Lớp trưởng hay chủ tịch: Vấn đề không phải ở tên gọi
VOV.VN -TS. Vũ Thu Hương: Khi các cháu đã ứng cử các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch thì các cháu phải thể hiện mình để “có điểm” trong mắt của các bạn.
Tại điều 17 Dự thảo Điều lệ trường tiểu học do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố nêu rõ: “Học sinh được tổ chức theo lớp học. Lớp học có lớp trưởng, lớp phó hoặc chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh do tập thể học sinh bầu hoặc do giáo viên chủ nhiệm lớp chỉ định luân phiên trong năm học”.
Điều này khiến nhiều phụ huynh tỏ ra rất ngạc nhiên, vì cách áp dụng chức vụ giống như chính quyền. Trên thực tế, cách gọi này đã được thực hiện ở 1.500 trường tiểu học trên cả nước, theo mô hình trường học mới VNEN, tương ứng với đó là hàng ngàn vị chủ tịch hội đồng tự quản thay thế cho lớp trưởng.
Sơ đồ bộ máy Hội đồng tự quản học sinh của một trường tiểu học (Ảnh: tieuhoc.moet.gov.vn) |
Dù mới chỉ là dự thảo, nhưng nội dung quy định lớp trưởng được gọi là chủ tịch hội đồng tự quản vấp phải những ý kiến trái chiều từ dư luận. Có 2 luồng ý kiến chủ đạo đó là chức danh chủ tịch rất tốt cho trẻ, giúp cho trẻ tự tin và có trách nhiệm ngay từ nhỏ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến không đồng tình bởi áp chức danh mới khiến trẻ hình thành tâm lý ham hố quyền lực.
Các cháu có ảo tưởng về chức danh?
Trao đổi với phóng viên VOV, TS. Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, trường Đại học Sư phạm cho biết: Chức danh chủ tịch, phó chủ tịch cũng như mô hình VNEN đã được triển khai cách đây 3 năm và có số lượng lớn các trường tiểu học thực hành theo mô hình này.
Khi được hỏi về mô hình trường học VNEN, một số phụ huynh cho rằng rất thích mô hình này và con họ tiến bộ rất nhiều. Những phụ huynh này không có phản ứng gì và có lẽ chỉ những phụ huynh chưa biết thì mới băn khoăn.
“Tôi không đồng tình với bất kỳ chức danh nào, nếu nói chính xác thì ở trường tiểu học, các cháu nên được sống và học tập một cách bình đẳng, nghĩa là không cháu nào hơn cháu nào ở vị trí trong lớp. Như vậy chúng ta mới đạt được giáo dục toàn diện nhất. Tuy nhiên, chúng ta đang từng bước trải qua quá trình chuyển giao giữa giáo dục áp đặt sang giáo dục tự chủ, do đó phải có những bước đệm và tôi nghĩ những bước đệm nhẹ nhàng có thể chấp nhận được” – TS. Vũ Thu Hương chia sẻ.
Theo bà Thu Hương, thực ra các chức danh này không giống như lớp trưởng, lớp phó. Nếu nói “ảo tưởng quyền lực” thì các bạn lớp trưởng, lớp phó ngày xưa sẽ bị ảo tưởng nhiều hơn. Bởi vì các chức danh này sẽ được bầu cử và thay thế trong vài tháng chứ không giữ nguyên. Trước đây đã có rất nhiều cháu cả mười mấy năm làm lớp trưởng, thì chắc chắn dấu ấn “quyền lực” sẽ nặng nề hơn là những cháu chỉ làm có vài tháng.
Lớp trưởng ở mô hình cũ sẽ được cô giáo bổ nhiệm, điều này phụ thuộc vào việc cô giáo thấy cháu nào nhanh nhẹn, “được việc”, hoặc dễ mến, nhiều khi là vì cháu học giỏi. Còn chức danh chủ tịch và phó chủ tịch thì không phải, vì các cháu sẽ bầu cử, ứng cử, tranh cử.
