tâm. Các phụ huynh mong muốn, kỳ vọng ở trẻ rất lớn. Mong muốn, kỳ vọng thì không sai, nhưng nếu bố mẹ không tìm hiểu mong muốn sở trường của con, không đặt mình vào vị thế của trẻ, có những kỳ vọng rất lớn thì sẽ tạo ra cho trẻ sự căng thẳng, mệt mỏi, lo âu. Mỗi người sinh ra có sở trường khác nhau.

Chúng ta không thể bắt một trẻ có thiên hướng về âm nhạc hội họa đi học bác sĩ. Khả năng con mình chỉ có vậy nhưng lại yêu cầu con phải học trường chuyên lớp chọn. Nếu trẻ có làm thì cũng không cảm thấy thoải mái, chỉ là chống đối. Vì vậy, chúng ta cần đặt bản thân vào vị trí của trẻ, hiểu suy nghĩ của trẻ, cùng trẻ thực hiện ước mơ. Chúng ta cần dõi theo trẻ, hướng trẻ để làm sao trẻ đều có thể theo đuổi ước mơ, và chúng ta cũng đạt được kỳ vọng, để trẻ không cảm thấy bị bố mẹ ngó lơ suy nghĩ, ý kiến của mình".

Bình luận các quan niệm của cha mẹ và con cái về khoảng cách giữa ước mơ của con, kỳ vọng của cha mẹ, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững MSD chia sẻ: “Cha mẹ thường lấy lý do “vì con" và “cha mẹ là người hiểu con nhất, thậm chí hiểu con hơn cả con" để ngụy biện cho việc áp đặt con theo ý mình. Nếu cha mẹ nhớ lại hồi mình còn trẻ, tôi không biết có bao nhiêu cha mẹ thực sự nghĩ là cha mẹ mình hiểu mình, cha mẹ đã quên mất hồi còn bé mình cũng là một cá nhân có những suy nghĩ độc lập với cha mẹ, có ước mơ và có những định hướng của riêng mình cần được tôn trọng.

Tôi tin rằng cha mẹ “vì lợi ích tốt nhất của con", “hiểu con" cần đồng nghĩa với việc tạo môi trường và những điều kiện, những nền tảng cho con được học tập, khám phá những điểm mạnh, những tiềm năng của bản thân, lắng nghe và tôn trọng con, cùng con thảo luận các giải pháp chứ không phải là gò ép con theo ý mình. Ngoài ra, quan niệm của cha mẹ “tôi làm thế để con thành công" cũng cần phải thay đổi, quá trình con được trải nghiệm, được rèn giũa, được đưa ra các quyết định độc lập cho tương lai của mình, và kể cả quyết định sai và biết sửa chữa, khắc phục và đứng lên từ thất bại cũng quan trọng, cũng là thành công của con".

Theo PGS.TS Lê Văn Hảo- chuyên gia tâm lý, việc các bậc phụ huynh không thật sự thấu hiểu con, gò ép con sống theo lý tưởng của bố mẹ, kỳ vọng quá nhiều dẫn đến gây áp lực cho con vẫn còn khá phổ biến. Lý giải điều này, ông cho biết: “Nguyên nhân sâu xa của việc này đến từ hệ ý thức Nho giáo tồn tại qua nhiều thời đại, hay nhiều bố mẹ vẫn còn quan niệm xưa cũ như “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, và quan niệm trẻ ngoan là trẻ biết vâng lời cha mẹ.

Dù cha mẹ nhân danh tình yêu để dẫn dắt, gò ép con, thì điều này thường dẫn đến những hệ quả không mong muốn vì trẻ không được là chính bản thân mình. Nếu đem con so sánh hay định khuôn mẫu con nên trở thành thế nào có thể khiến trẻ bị “phủ nhận bản thân" tức là nghĩ bản thân của hiện tại không có giá trị, dẫn đến những hậu quả tất yếu về tâm lý và tinh thần. Một đứa trẻ như một mầm cây, nếu đủ nắng, đủ gió, đủ năng lượng,… sẽ này mầm và phát triển kỳ diệu, có thể hơn nhiều so với cha mẹ kỳ vọng".

Cha mẹ hãy là người tạo động lực cho con cái

Chia sẻ về cách thức để cha mẹ có thể đồng hành, truyền động lực cho con cái cũng như thúc đẩy sự tham gia và tiếng nói của trẻ em trong gia đình, PGS.TS Lê Văn Hảo gợi ý phương pháp để cha mẹ và con cái có tiếng nói chung như trong bất cứ tình huống nào cha mẹ cũng nên duy trì mối quan hệ tốt với con để đem lại ảnh hưởng tích cực cho con. Phần lớn những mẫu thuẫn trong gia đình đều tiếp tục khi không có giao tiếp, hoặc giao tiếp không phù hợp khiến cho một trong hai bên bị tổn thương.

