Mặc đồng phục, các học sinh sẽ được bình đẳng?
VOV.VN-Sự bình đẳng trong môi trường giáo dục có được tạo nên chỉ nhờ một tấm áo? Câu trả lời là không!
Còn nhớ, trước đây, khi ban hành quy định bắt buộc mặc quần áo đồng phục cho học sinh, ngành giáo dục đưa ra lý do về sự bình đẳng cho các em. Bất cứ học sinh nào dù giàu nghèo cũng sẽ bình đẳng như nhau sau tấm áo. Đó là mong muốn chính đáng. Nhưng sự bình đẳng trong môi trường giáo dục có được tạo nên chỉ nhờ một tấm áo? Câu trả lời là không!
Sự bình đẳng phải từ chính tư duy giáo dục và cách làm giáo dục hiện nay (Ảnh minh họa/KT) |
Một đứa trẻ lớp 2 phải đứng ngoài cổng trường đóng kín giữa cái nắng chang chang khi các bạn trong lớp đến giờ ăn chỉ vì cha mẹ chậm nộp tiền ăn. Chuyện đó xảy ra tại Trường Tiểu học Hùng Vương ở Q6, TP Hồ Chí Minh. Câu chuyện này hẳn khiến nhiểu người nghi ngờ về sự “bình đẳng” mà ngành giáo dục vẫn mong muốn sẽ hướng đến.
Cũng cách đây chưa lâu, tại một trường mầm non ở Hà Nội, các cô giáo bắc loa bắt những đứa trẻ mà bố mẹ không nộp tiền phải ở trong phòng học, trong khi các bạn khác được xuống sân xem xiếc. Đây chắc hẳn cũng không phải là sự “bình đẳng” mà ngành giáo dục muốn tạo ra như khi bắt các em khoác tấm áo đồng phục lên người.
Vậy sự bình đẳng phải nên bắt đầu từ đâu? Xin chưa, phải từ chính tư duy giáo dục và cách làm giáo dục hiện nay.
Trường học không phải là trại tế bần, vậy nên các em muốn ăn thì phải đóng tiền.
Trường học cũng không phải là rạp xiếc miễn phí, nên các em muốn xem thì cũng phải đóng tiền.
Đó là những lý lẽ đúng, nhưng chỉ với người lớn. Liệu những đứa trẻ mới 7 tuổi hay những cháu bé mầm non, mẫu giáo có hiểu được điều đó?
Phải đứng ngoài cổng trường, đứa trẻ 7 tuổi chỉ biết khóc. Bị ngồi trong lớp học trong khi các bạn được xuống sân, những cháu bé mầm non cũng chỉ biết khóc. Đó hẳn chỉ là những giọt nước mắt trẻ thơ non nớt khi không thể hiểu được vì sao, chứ không phải là những giọt nước mắt tủi thân, hờn giận… Nhưng điều này sẽ là một vết cứa trong tâm hồn các em và những tổn thương tinh thần trong các em là điều khó tránh khỏi. Vậy nên, đừng bắt trẻ con phải học những bài học của người lớn! Và đừng đem quán ăn hay rạp xiếc vào sân trường.
Phẫn nộ, bất bình, xót xa… là cảm giác của bất cứ ai đọc được những câu chuyện đau lòng như thế này. Tiếc thay, đó không phải là những câu chuyện hy hữu mà vẫn thường xuất hiện đó đây trên những mặt báo. Và còn biết bao câu chuyện khác nữa trong thực tế mà không phải phụ huynh, học sinh nào cũng đủ dũng cảm để lên tiếng.
Có những học sinh bị cô giáo mắng là ngu, là hâm, thậm chí là… con lợn… trước mặt các bạn học sinh trong lớp. Có những học sinh bị cô giáo bắt đứng trước lớp cho các bạn ê ồ vì mắc lỗi. Và đã có cháu bé bị cô giáo mầm non dọa cho vào thang máy một mình vì không chịu ăn… Những cách làm phản giáo dục đó vẫn đang là thực tế diễn ra trong cuộc sống.
Đất nước ta vừa chào đón thành viên thứ 90 triệu. Bên cạnh niềm vui này, các chuyên gia đã cảnh báo nhiều nguy cơ, thách thức về y tế, giáo dục hay các vấn đề kinh tế - xã hội khác. Nhưng có lẽ, điều người lớn chúng ta nên làm cho các em, không chỉ là sự đủ đầy về kinh tế hay sức khỏe thể chất mà còn là “sức khỏe” tinh thần, để các em được nuôi dưỡng và lớn lên trong một môi trường bình đẳng, trong lành thực sự. Một môi trường mà ở đó, không có những toan tính của người lớn mà dù vô tình hay hữu ý, cũng sẽ làm tổn thương không nhỏ tới tâm hồn non nớt của trẻ thơ…./.