Nói về “áp lực” khi các cháu đảm nhiệm chức danh chủ tịch, phó chủ tịch, TS. Vũ Thu Hương cho rằng sẽ không có áp lực, mà ở đây nói chính xác là các cháu sẽ nhiệt tình học tập hơn để “có điểm” trong mắt của các bạn.
Thông tư 30 về giảm áp lực học tập cho các cháu đã nhận rất nhiều ý kiến cho rằng như thế sẽ khiến các cháu lười học hơn. Vì thế các chức danh này sẽ “đỡ” một chút cho Thông tư 30 để các cháu nhiệt tình hơn trong học tập. Ở đây là sự nhiệt tình thực sự chứ không phải áp lực thành tích.
Lớp trưởng hay chủ tịch: Vấn đề không phải ở tên gọi (Ảnh minh họa) |
Chủ tịch ở lớp học khác “chủ tịch” ngoài đời
TS. Vũ Thu Hương nhấn mạnh: Ở đây không phải là sự thay thế lớp trưởng thành chủ tịch, mà chúng ta có các mô hình trường học khác nhau và duy nhất trong mô hình trường học VNEN mới có chức vụ này, còn các mô hình khác vẫn có lớp trưởng.
Nếu nói trẻ em chưa đủ hiểu chức vụ chủ tịch và phó chủ tịch thì chúng ta cũng hoàn toàn yên tâm, bởi vì với sự hiểu biết rất đơn giản thì các cháu sẽ thực thi nhiệm vụ theo sự hiểu biết của các cháu, chứ không phải những gì diễn ra ngoài đời. Ví dụ, những ông chủ tịch hội đồng quản trị rất “oai”, nhưng có thể các cháu chưa bao giờ gặp. Các cháu chỉ thấy chủ tịch ở trong lớp phải có cái gì đó khác so với chủ tịch ở ngoài đời.
Lớp trưởng hay chủ tịch chỉ là cái tên gọi. Chuyện đó cũng rất bình thường và các cháu sẽ quen với những chức danh đó. Điều đáng nói ở đây là với mô hình mới, giáo viên phải làm quen với cách làm việc mới và họ phải có định hướng để thay đổi cho phù hợp với tiêu chí là cho các cháu được hoạt động tự chủ hơn.
“Khi học ở mô hình VNEN, điều tốt nhất dễ nhận thấy là các cháu được tự chủ hơn rất nhiều. Các cháu rất tự tin, bởi khi các cháu đã ứng cử các chức danh thì các cháu phải thể hiện mình, cách thức đó là khiến các cháu hoạt động nhiều hơn. Những cháu khác cũng rất hào hứng, mong muốn được thể hiện. Điều này hay hơn hẳn ở mô hình cũ” – TS. Vũ Thu Hương khẳng định./.
** Nhà giáo ưu tú Đặng Đình Đại, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội): Được gọi là chủ tịch sẽ gây cho các em những ảo tưởng, xảy ra những điều không có lợi về mặt giáo dục. Bởi vì từ nhỏ, mới học lớp 1, lớp 2 đã chủ tịch, phó chủ tịch thì các em sẽ cảm thấy ảo tưởng về cái tôi cá nhân. Danh vị phải đi đôi với quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ, nhưng các em quá bé để thực thi những cái đó. Cho nên theo tôi nên cân nhắc, không nên áp đặt yêu cầu các trường tiểu học thay hệ thống lớp trưởng bằng chủ tịch.
** TS. Ngô Thị Tuyên, Phó giám đốc Trung tâm công nghệ giáo dục – Nhà xuất bản Giáo dục: Điều quan trọng là học sinh làm cái gì và làm như thế nào chứ không phải đổi tên chức danh. Tên chỉ là cái vỏ bên ngoài. Người ta đưa vào là muốn tạo ra sự đổi mới. Nhưng đổi mới ở đây phải đi vào thực chất chứ không phải bằng những tên gọi khác nhau./.