Lãnh đạo Hà Giang nhận trách nhiệm về điểm thi THPT cao bất thường
VOV.VN -Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang đã nhận trách nhiệm để xảy ra sai phạm trong việc chấm thi THPT Quốc gia năm 2018.
Chiều 17/7, tại TP Hà Giang, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Hà Giang, UBND tỉnh Hà Giang chính thức họp báo thông tin về vụ việc điểm thi bất thường ở tỉnh này.
Tại cuộc họp báo, ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 của Hà Giang nhận trách nhiệm để xảy ra sự việc điểm thi bất thường ở trong tỉnh. Ông Quý cho biết, việc sai phạm này trước tiên là động cơ không trong sáng.
Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 phát biểu tại buổi họp báo |
Ông Trần Đức Quý cho biết thêm, trong quá trình tổ chức, có những việc không thể lường trước được. Đây cũng là bài học xương máu để Hà Giang rút kinh nghiệm, khắc phục trong những năm tới.
Hà Giang sẽ lấy kết quả của chấm thẩm tra lần này để chốt lại số điểm cuối cùng của các em. Về trách nhiệm của Giám đốc Sở GD-ĐT Vũ Văn Sử, trách nhiệm đến đâu, chúng tôi sẽ xử lý đến đó chứ không thoái thác. Ngay sau khi xảy ra sự việc, chúng tôi đã vào cuộc để có câu trả lời với dư luận.
“Chúng tôi không dung túng với những việc làm sai. Chúng tôi đã làm hết sức mình. Còn trách nhiệm và việc xử lý đến đâu chúng tôi xin chấp nhận”, ông Quý nhấn mạnh.
Cũng tại cuộc họp báo, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang Vũ Văn Sử đã nhận trách nhiệm để xảy ra sự việc trên.
"Chúng tôi có trách nhiệm rất lớn với Cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, với Bộ GD-ĐT và lớn hơn là với nhân dân tỉnh Hà Giang và các em học sinh. Sự việc không mong muốn này xảy ra, ngay sau khi phát hiện ra sự việc, thực hiện chỉ đạo của Bộ và của Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, chúng tôi đã vào cuộc với tinh thần quyết liệt và quyết tâm.
Trong thời gian rất ngắn, làm thâu đêm suốt sáng để bây giờ có câu trả lời trước dư luận và chúng ta không dung túng cho tiêu cực, chúng ta phải làm thế nào để đem đến cho xã hội niềm tin, mang cho các em học sinh niềm tin để các em cố gắng.
Còn về trách nhiệm, chúng tôi đã làm hết sức mình và trách nhiệm đến đâu chúng tôi xin hoàn toàn chấp nhận", ông Vũ Văn Sử nhấn mạnh./.
Có 85 bài thi Vật lý đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 7,75 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,0; điểm đã công bố là 8,75 điểm);
Có 56 bài thi Hóa đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 8,75 điểm (điểm chấm thẩm định là 0,75; điểm đã công bố là 9,5 điểm); Có 08 bài thi Sinh đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 4,25 điểm (điểm chấm thẩm định là 4,75; điểm đã công bố là 9,0 điểm);
Có 09 bài thi Lịch sử đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 7,25 điểm (điểm chấm thẩm định là 2,5; điểm đã công bố là 9,75 điểm);
Có 03 bài thi Địa lí đã chênh lên từ 1,25 điểm đến 3,0 điểm (điểm chấm thẩm định là 6,0; điểm đã công bố là 9,0 điểm);
Có 52 bài thi tiếng Anh đã chênh lên từ 1,4 điểm đến 7,8 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,2; điểm đã công bố là 9,0 điểm);
Có tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.
Qua chấm thẩm định cũng cho thấy một số bài thi có điểm tăng hơn so với điểm đã công bố từ 0,2 đến 1,0 điểm. Cá biệt có 3 bài thi môn GDCD có điểm chấm thẩm định tăng hơn 5,75 điểm so với điểm đã công bố.
Sai phạm thi ở Hà Giang: Hàng trăm bài thi đã bị nâng “khống” từ 1 đến 8,75 điểm
Cán bộ Sở GD-ĐT Hà Giang trực tiếp can thiệp vào bài thi bằng cách nào?
Sai phạm trong chấm thi THPT ở Hà Giang: Tổ chức thi lại hay chỉ chấm lại?