Con có thể thay đổi cách truyền đạt nguyện vọng với cha mẹ một cách phù hợp. Cha mẹ cũng có thể thay đổi cách tương tác, lắng nghe con, chuyển từ áp đặt sang hỗ trợ. Cha mẹ phải hiểu con thì mới có thể hỗ trợ con. Như vậy, cha mẹ vừa là người lắng nghe, vừa là người hướng dẫn, cổ vũ con. Khi cha mẹ thay đổi, thì kết quả sẽ thay đổi.

Ông Hảo cũng nhấn mạnh: “Cha mẹ nên dùng phương pháp giáo dục tích cực - Giáo dục tích cực cũng không phải là để con làm gì tuỳ thích mà là việc cùng nhau thảo luận các giới hạn phù hợp, các giới hạn trong gia đình, theo pháp luật, theo xã hội và cuộc sống, để cùng nhau tuân thủ nhưng không hạn chế các tiềm năng của trẻ”.

Còn theo bà Nguyễn Phương Linh, các phụ huynh hãy nghiêm túc trong việc tôn trọng và lắng nghe con, hãy “họp gia đình" dành thời gian để nói chuyện và trao đổi với con ít nhất 1 giờ có chất lượng hàng ngày ngay từ khi con còn nhỏ. Không có công thức chung cho việc nuôi dưỡng một đứa trẻ vì mỗi đứa trẻ là một cá thể khác nhau nhưng có thể có nguyên tắc chung trong việc dành thời gian cho con, tôn trọng và lắng nghe con.

Bà Linh chia sẻ một bí kíp Hành động cho cha mẹ với chữ ACT - trong đó A là Accompany - Đồng hành cùng con, C - Commitment và Communication: Cam kết, tôn trọng con và trao đổi nói chuyện với con hàng ngày và T là Time - dành thời gian chất lượng cho con. Bà Linh cũng nhấn mạnh: “Trẻ em cần học để lớn khôn, cha mẹ cũng cần học tập các phương pháp giáo dục tích cực để là động lực, tạo điều kiện cho con phát triển toàn diện, tối đa hoá các tiềm năng của mình. Chúng tôi luôn đồng hành cùng cha mẹ trong tiến trình cùng con khôn lớn”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trầm cảm gia tăng do áp lực học tập, thi cử
Trầm cảm gia tăng do áp lực học tập, thi cử

VOV.VN - Lại vừa xảy ra vụ một học sinh ở tỉnh Quảng Bình tự tử sau khi bị mẹ la mắng bởi kết quả học tập không tốt.

Trầm cảm gia tăng do áp lực học tập, thi cử

Trầm cảm gia tăng do áp lực học tập, thi cử

VOV.VN - Lại vừa xảy ra vụ một học sinh ở tỉnh Quảng Bình tự tử sau khi bị mẹ la mắng bởi kết quả học tập không tốt.

Giáo dục phổ thông còn nặng áp lực thi cử, học sinh yếu ngoại ngữ
Giáo dục phổ thông còn nặng áp lực thi cử, học sinh yếu ngoại ngữ

VOV.VN -Báo cáo giáo dục phổ thông cho thấy, Việt Nam còn nặng áp lực thi cử, Ngoại ngữ vẫn là điểm yếu đối với học sinh...

Giáo dục phổ thông còn nặng áp lực thi cử, học sinh yếu ngoại ngữ

Giáo dục phổ thông còn nặng áp lực thi cử, học sinh yếu ngoại ngữ

VOV.VN -Báo cáo giáo dục phổ thông cho thấy, Việt Nam còn nặng áp lực thi cử, Ngoại ngữ vẫn là điểm yếu đối với học sinh...

Giảm số môn thi tốt nghiệp sẽ giảm áp lực thi cử?
Giảm số môn thi tốt nghiệp sẽ giảm áp lực thi cử?

VOV.VN - "Những thay đổi này sẽ làm giảm áp lực thi cử, nhưng vẫn đảm bảo độ tin cậy về chất lượng giáo dục...". ông Mai Văn Trinh nói.

Giảm số môn thi tốt nghiệp sẽ giảm áp lực thi cử?

Giảm số môn thi tốt nghiệp sẽ giảm áp lực thi cử?

VOV.VN - "Những thay đổi này sẽ làm giảm áp lực thi cử, nhưng vẫn đảm bảo độ tin cậy về chất lượng giáo dục...". ông Mai Văn Trinh nói.